Thời điểm này, tỉnh Hưng Yên có gần 20 chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa và các nhà giàn. Trong những ngày qua, cùng với nhân dân cả nước, thân nhân của họ luôn hướng về nơi biển đảo xa xôi với niềm tin và hy vọng con em mình vững tay súng bảo vệ từng mảnh đất, ngọn sóng nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
|
Người nhà các chiến sỹ luôn dõi theo những thông tin về Trường Sa, Hoàng Sa. Ảnh: hungyentv.vn |
Trong những ngày đầu tháng 5 này, khi mà Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trái phép trong vùng biển thuộc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông Đặng Văn Đạo ở xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi có con trai là Đặng Việt Đức đang công tác tải đảo Đá Lát ở quần đảo Trường Sa luôn dành thời gian để xem các tin tức về Trường Sa, Hoàng Sa. Con trai ông Đạo 24 tuổi, là chiến sỹ thông tin, noi gương bố đã có thời gian ra công tác xây dựng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ năm 1987 đến 1988, đầu năm nay anh Đức xung phong ra nơi xa xôi nhất của Tổ quốc để bảo vệ đảo.
Ông chia sẻ những thông tin về biển đảo mà hai bố con ông đã nói chuyện qua cuộc điện thoại: “Cháu cho biết tình hình ở ngoài biển Đông bây giờ cũng đã bớt căng thẳng. Cháu và các đồng chí cùng ngư dân sẽ luôn quyết tâm bám biển, giữ vững vùng trời, biển đảo của Tổ quốc”.
Ba mươi năm theo nghiệp quân ngũ, thì đã có 5 lần với 10 năm thượng tá Nguyễn Văn Dũng ở xã Thanh Long huyện Yên Mỹ làm nhiệm vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Anh hiện đang là Đảo phó đảo Song Tử Tây, một trong những đảo có vị trí chiến lược thuộc quần đảo Trường Sa.
Tuy đang nghỉ phép ở quê nhà, nhưng anh Dũng vẫn rất nóng lòng được trả phép để quay lại cùng các đồng đội bảo vệ biển đảo. Anh cho biết: “Tôi vẫn thường xuyên điện thoại hỏi thăm sức khỏe các anh em trên đảo. Bản thân tôi cũng rất sốt ruột muốn vào nhận nhiệm vụ mới và sẵn sàng tiếp tục tham gia công tác tại đảo Song Tử Tây, tiếp tục giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”
Đằng đẵng mấy chục năm xa chồng, nhưng chị Nguyễn Thị Dĩnh, vợ anh Dũng vẫn vượt qua hoàn cảnh, nuôi hai con chăm ngoan học giỏi. Hai con anh chị đang học tại Học viện Tài chính. Với chị, niềm tin vững tay súng ở chồng mình và các đồng đội của anh nơi đảo xa đã vượt qua hàng vạn ngày nhớ nhung, cũng là động lực để chị, như bao người mẹ, người vợ khác dám hy sinh một phần tuổi trẻ khi nhận lời yêu và lấy chồng là lính ở đảo xa.
Chị chia sẻ: “Mặc dù nhiều lúc rất nhớ và thương chồng nhưng tôi đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, nuôi dạy các con được ăn học đến nơi đến chốn để chồng tôi yên tâm công tác và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho.”
Mỗi tấc đất, rải sóng thiêng liêng của Tổ quốc nơi đảo xa vẫn đang được những người lính không quản ngại mưa nắng, xa xôi đêm ngày bảo vệ. Nơi quê nhà, thân nhân họ luôn dõi theo và vững niềm tin ở con em mình. Những người đang tiếp nối các thế hệ cha anh, không quản ngại hy sinh, coi đảo như nhà, biển như quê hương, mỗi con sóng nơi đảo xa như dòng máu đang chảy trong trái tim mình.