|
Mô hình chăn nuôi bò ở Hưng Yên. Ảnh: báo Hưng Yên |
Những năm trở lại đây, ngành chăn nuôi tỉnh Hưng Yên phát triển mạnh cả về năng suất, chất lượng, quy mô cũng như hình thức chăn nuôi, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi bình quân hàng năm đạt trên 10%.
Đặc biệt là việc người chăn nuôi từng bước nắm bắt kỹ thuật để sản xuất con giống phục vụ chăn nuôi. Tuy nhiên thực tế nguồn con giống trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi của người dân trong tỉnh, chất lượng con giống chưa cao, vấn đề bảo đảm an toàn dịch bệnh còn hạn chế.
Theo tổng hợp của ngành chức năng tỉnh, những năm qua ngành chăn nuôi tỉnh trung bình mỗi năm sản xuất được trên 100 nghìn tấn thịt các loại, trên 150 triệu quả trứng, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp là trên 45%. Riêng đối với chăn nuôi gia súc, Hưng Yên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng của đàn lợn và đàn bò, trong đó đàn lợn hướng nạc của tỉnh ta đạt trên 65%, đàn bò lai sind đạt trên 90%. Trong tỉnh cũng hình thành được trên 1300 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, giảm các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, kém hiệu quả, gây ảnh hưởng tới môi trường.
Thực tế của việc sản xuất một số giống vật nuôi chính trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cho thấy công tác sản xuất, kinh doanh và cung ứng con giống tuy đã từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu chăn nuôi đặt ra.
Đối với giống lợn, một trong những vật nuôi chủ đạo của tỉnh, do trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở lưu giữ giống gốc cấp ông bà nên hầu hết lợn giống hậu bị được nhập từ các cơ sở giống của Trung ương và một số tỉnh, thành phố lân cận. Một phần giống lợn được sản xuất từ đàn nái hạt nhân của các trang trại trong tỉnh. Hiện đàn lợn nái chiếm khoảng 11,8% tổng đàn lợn trên địa bàn, nhiều trang trại tự phát triển lợn nái, lợn đực giống để sản xuất con giống nuôi thương phẩm. Trung tâm truyền tinh nhân tạo lợn của tỉnh được Nhà vua Thái Lan tài trợ xây dựng từ năm 2000 đến nay vẫn hoạt động ổn định, hàng năm sản xuất 70- 80 nghìn liều tinh lợn, trong đó 20- 25 nghìn liều phục vụ nhu cầu của tỉnh. Nhờ đó đưa tỷ lệ đàn lợn nái được thụ tinh nhân tạo lên trên 50%.
Trong chăn nuôi bò, mỗi năm tỉnh có khoảng 100 bò đực sind thuần và lai sind được giám định, bình tuyển. Từ đó, mỗi năm sản xuất được từ 13-15 nghìn con bò lai. Đàn bò thịt chất lượng cao tiếp tục được phát triển dưới nhiều hình thức, chương trình khác nhau, ngoài hỗ trợ nguồn tinh bò chất lượng cao, người chăn nuôi còn được hướng dẫn về biện pháp chăm sóc, kỹ thuật vỗ béo… Ngoài bò lai sind, bò thịt lai 3 máu với con bố mẹ là bò lai sind và bò Brahman được đưa vào sản xuất, đem lại chất lượng thịt cao, tăng trọng cao hơn 15- 20%.
Riêng đối với đàn gia cầm tỉnh chưa thực hiện được việc giám định, bình tuyển, cơ sở giữ giống gốc gia cầm hiện cũng chưa có nên con giống gia cầm tương đối khó khăn và bị động, an toàn dịch bệnh chưa được bảo đảm.
Chị Vũ Thị Mai, người chăn nuôi gia cầm xã Đào Dương (Ân Thi) cho biết: “Mỗi lần xuất bán gia cầm là gia đình tôi lại lo lắng về khoản nhập giống mới. Mặc dù thương lái đến chào hàng nhiều giống gà, vịt khác nhau, giới thiệu về chất lượng thịt, khả năng tăng trọng cao song chúng tôi vẫn không yên tâm. Nhiều lần mua phải giống gà kém chất lượng không những tốn tiền thức ăn mà còn gây ra nguy cơ dịch bệnh cho cả trại và cả các hộ xung quanh”.
Xác định giống là yếu tố quan trọng, cần và đủ cho phát triển chăn nuôi, những năm qua tỉnh Hưng Yên đã có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, triển khai nhiều chương trình, dự án thiết thực hỗ trợ giống cho người chăn nuôi. Năm 2011 UBND tỉnh đã có Quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011- 2015 và định hướng 2020, nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2012- 2015 khoảng trên 324 tỷ đồng. Đến tháng 7.2012, UBND tỉnh tiếp tục ra Quyết định về cơ chế hỗ trợ kinh phí cho nhân dân thực hiện Đề án giống vật nuôi giai đoạn 2012- 2015. Đây là một thuận lợi lớn cho ngành chăn nuôi toàn tỉnh, tạo tiền đề để chăn nuôi phát triển toàn diện. Theo đó người chăn nuôi tham gia đề án sẽ được hỗ trợ để sản xuất giống lợn qua hình thức mua giống lợn nái ngoại với mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/con, hỗ trợ kinh phí mua giống gà 30 nghìn đồng/con, hỗ trợ mua giống bò thịt chất lượng cao là 1 triệu đồng/con và được hỗ trợ công tác truyền tinh nhân tạo cho lợn, bò. Ngoài ra đề án còn hỗ trợ người chăn nuôi 50% lãi suất vay ngân hàng đối với mua giống lợn nái ngoại, giống lợn thịt hướng nạc.
Sau khi được địa phương tuyên truyền, phổ biến về đề án giống, đông đảo hộ chăn nuôi trong toàn tỉnh có nhu cầu đã đăng ký tham gia với mong muốn phát triển chăn nuôi thuận lợi và bền vững hơn. Phấn khởi trước những lợi ích to lớn mà Đề án giống vật nuôi chất lượng cao đem lại, ông Đoàn Văn Tiến (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ) cho biết: “Trước những khó khăn về nguồn con giống cũng như vốn sản xuất hiện nay, người chăn nuôi chúng tôi rất hi vọng đề án phát huy hiệu quả thiết thực, đem đến cho người chăn nuôi chúng tôi những nguồn giống chất lượng, phương pháp chăn nuôi an toàn, tiến bộ để hoạt động chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững hơn”.
Theo Ban quản lý Đề án giống vật nuôi, hiện các bộ phận chuyên môn đã tiến hành giám định, bình tuyển đàn bò, lợn, gia cầm tại 10 huyện, thành phố, triển khai nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người chăn nuôi. Đến nay đã hỗ trợ được cho người chăn nuôi trong toàn tỉnh 500 con bò giống chất lượng cao và trên 76.700 con gà Đông Cảo và gà Đông Cảo lai F1. Trung bình, mỗi hộ chăn nuôi được hỗ trợ ít nhất 2 con bò hoặc 100 con gà, tùy thuộc vào điều kiện chăn nuôi của từng hộ. Ban quản lý đề án cũng đã giám định, bình tuyển được trên 11.500 con lợn, trên 1000 con bò sữa và 499 con bò thịt.
Trong năm 2013, đề án giống sẽ tiếp tục được triển khai với số lượng lớn trong toàn tỉnh, tập trung vào hỗ trợ giống lợn, hỗ trợ truyền tinh nhân tạo cho lợn, bò, đồng thời tiếp tục giám định, bình tuyển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn và tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi. Có được con giống tốt lại được hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, đây sẽ là những cánh tay đắc lực giúp đỡ thiết thực cho hàng nghìn hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ngành chăn nuôi.