|
Sản xuất mứt, kẹo lạc... phục vụ Tết ở xã Hồng Nam (Hưng yên). Ảnh: báo Hưng Yên |
Vào những ngày áp tết, về xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) nơi đâu ta cũng bắt gặp không khí lao động khẩn trương, hối hả. Các cơ sở sản xuất các mặt hàng truyền thống của xã như: hạt sen, kẹo lạc, mứt táo… đang “chạy nước rút” để sản xuất kịp các đơn đặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.
Vừa đặt chân về đất Hồng Nam, chúng tôi đã bị thu hút bởi tiếng máy “lách cách”, “ro ro” vui tai xen cùng tiếng cười nói vui vẻ của các công nhân cơ sở chế biến hạt sen. Chế biến hạt sen là nghề truyền thống của xã Hồng Nam. Hiện toàn xã có gần 20 hộ làm nghề. Nghề diễn ra quanh năm nhưng có lẽ cuối năm là thời điểm bận rộn nhất. Các máy chặt sen, chà sen... chạy hết công suất, chị em công nhân thoăn thoắt đôi tay chọn lựa, nhặt bỏ những hạt sen không bảo đảm yêu cầu. Được biết, ngay từ tháng 10 âm lịch, các cơ sở đã tất bật sản xuất theo các đơn đặt hàng sen trắng để lấy nguyên liệu làm mứt sen. Sen trắng (sen đã được bóc bỏ lớp vỏ chát bên ngoài, thông tâm) là mặt hàng bán chạy nhất trong dịp Tết Nguyên đán, nó vừa là nguyên liệu để làm mứt sen, vừa là nguyên liệu để nấu những món ăn thơm ngon ngày tết. Chị Ngô thị Hương (xóm Hà, thôn Lê Như Hổ), một người làm sen lâu năm cho biết: “Vào những ngày áp tết, nhu cầu về sen, đặc biệt là sen trắng rất lớn, mỗi ngày xuất đi vài tạ hàng. Nhiều hôm tôi phải cho công nhân làm tăng ca mới kịp đơn đặt hàng của khách. Mặc dù, nhu cầu của thị trường không giảm nhưng nguyên liệu làm (sen đen) “xuống giá” nên năm nay, giá sen trắng không cao như mọi năm, chỉ từ 80- 90 nghìn đồng/kg (giảm một nửa so với năm 2011)”. Sen Hồng Nam đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... và đã lên đường “xuất ngoại” đi các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Doanh thu từ nghề chế biến hạt sen trong dịp tết lên tới vài trăm triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Tiết xuân không còn cái giá rét cắt da cắt thịt mà thay vào đó là những trận rét “ngọt” với những làn mưa phùn bay bay. Còn gì thú vị và đầm ấm hơn khi cả gia đình quây quần bên bàn trà đầu năm vừa nâng chén trà vừa nếm kẹo lạc cùng trò chuyện, chúc nhau những lời chúc an lành nhân dịp năm mới. Cùng với không khí nhộn nhịp, hối hả của những ngày cuối năm, cơ sở sản xuất kẹo lạc Thạo Liễu (xóm Vông, thôn Lê Như Hổ) cũng nhộn nhịp hơn ngày thường bởi lượng đơn đặt hàng gia tăng. Vẫn còn cách cơ sở sản xuất hàng trăm mét nhưng chúng tôi đã cảm nhận được mùi thơm ngậy của lạc rang quyện với mùi vani thơm mát đang tan trong những làn gió cuối đông. Ông Nguyễn Văn Thạo, chủ cơ sở cho biết: Cơ sở sản xuất quanh năm nhưng dịp tết là mùa cao điểm. Từ đầu tháng Chạp, chúng tôi đã bắt tay vào sản xuất hàng phục vụ nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Năm nào cũng vậy, những ngày giáp tết, các thành viên trong cơ sở sản xuất làm không ngơi tay mới kịp đáp ứng lượng hàng tăng gần gấp đôi. Những thời điểm khác trong năm, mỗi ngày cơ sở sản xuất kẹo lạc Thạo Liễu chỉ sản xuất khoảng gần một tạ kẹo/ngày. Riêng tháng cuối năm, mỗi ngày cơ sở chế biến được từ 3-5 tạ kẹo. Với sản lượng như vậy, trừ chi phí gia đình ông cũng thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Không những vậy, cơ sở còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp người lao động nông nhàn có thêm thu nhập từ 1-2,5 triệu đồng/người/tháng, tùy từng công việc. Theo kinh nghiệm của ông Thạo, làm kẹo lạc không khó, nguyên liệu sẵn có, vốn đầu tư không nhiều lại nhanh có thu nhập. Nhưng để có được những thanh kẹo "thơm ngon giòn tan" vừa ngọt miệng, vừa ngon mắt thì không phải dễ. Nguyên liệu làm kẹo là lạc, mạch nha và đường phải được tuyển chọn kĩ càng. Khó nhất là rang lạc và nấu nha. Lạc phải được rang chín vàng rộm, bóc lớp vỏ lụa và vỡ đều mảnh. Nếu để quá lửa, hạt lạc sẽ cháy, thanh kẹo sẫm màu và không thơm. Vào mùa nồm, nếu đun quá già, nồi nha sẽ có màu đỏ quạch. Mùa hanh, nồi nha đun chưa đủ độ, thanh kẹo sẽ có màu trắng nhạt. Cái khoảnh khắc giữa non và già, đủ lửa hay quá lửa để có được mẻ lạc vàng thơm, nồi nha không bị trắng nhạt hay đỏ quạnh là rất ngắn ngủi, chỉ tính bằng giây, chậm một chút là mẻ kẹo đã kém chất lượng hẳn. Trong gia đình, người thành thục, nhiều kinh nghiệm nhất phải làm việc nấu nha, rang lạc. Những người khác thì cán, cắt, đóng gói... Tất cả mọi người, ai cũng dồn sức làm việc để cho kịp những đơn đặt hàng.
Theo đường 61, đến cuối xã không khí dường như ấm lên rất nhiều bởi những “bếp mứt” táo đang rực lửa. Các lò mứt táo đã bắt đầu “nổi lửa” từ đầu tháng 11 âm lịch. Đến thời điểm này, họ đang nhanh tay chế biến những mẻ mứt cuối cùng để kịp phục vụ nhu cầu của thị trường Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn. Ông Đỗ Văn Dong, trưởng thôn Điện Biên cho biết: Người dân trong thôn biết nghề và làm nghề từ những năm 80, 90 của thế kỉ trước. Có thời điểm cả làng cùng làm nghề, ai cũng biết nghề, trẻ con, người già thì giúp chọn táo, lăn táo, đục hạt; trai tráng khỏe mạnh thì nấu và sấy mứt; người có kinh nghiệm thì chỉ bảo cho những người mới vào nghề. Thế nhưng, những năm trở lại đây số hộ tham gia làm nghề ngày càng giảm, phần vì nghề khá vất vả, đòi hỏi sự chăm chỉ, cẩn thận, khéo léo, phần vì do nhu cầu tất yeus của thị trường, song không năm nào các lò lại hoàn toàn “dập lửa”. Năm nay, cả thôn có gần 20 hộ làm nghề, mỗi hộ có từ 10-20 lao động, với giá bán 38-40 nghìn/kg như hiện nay thì cả vụ cũng thu lãi khoảng 30-40 triệu đồng/hộ”. Làm mứt táo là nghề thời vụ mang lại thu nhập cao cho người dân xã Hồng Nam. Sản phẩm mứt táo Hồng Nam có những nét đặc trưng mà ít nơi nào sánh được. Nguyên liệu làm (táo tươi) phải được chọn lựa cẩn thận, đường phải là đường Thanh Hóa thì mới có chất lượng ưng ý. Trải qua nhiều công đoạn từ lăn, khía, đục, nấu nước đường 4 lần rồi sấy khô mới được quả mứt táo hồng, dẻo, ngon ngọt. Sản phẩm làm ra đến đâu được thương lái mua buôn hết đến đó. Đến thăm cơ sở sản xuất của bác Nguyễn Văn Sự (xóm Hôm, thôn Điện Biên), người có thâm niên trong nghề, nghe bác tâm sự mới thấy được những khó khăn, vất vả của người trong nghề. Người làm nghề phải thức khuya dậy sớm để “canh” cho táo sấy không bị bén lửa; người nấu thì phải luôn tay khuấy, đảo để táo ngấm đều đường và không bị “khê”... Hiện nay, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề luôn được các hộ sản xuất ở đây quan tâm và coi trọng. Họ khẳng định rằng chất lượng sản phẩm là nhân tố quyết định để sản phẩm của họ có chỗ đứng trên thị trường.
Sản xuất hàng tết là mùa làm ăn mang lại thu nhập cao cho hàng trăm hộ dân xã Hồng Nam. Người dân trong xã đã phát huy được những lợi thế vốn có về nguồn lao động, nguồn nguyên liệu, thị trường... để vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.