Hiệu quả từ cây vải chín sớm ở Phù Cừ - Hưng Yên
Thứ tư, 29/05/2013 14:07 (GMT+7)
(ĐCSVN) -Từ cây vải chín sớm đặc trưng của huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên, người nông dân nơi đây đã làm giàu được trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Từ năm 2003, cùng với cây lúa, vải chín sớm được lựa chọn là cây trồng chủ lực của huyện. Theo đó, Phù Cừ là vùng chuyên canh vải lớn nhất tỉnh Hưng Yên với diện tích trồng 600 ha; trong đó, 400 ha đã cho thu hoạch. Những vùng đất thịt mỏng, hơi chua không phù hợp với cây trồng khác lại rất thích hợp cho cây vải chín sớm. Do đó, người dân Phù Cừ đã biến khó khăn thành lợi thế bằng cách tăng tối đa cây vải trên diện tích đất này.
Vải Phù Cừ được trồng theo hình thức chiết cành, cây vải sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, đầu tư chi phí chỉ tương đương như cây lúa. Vì vậy, ở Phù Cừ, cây vải không những được trồng trong vườn nhà mà bờ đê, bờ ruộng đều được phủ kín loại cây ăn quả đặc trưng này.
Với trình độ thâm canh và khả năng đầu tư của nông dân ngày càng cao nên sản lượng vải cũng tăng theo từng năm. Năm 2012, sản lượng vải đạt 4.000 tấn thì năm nay sẽ đạt trên 5.000 tấn. Với mức giá bán dao động từ 13.000 đến 20.000 đồng/kg sẽ mang về trên 70 tỷ đồng cho nhân dân trong huyện. Có lợi thế chín sớm từ 15 - 20 ngày, sản lượng cao gấp 1,5 đến 2 lần các loại vải thông thường, không có hiện tượng ra quả cách năm nên vải Phù Cừ tạo được thu nhập đều cho nông dân, giúp ổn định thị trường tiêu thụ và mang lại lợi thế thương mại lớn. Thương lái từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đều tìm về thu mua quả tươi ngay tại vườn.
Nhằm tăng thu nhập cho nông dân, huyện đang đẩy mạnh tập huấn kỹ thật cho bà con, nâng cao trình độ thâm canh, khuyến khích phá bỏ cây trồng không hiệu quả để trồng thay thế bằng cây vải. Phù Cừ sẽ mở rộng thêm khoảng 200 ha vải để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác./.