Hiệu quả của các CLB văn nghệ văn nghệ quần chúng trong việc gìn giữ nghệ thuật truyền thống

Thứ ba, 13/10/2015 14:08

(ĐCSVN) - Xuất thân từ các vùng quê, gắn liền với công việc nhà nông, bằng niềm đam mê các làn điệu dân ca truyền thống, các CLB văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã và đang đóng góp tích cực vào việc duy trì, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống,đem đến những món ăn tinh thần cho nhân dân ở nhiều địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở.

Cứ vào ngày cuối tuần hay những lúc nông nhàn, 13 thành viên trong CLB trống quân thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu lại tập hợp nhau lại để hát trống quân. Họ đều là những người nông dân nặng lòng và say mê với nghệ thuật hát trống quân của quê hương, mong muốn làn điệu dân ca độc đáo này sẽ được gìn giữ và ngày càng phổ biến. Trong những năm qua, bằng lòng nhiệt huyết với trống quân, CLB đã khôi phục được nhiều làn điệu trống quân cổ có nguy cơ bị thất truyền như: hẹn ước, họa đất họa trời, thách cưới…đồng thời sáng tác được nhiều bài trống quân lời mới ca ngợi quê hương như: hát về Đức Nhuận quê em, tự hào Dạ Trạch quê tôi…Những câu hát trống quân mượt mà, từ ngữ sâu lắng, hóm hỉnh, thể hiện tâm tư tình cảm và ước vọng của người xưa về một cuộc sống sung túc, đầy đủ nay vẫn được các thế hệ tiếp nối bảo lưu ngay ở chính quê hương Dạ Trạch. Tại liên hoan dân ca toàn quốc năm 2013, CLB trống quân thôn Đức Nhuận đã đạt giải nhì với tiết mục trống quân cổ “canh hát chào” và giải ấn tượng với 5 chị em ruột cùng biểu diễn trống quân.

Là quê hương của bà Đào Thị Huệ, người được suy tôn là một trong những vị tổ nghệ thuật ca trù nước ta, sau nhiều năm mai một, ca trù - loại hình dân ca được UNESCO công nhận và xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp đang được "hồi sinh" trên quê hương Đào Đặng. Câu lạc bộ ca trù Đào Đặng thành lập năm 2012, từ 10 thành viên ban đầu, nay đã lên tới 28 thành viên, già có trẻ có, người cao tuổi nhất đã gần 80 tuổi, trẻ nhất mới ở tuổi lên 5, lên 6. CLB luôn quan tâm đến truyền dạy và phát triển hội viên, những ai có niềm yêu thích và có năng khiếu về ca trù đều có thể vào CLB. Trong CLB, việc truyền dạy theo phương thức truyền thống, người biết nhiều truyền cho người biết ít, người biết ít lại dạy cho người chưa biết từ cách đàn, cách hát, nảy hạt, lấy hơi, chuyển giọng, đánh phách…Chính vì thế ngày càng có nhiều người biết đến ca trù Đào Đặng.

Không nhiều thành viên như CLB ca trù Đào Đặng, song CLB ca trù Giáo Phòng ở xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang vẫn đang nỗ lực bảo tồn nghệ thuật hát ca trù. Trước kia, ca trù là nét văn hóa không thể thiếu ở Giáo Phòng, nhiều gia đình sống bằng nghề hát ca trù, 2 vị tổ sư ca trù của làng từ bao đời nay vẫn được nhân dân tôn thờ. Ngày nay, Giáo Phòng vẫn còn lưu giữ được 16 điệu ca trù cổ, tuy nhiên hầu hết người biết ca trù trong làng từ ca nương đến kép đàn, trống trầu đều đã ở tuổi “ thất thập cổ lai hy”, vì thế việc truyền dạy cho những thế hệ sau để ca trù nơi đây không bị mai một và thất truyền là một việc quan trọng. Từ năm 2005 đến nay, CLB ca trù Giáo Phòng phối hợp với sở Văn hóa - thể thao và du lịch mở được 5 lớp truyền dạy ca trù, mỗi lớp từ 10 đến 15 học viên, đa số là lớp trẻ ở các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ theo học. Đây được coi là điểm sáng trong việc bảo tồn và truyền dạy ca trù cổ ở tỉnh Hưng Yên.

Trong đợt xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú đợt 1 năm 2015, tỉnh ta có 7 nghệ nhân thuộc lĩnh vực ca trù, 7 nghệ nhân thuộc lĩnh vực trống quân và 1 nghệ nhân thuộc lĩnh vực nghi lễ trầu văn được đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Trong thời đại có nhiều loại hình giải trí hiện đại, tưởng chừng như các làn điệu dân ca truyền thống sẽ dần bị rơi vào quên lãng và mai một nhưng với tình yêu nghệ thuật, sự tâm huyết, những “ nghệ sỹ nông dân” ở các CLB văn nghệ quần chúng đã đem đến sức sống cho các làn điệu dân ca truyền thống và đưa nó trở nên phổ biến và gần gũi với nhân dân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực