Hội đông y Hưng Yên: Nỗ lực chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ hai, 28/02/2011 11:25

Là quê hương của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ông tổ của nền đông y Việt Nam, Hưng Yên được coi là một trong những cái nôi của nền y học cổ truyền dân tộc. Với phương châm “giỏi về y thuật, sáng về y đức”, các hội viên của Hội Đông y tỉnh luôn đoàn kết học tập lẫn nhau để không ngừng nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh, góp phần thiết thực vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và ngày càng khẳng định vai trò của đông y trong đời sống xã hội.

Hội Đông y tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 600 hội viên sinh hoạt ở 10 huyện, thành hội và 6 chi hội trực thuộc. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bằng đông y của nhân dân, trong những năm qua, hội Đông y tỉnh đã không ngừng quan tâm, khuyến khích hội viên mở rộng các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh đa dạng. Hội chú trọng chỉ đạo phát triển về số lượng và thường xuyên kiểm tra về chất lượng các phòng chẩn trị. Đến nay toàn tỉnh đã có 43 cơ sở chẩn trị và trên 200 phòng mạch tư về đông y với đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Bình quân mỗi năm có gần 1 triệu lượt bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở đông y. Bằng các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, kết hợp với sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc, các thầy thuốc đông y đã chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân. Với thái độ phục vụ tận tình, chu đáo, không phiền hà sách nhiễu, các lương y đã đem lại cho người bệnh sự tin tưởng, và ngày càng thu hút nhiều người tham gia khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Một số bệnh như phục hồi hỗ trợ sau tai biến mạch máu não, liệt nửa người, phong chẩn huyết nhiệt, bệnh phụ khoa, lão khoa, tâm căn suy nhược, tỳ vị hư kém… đã đạt kết quả tốt trong điều trị. Đặc biệt, có nhiều lương y có phương pháp chữa bệnh độc đáo, là bí quyết gia truyền như môn thuốc nắn bó trật khớp của lương y Đỗ Văn Cần (Văn Giang), thuốc chữa rắn độc cắn, hóc xương của lương y Nguyễn Văn Sàng (Khoái Châu), thuốc chữa tê thấp của lương y Lương Ngọc Đặng (Tiên Lữ)… và còn rất nhiều lương y có chuyên môn giỏi được nhân dân tín nhiệm.

Không chỉ giỏi về chuyên môn, các hội viên Hội Đông y tỉnh còn có tấm lòng tương thân tương ái, đúng như lời dạy của Bác Hồ “thầy thuốc như mẹ hiền”, luôn cố gắng tạo điều kiện giúp đỡ những người khó khăn, gia đình chính sách, trẻ em, người già… Nhiều lương y đã tự nguyện quyên góp tiền của, công sức giúp đỡ người bệnh nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh. Đơn cử như lương y Nguyễn Phú Cửu, lương y Đỗ Văn Tuân (Khoái Châu), mỗi năm đóng góp hàng trăm triệu đồng vào các quỹ ủng hộ người nghèo, người tàn tật, gia đình khó khăn… Bên cạnh đó, hàng năm, hội còn tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 3000 lượt người nghèo, gia đình chính sách, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Cùng với các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hội viên Hội Đông y tỉnh cũng tích cực biên soạn tài liệu đưa ra cách tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và phổ biến cho đông đảo nhân dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong 5 năm trở lại đây, Hội đã tập hợp được hàng trăm bài thuốc hay của các hội viên trong các cuốn nội san của hội nhằm góp phần cùng các hội viên trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

Để phương thức chữa bệnh bằng đông y ngày càng được nhân rộng, Tỉnh hội và các cấp hội chủ động tuyên truyền đến cán bộ, hội viên và nhân dân xây dựng vườn thuốc nam và tủ thuốc xanh tại nhà. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3000 tủ thuốc xanh gia đình và hàng trăm vườn thuốc nam của các hội viên. Nhờ đó đã đáp ứng kịp thời thuốc chữa bệnh, thực hiện đúng với phương châm “Thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, chữa bệnh tại nhà”. Bên cạnh đó, Tỉnh hội còn khuyến khích hội viên tham gia trao đổi kinh nghiệm khám chữa bệnh bằng việc tổ chức các buổi tọa đàm, mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Trong 5 năm qua, hội đã mở hàng chục lớp bồi dưỡng đông dược, thu hút hàng trăm hội viên tham gia với nội dung giảng dạy sinh động, cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực cho người học. Từ các buổi tọa đàm ở cơ sở đến các hội thảo chuyên đề cấp tỉnh, đã có nhiều hội viên tự nguyện cống hiến trên 200 bài thuốc hay và các kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ hàng chục năm trong nghề “trị bệnh cứu người”. Thông qua đó đã thúc đẩy, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các phòng mạch, phòng chẩn trị ngày càng tốt hơn, thu hút ngày càng đông nhân dân đến điều trị.

Theo bà Đặng Thị Phúc, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Hầu hết những thầy thuốc đông y khám, chữa bệnh bằng cái tâm, cái đức là chính. Tuy nhiên hiện nay hoạt động của hội có sự khó khăn đó là hội đông y cấp huyện không có biên chế, họ tham gia, gắn bó với hội bằng sự nhiệt tình, tấm lòng say nghề, nếu về lâu dài là rất khó để giữ chân họ…

Để mở rộng và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng đông y, trong thời gian tới, Hội Đông y tỉnh tiếp tục tập trung vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho hội viên, mở các lớp tập huấn ngắn hạn, dài hạn, tổ chức hội nghị tọa đàm chuyên môn với mục đích trau dồi kinh nghiệm, phát hiện và lưu giữ những bài thuốc hay, những phương pháp chữa bệnh độc đáo để các hội viên học tập. Đặc biệt, trong năm nay, hội chủ trương vận động thành lập hội đông y cấp xã, phường, thị trấn nhằm phát triển, thu hút thêm nhiều hội viên tham gia hoạt động hội… Mục tiêu lớn nhất của hội là mang lại quyền lợi cho hội viên, tăng cường y đức, y thuật để ngày càng thu hút nhiều người bệnh đến khám và chữa bằng đông y.

Với những kết quả đã làm được trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, 5 năm liền (2005- 2010), Hội Đông y tỉnh đã nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Trung ương hội và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực