Hội Sinh vật cảnh Hưng Yên: Phấn đấu trở thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao

Thứ sáu, 04/01/2013 16:28

Hội sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Hưng Yên được thành lập theo Quyết định số 3049/QĐ-UBND ngày 24.8.2005 của UBND tỉnh Hưng Yên.

Tại Đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 2007 -2011 Hội đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản cho hoạt động của tổ chức hội trong suốt nhiệm kỳ. Đó là: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích và giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, giá trị kinh tế hiệu quả cao của SVC, phát triển SVC góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cổ vũ, động viên hội viên SVC làm nòng cốt cùng với toàn dân tham gia phong trào bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, bảo tồn phát triển những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Thường xuyên chăm lo công tác kiện toàn phát triển tổ chức hội các cấp, phát triển hội viên. Vận động tổ chức hội, hội viên tích cực đóng góp sức mình vào vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng kiện toàn tổ chức hội phát triển khá toàn diện.

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: báo Hưng Yên)


Đến tháng 8.2012, tất cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh đã có quyết định của UBND tỉnh cho phép thành lập hội và đã tổ chức xong đại hội cấp huyện, thành phố. 121/161 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội với 3.049 hội viên. Số quỹ các hội, các câu lạc bộ đạt 50-80 triệu đồng. Cùng với công tác xây dựng kiện toàn tổ chức hội, công tác tác giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề cho hội viên cũng được chú trọng. Tỉnh hội đã phối hợp với Trường cao đẳng dạy nghề nông nghiệp, phát triển nông thôn khu vực Bắc bộ, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở NN-PTNN mở 2 lớp trung cấp kỹ thuật SVC cho gần 100 học viên ở 2 huyện Văn Giang và Ân Thi. Tổ chức 6 lớp tập huấn chuyên sâu ngắn hạn cho gần 1.000 hội viên ở các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên học tập và thực hành chuyển giao khoa học công nghệ SVC, đá cảnh, non bộ. Ngoài ra hội còn tổ chức các cuộc giao lưu, tham quan học tập kinh nghiệm giữa các huyện trong tỉnh và các tỉnh bạn. Tổ chức một đợt đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, nhiều hội viên đi sâu vào phát triển kinh tế SVC, đến nay toàn tỉnh có gần 3.000 cán bộ, hội viên làm kinh tế SVC dưới nhiều hình thức, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong đó có trên 500 hội viên ở các huyện chuyển đổi diện tích trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, cho thu nhập tăng từ 3-5 lần so với cấy lúa, trồng màu. Nhiều hội viên đã xây dựng trang trại, nhà vườn SVC trị giá hàng tỷ đồng. Đến nay cả tỉnh có 21.000 lao động ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ SVC, trong đó 45,6% sản xuất cây phôi, trồng hoa, quất cảnh, 37% hoạt động kinh doanh thương mại, 17,4% sản xuất ang, chậu, đá non bộ, nuôi chim cảnh, cá cảnh. Các hội viên đã góp phần tạo ra những vùng hoa cây cảnh, phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nhiều mô hình hay, nhà vườn, tác phẩm SVC của các nghệ nhân hội viên có giá trị cao đã xuất hiện ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ. Có 7 hội viên của huyện Phù Cừ đã liên kết thành lập Trung tâm thương mại cây cảnh nghệ thuật Bắc Sơn với diện tích 5.000m2. Nhờ làm SVC, nhiều hội viên thoát nghèo trở nên giàu có, nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ. Xã Phụng Công (Văn Giang) nhờ làm SVC mà đời sống kinh tế được cải thiện rõ rệt.

Tuy thành lập muộn hơn so với nhiều tỉnh, thành phố, điều kiện còn khó khăn, nhưng Hội SVC Hưng Yên luôn quan tâm đến công tác tổ chức và tham gia hội chợ, triển lãm SVC nhằm quảng bá giới thiệu tiềm năng, thế mạnh cũng như phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại tác phẩm nghệ thuật SVC. Được sự đồng ý của UBND tỉnh, hội đã tổ chức được 2 cuộc triển khai SVC gắn với sự kiện chính trị của tỉnh. Đó là, năm 2009, nhân dịp thị xã Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh; năm 2011 nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 15 năm tái lập tỉnh Hưng Yên. Hội đã huy động hội viên trong tỉnh và 13 tỉnh, thành phố bạn tham gia với trên 1.000 cây cảnh nghệ thuật, 300 tác phẩm đá cảnh, 400 tác phẩm gỗ lũa, 205 chậu lan và 200 lồng chim tham gia triển lãm thành tựu kinh tế xã hội của tỉnh, thu hút được đông đảo đại biểu và các tầng lớp nhân dân tham quan, thưởng ngoạn, được dư luận xã hội đánh giá cao. Ngoài ra, hội còn lựa chọn hàng trăm tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh tham gia trưng bày, triển lãm giao lưu với các tỉnh Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định, Phú Thọ. Tại đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tỉnh ta đã tuyển chọn 100 tác phẩm đặc sắc nhất trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Những tác phẩm nghệ thuật SVC của Hưng Yên được Ban tổ chức lễ hội các tỉnh, thành phố đánh giá cao về giá trị nghệ thuật cũng như phong cảnh tổ chức. Qua các đợt tham gia trưng bày triển lãm, Hội SVC đã 2 lần được UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen, UBND tỉnh Nam Định tặng 1 bằng khen, UBND tỉnh Hưng Yên tặng 2 bằng khen và nhiều tác phẩm nghệ thuật đoạt giải cao: 78 huy chương vàng, 58 huy chương bạc, 35 huy chương đồng và 357 giấy chứng nhận tác phẩm tiêu biểu tham gia triển lãm. Đây là thành quả được vun đắp bởi những bàn tay, khối óc của hội viên SVC tỉnh nhà.

Ngoài các hoạt động trên, hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt quy định, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, động viên hội viên hưởng ứng các cuộc vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng quỹ vì người nghèo, phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Hiện nay trên 800 di tích lịch sử văn hóa của tỉnh, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, nghĩa trang liệt sỹ được trồng nhiều loại cây cảnh quý hiếm, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của cán bộ hội viên SVC. Với những thành tích xuất sắc đạt được trong các phong trào và trong công tác xây dựng tổ chức hội vững mạnh, 5 năm qua, tổ chức hội và hàng trăm hội viên SVC được khen thưởng.

Nhiệm kỳ tới, Hội SVC Hưng Yên đề ra phương hướng là bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, không ngừng củng cố xây dựng tổ chức hội vững chắc, từng bước đưa SVC phát triển cả về số lượng và chất lượng; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, tay nghề cho hội viên. Thường xuyên chăm lo đến công tác bảo tồn, bảo vệ, chăm sóc cây cổ thụ, xanh hoá các công trình công cộng, xây dựng môi trường sinh thái, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông  nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đô thị xanh-sạch-đẹp. Xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động hội, quy chế đạo đức nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức hội và hội viên đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ của mình vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội ở địa phương. Phấn đấu đến năm 2017, 100% xã, phường, thị trấn có tổ chức hội SVC hoạt động, có 7.000 hội viên, 90% số hội viên được phổ cập kiến thức cơ bản về SVC, 50% số hội viên có thu nhập cao gấp 1,5 lần trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh.

Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của BCH hội SVC cảnh, niềm say mê và tâm huyết của cán bộ, hội viên, nghệ nhân SVC, hy vọng SVC sẽ trở thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh và của đất nước.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực