Tuy còn cách Tết Nguyên đán Giáp Ngọ gần một tháng nhưng những ngày này giá cả hàng hóa, thực phẩm, nông sản đã rục rịch tăng. Trong đó, rau xanh là một trong những mặt hàng đã tăng giá trung bình 30 – 50% trong những ngày vừa qua.
Hơn tuần nay cầm tiền đi chợ, bà Trần Thị Hoa, phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) thấy lượng hàng mình mua được “ngót” đáng kể so với trước đó. Nhấc từng món hàng trong chiếc giỏ vừa từ chợ về, bà nói: “Cân cà chua loại to mua giá 13 nghìn đồng, tăng 4 nghìn đồng; cải bắp trước có 3 nghìn đồng/cái nay đã 5 nghìn đồng/cái; su hào cũng tăng gấp đôi, hôm nay tôi mua 4 nghìn đồng/củ so với tuần trước. Thịt lợn đã tăng cả tháng nay, thịt ba chỉ, thịt nạc ngon tăng 10 – 15 nghìn đồng/kg, mỡ lợn tăng 20 nghìn đồng/kg. Chỉ còn thịt gà vẫn giữ giá… Cùng một số tiền đem ra chợ, cả tuần nay hàng mang về ít hơn hẳn”.
Cho rằng không hẳn tuần vừa rồi có dịp lễ Noel, rồi Tết Dương lịch và chuẩn bị đến Tết Nguyên đán mà giá bán nông sản đã rục rịch tăng lên, nhất là các loại rau, củ, quả, bà Nguyễn Thị Hạnh, người dân huyện Ân Thi đem rau bán tại chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) phân tích: “Những ngày qua, thời tiết thất thường, ngày có nắng nhưng đêm quá lạnh, lại có sương muối nữa thì rau, củ, quả khó phát triển tốt được. Những ruộng rau đã nảy mầm rồi còn đỡ chứ những ruộng vừa mới gieo hạt, gặp rét đậm, sương muối thì chờ hạt nảy mầm được phải hơn chục ngày. Cây mọc rồi cũng chậm lớn. Vậy nên giá tăng một phần do thời tiết xấu”.
Thông thường, khi vào kỳ thu hoạch rau, củ, quả chính vụ, giá bán các loại nông sản này thường thấp hơn đầu vụ. Nhưng năm nay, giá bán một số hàng nông sản lại có chiều hướng tăng khi vào thu hoạch chính vụ. Ngoài rau xanh, củ, quả đang tăng giá trung bình 30 – 50% so với hai tuần trước thì một số cây lương thực vụ đông cũng tăng giá. Điển hình là ngô nếp non. Chị Vũ Thị Long, xã Thuần Hưng (Khoái Châu) kể: “Cách đây chục ngày, giá bán ngô nếp non (loại dùng để luộc) tại ruộng là 7.000 đồng/kg, hoặc 2.000 đồng/bắp nhưng nay dù đang vào thu hoạch rộ song giá đã lên trên 8.000 đồng/kg hoặc 3.000 đồng/bắp. Đây là giá bán đổ xô cả ruộng chứ không bán hàng chọn”. Giá ngô tăng, theo người trồng cho biết thì đó là bởi thời tiết rét đậm, có sương muối khiến cho ngô chậm vào mẩy hơn, làm chậm thời gian được thu hoạch.
|
Nông dân xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) tập trung gieo trồng, chăm sóc rau màu ngắn ngày |
Sau hơn hai tuần giá rét, sương muối, những ngày cuối tuần này thời tiết ấm hơn, có gió Đông nên thuận lợi cho rau xanh phát triển trở lại. Tuy nhiên, theo như nhiều hộ gia đình chuyên trồng rau màu trong tỉnh cho biết thì nguồn cung rau xanh, củ, quả từ nay đến Tết Nguyên đán chưa hẳn đã dồi dào. Kinh nghiệm của gia đình ông Trần Văn Cảnh, xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) gắn bó với nghề trồng rau xanh nhiều năm nay cho thấy: Nếu đợt này ấm lên được vài ngày thì gần Tết Nguyên đán dễ rét đậm trở lại, khi ấy rau màu chưa kịp phục hồi trong đợt giá rét, sương muối vừa qua lại bị ảnh hưởng của đợt mới. Vì thế rau màu chưa thể dồi dào nguồn cung ngay được. Còn nếu thời tiết tiếp tục giá rét, sương muối như những ngày vừa qua thì rau xanh chắc chắn sẽ càng khan hiếm, giá bán sẽ còn cao hơn nữa. Theo nhiều hộ chuyên trồng rau thì dù dự đoán trước được tình hình khi trời mưa rét nguồn rau trên thị trường sẽ khan hiếm và giá cả sẽ tăng lên nhưng họ cũng khó phát triển được nguồn cung cấp rau vì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Người trồng rau xanh vốn vất vả, khi bán hàng được giá cũng phấn khởi hơn song thời gian này họ vẫn chưa vui vì tuy giá tăng lên nhưng hiệu quả kinh tế họ thu được không tăng, thậm chí còn giảm sút do bị ảnh hưởng của thời tiết làm cho cây trồng, sản phẩm nông nghiệp còi cọc, mẫu mã kém, giảm sản lượng… Bà Lâm Thị Oanh, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) chỉ ruộng cà chua nói: “Thông thường ruộng cà chua trồng vụ sớm sẽ cho thu hoạch đến hết tháng 3 âm lịch nhưng hiện nay cây đã không phát triển ngọn được nữa, giá rét, sương muối làm cho ngọn cà chua xoăn lại, chùm hoa nhỏ, tỷ lệ hoa bị cháy, táp sương nhiều, khả năng cây cho thu hoạch đến tháng 2 âm lịch là hết quả. Năng suất chỉ còn khoảng 50% so với vụ đông năm ngoái mà giá bán hiện cao hơn cùng kỳ không đáng kể”.
Năm nay, dịp Tết Nguyên đán cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên được nghỉ dài ngày hơn những năm trước. Nắm rõ đặc điểm này và thị hiếu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, thời gian này ở nhiều vùng rau màu của tỉnh, nông dân đang tập trung chăm sóc và gieo trồng nhanh các loại rau ngắn ngày, phục vụ ăn lẩu như cải ngọt, cải chip, cải cúc… đồng thời tập trung chăm sóc cải thảo, súp – lơ, cải bắp, su hào, cà chua… Đây là một trong những nhóm thức ăn dường như không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của các gia đình. Bởi vậy, dù giá bán loại hàng hóa này có thể sẽ còn tăng từ nay đến Tết Nguyên đán thì nhu cầu của khách hàng vẫn còn, không thể bỏ được.