Hưng Yên: Bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm dịp tết

Thứ ba, 31/12/2013 17:24

Từ đầu tháng 12/2013 đến nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm đã tăng khá so với các giai đoạn khác trong năm. Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đang đến rất gần khiến người chăn nuôi trong tỉnh Hưng Yên thời gian này càng nỗ lực hơn trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm vốn được đánh giá là cao nhất trong năm.
 

 

Gia đình ông Đặng Văn Thấm (xã Đức Thắng, Tiên Lữ) chuẩn bị
 có đàn lợn xuất bán trong dịp tết
 


Gần đây giá thịt lợn hơi đã nhích lên, song theo đánh giá của ngành chăn nuôi thì cả năm 2013 đều khó khăn với người chăn nuôi, nhất là trong 9 tháng đầu năm. Chủ yếu là giá bán thịt lợn hơi thấp mà chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức cao, dịch bệnh thường xuyên rình rập… Từ tháng 10 đến nay, lĩnh vực chăn nuôi có chiều hướng phát triển ổn định trở lại, nhất là đàn lợn. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn đã mở rộng quy mô đàn, nhiều hộ chăn nuôi theo mô hình 30 – 50 con lợn thịt cũng tái đàn trở lại.

Có sự chuẩn bị trước, từ giữa tháng 11, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Đức Thắng (Tiên Lữ) đã có các lứa lợn xuất chuồng đầu tiên hưởng giá cao hơn 7 – 8 nghìn đồng/kg lợn hơi so với hồi tháng 4, tháng 5 năm nay. Ông Đặng Văn Thấm, thôn Lương Trụ kể: “Vừa rồi xuất bán được trên 4 tấn lợn hơi với giá 47 nghìn đồng/kg, gia đình tôi đều thu lãi gần 8 nghìn đồng/kg. Đây là lứa lợn thu hiệu quả nhất trong năm”. Hai tháng qua, bình quân mỗi tháng người chăn nuôi trong xã Đức Thắng xuất bán trên 400 tấn thịt lợn hơi, thu lãi khoảng 3 tỷ đồng. Nông dân phấn khởi, tiếp tục chăm sóc tốt hơn cho những lứa lợn thịt chuẩn bị được xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán đang tới gần.
 
Với trên một triệu con gia cầm, trên 103 nghìn con lợn các loại, huyện Khoái Châu được xác định là một trong những huyện cung cấp nguồn thực phẩm khá dồi dào của tỉnh. Có trình độ thâm canh khá, tỷ lệ nạc của lợn thịt đạt cao, giá bán thịt lợn hơi trên địa bàn huyện Khoái Châu thời gian này đang đạt mức trung bình trên 52 nghìn đồng/kg. Trong khi người nuôi lợn phấn khởi vì giá bán lợn tăng lên thì người nuôi gia cầm chưa mừng bởi giá bán gia cầm trên địa bàn huyện nói riêng, trên thị trường nói chung đang ở mức thấp hơn nhiều so với dự kiến. Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hiện nay giá bán gà ta, loại ngon tại hộ chăn nuôi ở mức trên 80 nghìn đồng/kg, gà Đông Tảo dao động mức 250 – 300 nghìn đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2012, không chỉ giá bán gà thấp hơn nhiều (gà Đông Tảo cùng thời điểm giá bán 350 - 500 nghìn đồng/kg, gà ta trên 100 nghìn đồng/kg) mà sức tiêu thụ tại thời điểm này cũng chậm. Theo kinh nghiệm của người chăn nuôi trong huyện, những ngày tới giá bán thực phẩm nói chung, giá bán gà nói riêng sẽ tăng lên, nhất là nửa tháng áp Tết Nguyên đán.

Hiện toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 619 nghìn con lợn, trên 8,3 triệu con gia cầm, gần 38 nghìn con trâu, bò. So với cùng thời gian này năm trước, tổng đàn gia súc, gia cầm của toàn tỉnh giảm nhưng so với những tháng đầu năm đã có sự tăng nhẹ, đặc biệt là về sản lượng, trong đó đàn lợn tăng trên 17%. Ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, với tổng đàn gia súc, gia cầm hiện nay, tỉnh Hưng Yên đạt mức bình quân gần 100 kg thịt hơi các loại/người dân, cao gấp hơn 2 lần bình quân toàn quốc. Vì vậy, bên cạnh thúc đẩy hoạt động tiêu thụ thực phẩm trong dịp tết, người chăn nuôi cần nỗ lực giữ vững thành quả sản xuất của mình trong việc chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay.

Để bảo đảm sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm, phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và đầu Xuân Giáp Ngọ 2014, thực hiện các hướng dẫn, khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên và các cơ quan chuyên môn ở địa phương, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các công việc như: Phòng, chống rét cho đàn vật nuôi bằng cách che chắn chuồng nuôi tránh mưa tạt, gió lùa, giữ ấm cho vật nuôi, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ ngoài trời dưới 15oC; tăng cường dinh dưỡng, khẩu phần thức ăn, bổ sung vitamin và khoáng chất cho vật nuôi nhằm tăng sức đề kháng, chống chịu rét, dịch bệnh; thường xuyên dọn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; các hộ cũng chú trọng tiêm phòng bổ sung cho vật nuôi mới…
 
Cùng với sự chủ động nói trên của người chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị các địa phương, người chăn nuôi chú ý hơn tới công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch, bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng ở trâu, bò; tai xanh, dịch tả ở đàn lợn bởi diễn biến dịch, bệnh ngày càng phức tạp, nhiều chủng mới, khả năng phát hiện bệnh khó… Khi phát hiện dấu hiệu dịch, bệnh, người dân cần báo kịp thời cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. Các địa phương tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, quy trình chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn, nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGahp… Bên cạnh quan tâm đàn gia cầm, đàn lợn, trâu, bò thịt phục vụ thị trường tết cần chú ý tập trung nuôi dưỡng tốt đàn gia súc, gia cầm giống để chủ động nguồn giống sau Tết Nguyên đán tái đàn…
 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực