(ĐCSVN)- Hưng Yên là một tỉnh thuần nông, sản xuất lúa vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Hưng Yên đã phải nhường chỗ cho các nhà máy công nghiệp. Mất đất, hàng nghìn người nông dân chỉ quen tay cấy tay cày đang chật vật trong mưu sinh. Nhưng trong cái khó khăn bộn bề của nông dân mất đất ấy đã “ló” ra cách làm mới góp phần ổn định đời sống nông dân khi chuyển đổi từ “nông sang công”.
* Chật vật mưu sinh
Năm nay 74 tuổi, lẽ ra ông Nguyễn Văn Bản ở thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên được nghỉ ngơi dưỡng già nhưng hàng ngày vẫn phải dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị nồi niêu bát đũa, đẩy xe hàng ăn ra cổng khu Công nghiệp Dệt may Phố Nối cách nhà nửa cây số để bán. Công việc của ông chỉ kết thúc vào tầm 2 giờ chiều. Ông Bản cho biết: "làm luôn chân luôn tay, mệt lắm, hai vợ chồng mỗi ngày chỉ lãi được 50.000 đồng song vì mưu sinh vẫn phải làm. Từ năm 2000 đến nay, gia đình có 7 sào ruộng đã dành hết cho dự án công nghiệp".
Ông Bản cũng như hàng trăm hộ dân của thôn Thanh Xá, vào năm 2000 - thời điểm những dự án công nghiệp đầu tiên vào địa phương đã bán đất cho doanh nghiệp vào đầu tư. Lúc bấy giờ giá đền bù chỉ 8 triệu đồng một sào canh tác. Sau khi nhận tiền đền bù, nhiều người dân Thanh Xá trả nợ, sửa chữa nhà cửa, mua xe máy vèo cái đã hết đúng như "tiền vào nhà khó".
Đã gần chục năm, ông Lê Thành Lập, trưởng thôn Thanh Xá vẫn còn nhớ câu chuyện ông Trần Văn Xuất cùng thôn, sau khi nhận tiền đền bù tại UBND xã Nghĩa Hiệp đã "tậu" ngay chiếc xe máy Sunfat với giá gần 8 triệu đồng tương đương một sào ruộng. Do mới biết đi, ông Xuất đã bị ngã, người bị thương, vỡ yếm xe. Vụ việc giải quyết xong, ông Xuất mất đứt sào ruộng.
Qua tìm hiểu, Thanh Xá có 900 hộ dân nhưng tới 60% số hộ dân mất hết ruộng. Hiện tại thôn chỉ còn 92 mẫu ruộng trên 320 mẫu thời điểm trước năm 2000. Sau khi dành đất cho công nghiệp có tới trên 65% nông dân trong thôn vẫn giữ nguyên nghề sản xuất nông nghiệp, còn lại chuyển sang làm công nhân hoặc việc làm khác nhưng thu nhập không ổn định.
Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã có 13 Khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập với tổng diện tích 3. 535 ha, tập trung ở các huyện như: Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động. Ngoài ra, còn có những khu cụm công nghiệp trực thuộc tỉnh cũng tới trăm ha đất. Chừng ấy diện tích đất cũng là chừng ấy bờ xôi ruộng mật biến thành dự án công nghiệp, kéo theo hàng nghìn người không có việc làm. Với những người trong độ tuổi lao động thì được các doanh nghiệp tiếp nhận có mức lương từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều lao động chưa qua đào tạo, việc làm cũng bấp bênh. Anh Nguyễn Văn Hợi, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm cho biết: Từ năm 2008 đến nay, anh đã chuyển tới 3 công ty với nguyên nhân: nơi làm tới 12 tiếng/ ngày, chỗ thì công ty không đóng bảo hiểm cho công nhân.
Đáng lo ngại hơn cả là có khá nhiều người nông dân "nhường đất" cho công nghiệp nhưng lại "quá lứa nhỡ thì" tầm 35 đến 40 tuổi. Tuổi cao, không tay nghề, doanh nghiệp không tiếp nhận, đành phải "ngồi chơi xơi nước", số tiền đền bù chẳng mấy chốc đã tiêu tan. Hoặc số khác phải chuyển sang làm phụ xây, quét dọn, buôn bán đồng nát, tứ tán ở nhiều nơi mưu sinh kiếm sống. Bà Nguyễn Thị Thiều ở thôn Triều Đông, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang giãi bày: "Năm nay 50 tuổi, vẫn còn kiếm đủ gạo ăn, vài năm nữa tuổi cao sức yếu không biết làm gì để sống, hết ruộng khổ lắm, trong khi vẫn còn phải nuôi mẹ già " .
Theo quy định, giá đền bù, hỗ trợ đất tại tỉnh Hưng Yên dao động từ 60 - 80 triệu đồng/ sào tùy từng khu vực. Để tạo việc làm ổn định cho nông dân, tỉnh cũng có kế hoạch đào tạo nghề cho con em nông dân mất đất với nghề: may mặc, hàn xì, cơ khí.... Theo anh Tuấn Anh, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, dạy nghề cho nông dân là rất tốt nhưng phải xuất phát từ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, như vậy vừa đỡ tốn tiền bạc và doanh nghiệp không mất thời gian đào tạo lại. Khi vào các nhà máy, người lao động được làm việc ngay, có thu nhập ổn định.
* Tìm hướng đi mới
Trong khi một số địa phương còn loay hoay tìm kiếm việc làm cho nông dân quá tuổi, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm đã tìm ra bước đi cho vấn đề “hậu công nghiệp”.
Xã Tân Quang, trước đây có 387 ha đất nông nghiệp, kể cả hồ ao. Lợi thế tiếp giáp quốc lộ l5, cận kề Thủ đô Hà Nội, có 387 ha đất canh tác. Gần chục năm qua, Tân Quang đã có 53 doanh nghiệp đứng chân, với tổng diện tích trên 162 ha đất nông nghiệp bị thu hồi. Diện tích thụt giảm, 50% số hộ trong xã mất đất canh tác, không ít gia đình dành hết đất cho công nghiệp. Trước thực trạng này, Tân Quang đã mạnh dạn tìm nghề mới, phát huy nghề truyền thống trên địa bàn để giải quyết lao động dôi dư. Những nghề mới như sản xuất bì bóng lợn, giò chả, nem chua... đã nhanh chóng được người dân các thôn Bình Lương, Chí Trung nhanh chóng tiếp thu. Đặc biệt, những nghề trên phù hợp với những người trên 35 tuổi, chỉ cần hoạt động trong nhà, không phải đào tạo nên có 60% số hộ trong thôn tham gia chế biến thực phẩm. Thôn Nghĩa Trai phát triển mạnh nghề truyền thống, trồng và chế biến cây thuốc nam với gần 100% số hộ. Với nghề may gia công cặp da, hai thôn Ngọc Loan và Ngọc Đà đã tạo việc làm không chỉ cho người dân trong thôn mà hàng vài trăm lao động quanh vùng với thu nhập bình quân 50- 70 nghìn/ ngày. Với việc phát triển mạnh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xã Tân Quang đã có 2 thôn là Ngọc Loan và Nghĩa Trai được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận là làng nghề.
Tân Quang phát triển mạnh nghề phụ, giúp cho nhiều người có việc làm thu nhập ổn định. Đồng chí Cao Hưng Lâm, Bí thư Huyện ủy Văn Lâm cho biết, người dân xã Tân Quang có thu nhập cao nhất huyện, trên 15 triệu đồng/ người/ năm, việc làm ổn định, góp phần giảm tệ nạn xã hội, an ninh trật tự ổn định. Năm 2009, Tân Quang vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới. Huyện Văn Lâm đang thực hiện nhân rộng cách làm của Tân Quang- đồng chí Lâm cho biết thêm.
Cách làm của xã Tân Quang rõ ràng đã đem lại hiệu quả, giải quyết tốt việc làm, ổn định đời sống cho nông dân, khi mà các địa phương ở Hưng Yên đang thực hiện bước chuyển từ "nông sang công"./.