Những năm gần đây, do mực nước sông Hồng ngày càng xuống thấp nên việc bơm nước gieo cấy lúa chiêm xuân ở các trạm bơm được xây dựng trước đây do bể hút nông, ống dẫn dài ngày càng khó khăn. Thấu hiểu được giá trị nguồn nước cho cây lúa: “nhất nước, nhì phân”, có nước thì mới có thể sản xuất nông nghiệp được. Chính vì vậy, ngày đêm anh Tú suy nghĩ phải làm thế nào khi hồ Hòa Bình xả lũ phục vụ cho gieo cấy thì các trạm bơm của Hưng Yên phải đưa được nguồn nước quí giá ấy lên đồng ruộng để nông dân gieo cấy và đặc biệt khi tưới dưỡng không còn xả hồ nữa, mực nước sông Bắc Hưng Hải và sông Hồng hạ thấp, thì việc tưới cho lúa và các loại cây trồng khác và thủy sản vẫn được duy trì bình thường. Nhớ lại thời niên thiếu còn đi be bờ tát gầu sòng, gầu giai thì anh thấy gầu sòng hiệu quả hơn gầu giai. Phát huy kiến thức đã được học ở trường Đại học Thủy lợi, anh Tú quyết tâm phải cùng với nhà sản xuất máy bơm tính toán, thiết kế cho được một trạm bơm để khi mực nước thấp vẫn bơm được. Thế là, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2015, mô hình trạm bơm không ống đã được hoàn thiện. Điểm mấu chốt của trạm bơm mới đó là chuyển củ máy bơm có cánh quạt nước trước đây ở trên cao thì nay được thiết kế đặt sát xuống bể hút. Việc truyền lực từ mô tơ điện sang củ bơm bằng trực tiếp nay chuyển bằng động cơ dây curoa để giảm tốc độ quay của cánh bơm nước. Để đưa vào thử nghiệm, qua khảo sát thực tế, năm 2016 việc xây dựng trạm bơm kiểu mới này chọn đặt ở huyện Mỹ Hào, lấy tên là trạm Hòa Đam 3, với công suất là 4.000 m3/h, kinh phí là 900 triệu đồng. Trạm được xây dựng ở lòng sông nên chỉ cần sông có nước là bơm được, khác với trước đây mực nước thấp thì trạm bơm trơ trõ không bơm được. Anh Tú nói vui: “Trạm bơm trước đây là kiểu tát gầu giai, còn trạm bơm không ống kiểu mới này là bơm nước kiểu tát gầu sòng”.
|
Giám đốc Nguyễn Anh Tú (người đứng ngoài cùng từ bên phải qua trái) thăm trạm bơm không ống (được xây dựng đầu tiên) - Hòa Đam 3.
|
Từ thực tế trạm bơm Hòa Đam 3 - tác phẩm đầu tay thấy giá thành xây dựng tiết kiệm được 2/3 kinh phí, việc lắp đặt máy bơm có thể thực hiện trên các địa hình: trên dầm bê tông hoặc các cánh cống do đó không cần phải giải phóng mặt bằng xây dựng trạm và lượng điện tiêu thụ cũng tiết kiệm được gần 2/3 so với máy bơm cũ cùng công suất, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao cho anh Tú viết thành đề tài khoa học để có thể ứng dụng rộng rãi.
Vui mừng trước hiệu quả của trạm bơm kiểu mới, năm 2017 Giám đốc Nguyễn Anh Tú trở lại mái trường Đại học Thủy lợi để anh báo cáo với các thầy, cô về sáng tạo của mình đồng thời muốn được nhà trường giúp đỡ anh hoàn thành đề tài khoa học. Sau khi đề tài hoàn thành, GS.TS Dương Thanh Lượng, Trường Đại học Thủy lợi đánh giá: “Đề tài trạm bơm không ống là trạm bơm có bước cải tiến mới đạt nhiều ưu điểm: không chiếm mặt bằng, dễ xây dựng, hiệu quả kinh tế cao và có thể ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi”.
|
Giám đốc Nguyễn Anh Tú (đứng thứ hai từ trái qua phải) kiểm tra hoạt động trạm bơm không ống Phú Hữu 2.
|
Bảo vệ đề tài thành công, Giám đốc Nguyễn Anh Tú báo cáo với UBND tỉnh để triển khai xây dựng mô hình trạm bơm mới này. Từ hiệu quả thực tế của trạm bơm mới, 3 năm qua tỉnh Hưng Yên đã xây dựng 26 trạm bơm với các công suất từ 2.500 m3/h đến 8.000 m3/h ở các huyện, thị xã, thành phố với tổng công suất 210.000 m3/h. Với sự hoạt động của 26 trạm bơm này đã phục vụ việc tưới tiêu cho 15.000 ha tương đương 50% diện tích gieo cấy tỉnh Hưng Yên.
Văn Lâm là huyện rất khó lấy nước đổ ải, đã được đầu tư trạm bơm mới này tại cống Tảo C xã Lương Tài. Sau quá trình vận hành, đánh giá hiệu quả của trạm bơm không ống, đồng chí Vũ Hữu Thành, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL (khai thác công trình thủy lợi) huyện Văn Lâm cho biết: “Về mặt kỹ thuật, so sánh 1 máy bơm cùng công suất 3.700 m3/h thì loại bơm truyền thống phải sử dụng động cơ 75kw/h, trong khi máy bơm không ống chỉ sử dụng động cơ 22 kw/h, việc chuyền lực từ mô tơ điện sang củ máy bơm bằng dây curoa nên dễ lựa chọn, máy chạy êm, độ bền cao, dễ sửa chữa. Máy đặt tại cửa cống, bơm trực tiếp sông đổ lên sông do vậy không bị tổn thất dòng nước trên các kênh dẫn như các trạm truyền thống”. Còn theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng cục Quản lý công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và PTTN cho hay: “Qua thực tế cho thấy trạm bơm không ống rất hiệu quả, giúp việc lấy nước sẽ nhanh hơn, nhất là ở những địa phương cuối nguồn, xa vùng nước cấp. Trạm bơm mới này nhân rộng được ở các tỉnh thành khác trong cả nước”.
|
Niềm vui của Giám đốc Nguyễn Anh Tú (người chỉ tay nguồn nước) và cán bộ trạm bơm Phú Hữu 2 trước nguồn nước bơm đáp ứng đủ cho các cánh đồng.
|
Sau đợt 1 hồ Hòa Bình xả nước, tôi được cùng anh Tú đi thăm đồng thì thấy nhiều cánh đồng cao của Hưng Yên đã bơm được nước. Ghé qua trạm bơm Phú Hữu 2, chị Hoàng Thị Tuyết, công nhân Xí nghiệp KTCTTL thị xã Mỹ Hào tươi cười nói: “Việc vận hành trạm bơm không ống này cũng dễ dàng, cứ đóng điện là nước lên, không phải mồi như trạm bơm cũ trước đây và công suất cũng đạt tối đa,bơm nước một lúc đã đầy kênh dẫn”. Tới trạm bơm T3 Phan Đình Phùng thị xã Mỹ Hào, mới được xây dựng năm 2020, trạm có công suất 6.000 m3/h có khả năng tưới, tiêu cho hơn 600 ha của các xã Phan Đình Phùng, Cẩm Xá, Dương Quang (Mỹ Hào) và của 2 xã Lương Tài, Việt Hưng (huyện Văn Lâm). Gặp Phó thôn Yên Xá - Nguyễn Đức Tiếp, anh không giấu nổi niềm vui hớn hở: “Từ mùa đông năm ngoái, việc lấy nước phục vụ cho gieo cấy lúa xuân ở thôn tôi không còn vất vả như trước nữa rồi. Anh em trong thôn không phải mang chăn bông ra đồng ngủ để trông giữ nguồn nước đổ ải từ trạm bơm Kim Huy về vì diện tích của thôn ở cuối nguồn. Nông dân trong thôn ai cũng phấn khởi, 300 mẫu ruộng có nước kịp thời sản xuất”. Anh Tú còn cho tôi biết thêm, sau khi xây dựng trạm bơm mới này ở thành phố Hưng Yên thì việc khắc phục tiêu úng ở thành phố là khu vực chuyên canh hơn 500ha nhãn đặc sản tiêu rất nhanh, không bị úng ngập lâu ngày như trước đây, chủ tịch UBND thành phố đánh giá rất cao hiệu quả của trạm bơm mới này.
Không chỉ sáng kiến xây dựng trạm bơm không ống, Giám đốc Nguyễn Anh Tú còn nhiều sáng tạo nữa, đó là xây dựng những cống lớn ở các sông trong tỉnh, tạo thành hồ chứa nước ở đồng bằng. Đến nay ở Hưng Yên đã tạo được khoảng 250 km sông chứa nước trong toàn tỉnh, dài nhất là ở 2 sông: Kim Ngưu nối với sông Từ Hồ Sài Thị dài 77 km qua 4 huyện: Văn Giang, Khoái Châu,Yên Mỹ và Kim Động. Việc trữ nước ở các sông này có thể đủ tưới dưỡng cho diện tích lúa, rau màu đến tháng 4. Anh Nguyễn Văn Oánh, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL Châu Giang cho hay: “Sáng kiến của Anh Tú cho xây dựng các cống lớn ở các sông tạo thành hồ chứa nước ngọt phù sa là rất hiệu quả. Khi hồ Hòa Bình thôi không xả lũ cho việc gieo cấy thì nhiều hồ chứa ở Hưng Yên cơ bản đảm bảo nước tưới dưỡng cho cây lúa, hoa màu…Xí nghiệp KTCTTL Châu Giang cơ bản đảm bảo nước tưới dưỡng cho hơn 27.000 ha cây hoa màu, cây cảnh và 1.000 ha ao cá”.
|
Giám đốc Nguyễn Anh Tú (người đứng thứ hai từ phải qua trái) thăm trạm bơm không ống T3 Phan Đình Phùng (Mỹ Hào) |
Trưởng thành từ giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện nên anh Tú hiểu được lỗi vất vả của anh em công nhân khi quay các cánh cống lớn, anh nghĩ phải ứng dụng công nghệ để anh em công nhân bớt đi những giọt mồ hôi, anh đã có sáng kiến điện khí hóa các cánh cống lớn, thay việc quay tay bằng mô tơ điện. Đến nay, Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi Hưng Yên đã điện khí hóa được 70 cánh cống lớn. Anh Đỗ Hữu Tuyến, cán bộ Xí nghiệp KTCTTL Văn Lâm cho biết: “Trước đây những cánh cống lớn muốn đóng hoặc mở phải cần tới 4 người quay trong 1 buổi sáng mới xong, thì nay sau khi lắp mô tơ điện chỉ việc đóng cầu dao trong 15-20 phút là hoàn thành. Anh em công nhân không còn lo lắng mỗi khi giao nhiệm vụ này”.
Gần 30 năm gắn bó với nghề thủy nông, anh Tú nắm chắc tình hình ở mỗi trạm bơm, thậm chí từng đường ống chất lượng còn đủ tiêu chuẩn kỹ thuật hay không. Những đường ống bằng sắt để ngoài trời hay ngâm nước thường bị han gỉ, đặc biệt là các đường ống ngâm trong nguồn nước ô nhiễm, anh Tú đã có sáng kiến thay ống hút sắt bằng ống nhựa HDPE để các trạm bơm đảm bảo vận hành tốt hơn. Sáng kiến này tiếp tục được áp dụng ở các trạm bơm trong toàn tỉnh.
Một giám đốc luôn tâm huyết, trách nhiệm với nghề và đã có nhiều sáng tạo trong công việc, từ đó Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hưng Yên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh giao cho. Chính vì vậy, Giám đốc Nguyễn Anh Tú đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành như Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen và giấy khen của các Đảng ủy khối cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên.
Chia tay anh Tú cho biết: phát huy kết quả đã đạt được anh sẽ cùng cán bộ Công ty tiếp tục nghiên cứu để có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hơn nữa, nhằm góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua của ngành và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.