Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên: Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp

Thứ hai, 19/12/2011 17:07

Thực hiện chương trình liên kết 4 nhà và đề án 460 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Hoạt động dịch vụ hỗ trợ”, nhiều năm qua, Hội nông dân tỉnh Hưng Yên thực hiện cung ứng trả chậm phân bón cho nông dân thông qua hệ thống các cấp hội là một hoạt động thiết thực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhiều nông dân đã giảm bớt khó khăn, chủ động vật tư trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Nhuế Dương là một xã ở phía Nam huyện Khoái Châu nằm ven sông Hồng, giáp huyện Kim Động. Tổng diện tích đất canh tác của xã có khoảng 480 mẫu, chủ yếu trồng lúa. Nhiều năm qua, nông dân trong xã đã tích cực trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa, chủ yếu là cây ngô, tuy nhiên diện tích trồng cây vụ đông chưa cao, hiệu quả kinh tế còn thấp. Thực hiện chương trình liên kết “4 nhà”, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình thực hiện mô hình khảo nghiệm trình diễn sử dụng phân bón lót NPKS 5.10.3-8 trên cây ngô LVN9 ngắn ngày để thay thế một phần cho việc sử dụng phân đơn trên cây ngô. Trước khi thực hiện mô hình, 16 hội viên nông dân đã được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân cho cây vụ đông và cây ngô. Trong quá trình thực hiện, cán bộ hội nông dân huyện, hội nông dân xã và công ty đã theo dõi kỹ thuật gieo trồng, chăm bón và sử dụng phân bón của nông dân. Kết quả thực hiện, sử dụng phân bón lót NPKS 5.10.3-8 Ninh Bình cây ngô phát triển tốt, màu lá xanh đậm, cây phát triển cân đối, bắp to, hạt màu sắc hơn hẳn so với bón phân đơn không bót lót. Tăng khả năng chống chịu của cây khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận mà vụ đông là vụ thường gặp các điều kiện thời tiết bất thuận nhất như khô hạn rét đậm vào giai đoạn ngô trổ cờ, phun râu đến giai đoạn chín. Năng suất ngô cao hơn so với đối chứng sử dụng phân đơn, ước tính tăng từ 20-30% năng suất, giảm giá thành đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế hơn sử dụng phân thông thường nhân dân đang áp dụng. Qua tổng kết chương trình khảo nghiệm, hội viên nông dân đã đề nghị Hội Nông dân tỉnh liên kết với Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình tiếp tục cung ứng phân bón, mở rộng khảo nghiệm mô hình trên các loại cây trồng khác nhau, các mùa vụ khác nhau, các loại đất khác nhau để nhân dân sử dụng đại trà. Như vậy, từ mô hình khảo nghiệm đã thấy hiệu quả giá trị kinh tế sử dụng phân bón lót cho cây ngô. Vai trò của các cấp hội trong chương trình liên kết “4 nhà” đã khẳng định.

Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là một trong những yếu tố quan trọng quyết định cho năng suất và chất lượng lúa. Qua kết quả sản xuất nông nghiệp hàng năm cho thấy phân bón NPK đa dinh dưỡng của Công ty cổ phần phân bón Ninh Bình và Công ty phân lân nung chảy Văn Điển là loại phân chuyên dùng cho từng loại cây trồng, trên từng loại đất tốt vì vậy nông dân tỉnh ta đã sử dụng phân bón trên diện rộng. Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với 2 công ty triển khai kế hoạch chuyển giao KHKT và cung ứng phân bón tới các huyện và thành phố. Bón phân NPK đã mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với cây lúa và nhiều loại cây ăn quả. Với cây lúa, năng suất tăng từ 10-15%. Phân bón NPK giá thành hợp lý, hạ so với các loại phân bón khác từ 3-5%. Không những chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế cho nông dân, qua mô hình trình diễn, sử dụng phân bón NPK phù hợp với trình độ thâm canh của nông dân, dễ sử dụng không phải tính toán, chăm bón thuận tiện, chỉ bón 2 lần (bón lót và bón thúc) theo nguyên tắc 4 đúng: “Đúng lúc, đúng cách, đúng chủng loại và đúng liều lượng”. Hơn nữa, sử dụng phân bón NPK giảm tối đa lần phun thuốc BVTV so với các loại phân bón khác (giảm từ 20 -25 nghìn đồng/sào) bảo đảm sức khoẻ cho nông dân và hạn chế ô nhiễm môi trường ở nông thôn.

Để hoàn thành kế hoạch cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân, hàng năm, ngay từ đầu vụ sản xuất lúa đông xuân và chiêm xuân, Hội Nông dân tỉnh đã có kế hoạch triển khai tới các huyện, thành phố về chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân. Theo đó, các huyện, thành phố đã có kế hoạch triển khai tới các cơ sở hội để đăng sớm ký số lượng phân bón. Nhiều cơ sở hội triển khai sớm đã mang lại lợi nhuận cho nông dân do giá chênh lệch phân bón tăng trong vụ cấy. Điều cơ bản là trước khi cung ứng phân bón cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với công ty mở các lớp chuyển giao KHKT cho hội viên về sử dụng phân bón nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về giá trị sử dụng của phân bón và quy trình sử dụng phân bón; các quy trình kỹ thuật, kỹ năng thâm canh các loại cây trồng. Do cán bộ công ty có kỹ năng truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ đã giúp nông dân tự tin ứng dụng phân bón vào cây trồng mang lại hiệu quả năng suất cao. Đây cũng chính là một trong hai yếu tố thu hút nông dân sử dụng phân bón NPK cao. Năm 2011, hội nông dân các cấp đã cung ứng 8.043 tấn phân bón NPK trả chậm cho nông dân (tăng 1 nghìn tấn so với năm 2011). Một số đơn vị đã cung ứng lượng phân bón lớn là Ân Thi 2.000 tấn, Phù Cừ 1.323 tấn, Khoái châu 1.000 tấn và Kim Động 800 tấn. Các cấp hội đã phối hợp với công ty tổ chức 59 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho gần 9.000 nông dân tham dự. Gần 1.000 cán bộ, hội viên nông dân các huyện Ân Thi, Kim Động và Khoái Châu được tham quan dây chuyền sản xuất và nghe hướng dẫn sử dụng phân bón NPK. Cùng với chuyển giao KHKT, hội còn phối hợp với công ty chỉ đạo mô hình lúa ở xã Vân Du (Ân Thi), mô hình trồng nhãn xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên), mô hình trồng ngô xã Nhuế Dương (Khoái Châu). Để mô hình đạt hiệu quả cao, hội nông dân tỉnh và cơ sở đã phối hợp với các phòng ban liên quan chỉ đạo và theo dõi quá trình thực hiện mô hình từ khi làm đất, gieo cấy đến qui trình bón phân, chăm sóc lúa… Trong quá trình thực hiện, Hội Nông dân và công ty cung ứng phân bón phối hợp trao đổi thông tin để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Chương trình liên kết cung ứng phân bón trả chậm của Hội nông dân tỉnh có ý nghĩa thiết thực giúp nông dân khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, hỗ trợ nhiều gia đình kinh tế khó khăn, thiếu vốn nhất là ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh có vật tư và nâng cao kiến thức KHKT để ứng dụng vào sản xuất. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức và tập quán của bà con nông dân chuyển từ sử dụng phân đơn sang sử dụng phân đa thành phần chuyên dùng cho từng loại cây, giúp cải tạo đất, làm cho cây sinh trưởng tốt, năng suất lúa cao hơn, tích cực chuyển dịch cơ cấu vụ mùa. Chương trình liên kết đã đáp ứng được nguyện vọng lợi ích chính đáng của hội viên. Đội ngũ cán bộ hội năng động và có kinh nghiệm trong hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, trình độ điều hành của cán bộ hội từng bước được nâng lên, góp phần đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Năm 2011, từ chương trình liên kết cung ứng phân bón cho nông dân đã hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, toàn tỉnh đã có 62.928 hội viên đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, 1.446 hộ thoát nghèo. Các cơ sở đã xây dựng 236 cánh đồng thu nhập cao, 46 mô hình liên kết 4 nhà, mô hình trồng hoa chất lượng cao ở xã Đông Tảo (Khoái Châu) giai đoạn 2010-2015, trồng chuối tiêu hồng theo hình thức cấy mô bảo tồn gen ở xã Tân Châu, mô hình trồng dưa bao tử xuất khẩu, rau an toàn (Kim Động)…

Chương trình liên kết cung ứng phân bón cho nông dân được triển khai nhiều năm song vẫn tồn tại một số khó khăn. Nhiều nơi cán bộ hội còn ngại khó, do dự, chưa sâu sát, nhiệt tình và thiếu biện pháp thực hiện; một số nơi công tác tuyên truyền, vận động hội viên chưa được sâu, rộng dẫn đến nhận thức chưa đầy đủ vẫn mang nặng tập quán canh tác cũ. Mặt khác do trên thị trường có quá nhiều chủng loại phân bón đang lưu hành, cạnh tranh làm cho nhiều hội viên nông dân lúng túng chưa mạnh dạn sử dụng phân bón NPK. Một số cơ sở chưa thống nhất được địa điểm, đường sá xuống cấp dẫn đến việc giao nhận hàng bị chậm, không đúng lịch đăng ký lấy hàng, ảnh hướng tới tâm lý, tư tưởng của cán bộ, hội viên…

Để chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh tiếp tục ký kết với công ty cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân, đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sử dụng phân bón NPK chuyên dùng; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, xây dựng các điểm trình diễn để nhân ra diện rộng. Thực hiện công tác sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng phân bón NPK đối với cây lúa và các loại cây ăn trái, đồng thời biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu để nhân rộng điển hình trong chương trình liên kết “4 nhà”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực