Hưng Yên: Đa dạng các loại hình vận tải hành khách

Thứ ba, 31/12/2013 17:24

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 46 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô được Sở Giao thông - Vận tải cấp phép, với gần 1.300 xe ô tô hoạt động trên 70 tuyến, theo các loại hình vận tải: tuyến cố định, hợp đồng du lịch, buýt.

Điều này cho thấy kinh doanh vận tải hành khách phát triển rất đa dạng. So với 2 năm trước, số doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng ô tô tăng 70%, số xe ô tô tăng gần 90%. So với thị trường hơn 1,1 triệu dân của tỉnh thì đây là một con số tương đối lớn, đáp ứng được nhu cầu của người dân... 
 

 

Xe buýt là loại hình vận tải khách phát triển nhanh trên địa bàn
 tỉnh Hưng Yên
 


Năm 2013 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải do giá nhiên liệu tăng, chi phí dọc đường, tiền công tăng... Tuy vậy, số lượng xe tham gia kinh doanh vận tải khách trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn tăng thêm khoảng gần 100 xe so với năm 2012. Với chiến lược dài hạn, Công ty TNHH Thái Đăng Long là doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn mở thêm tuyến mới trong năm nay. Tháng 7, công ty khai trương tuyến buýt 03 lộ trình: Thành phố Hưng Yên- Dân Tiến- Văn Giang- Như Quỳnh. Tuyến cố định thành phố Hưng Yên- Ecopark- Hà Đông vừa được khai trương đầu tháng 12. Ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc công ty cho biết: “Vượt qua những khó khăn về tài chính đầu tư, lãi suất ngân hàng, nhiên liệu tăng giá… ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến thời điểm này, tổng số xe tham gia kinh doanh vận tải khách của doanh nghiệp là 54 xe, khai thác trên 4 tuyến, gồm 1 tuyến buýt và 3 tuyến cố định.”

Được đánh giá phát triển “nóng” nhất trong thời gian qua, với số lượng xe gia tăng nhanh chóng trong thời gian ngắn là loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. Hiện nay, toàn tỉnh có 21 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, với gần 1000 xe đăng ký hoạt động kinh doanh. Như vậy, sau 2 năm, số lượng doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi được cấp phép hoạt động tăng 150%, với số lượng xe taxi tăng hơn 150%. Địa bàn hoạt động của các hãng taxi tập trung chủ yếu tại thành phố Hưng Yên và những địa bàn gần các khu công nghiệp dọc hai bên quốc lộ 5, quốc lộ 39… 

Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định với tổng số 154 xe, hoạt động trên 65 tuyến, xuất phát từ 5 bến xe trong tỉnh đi các địa phương. Toàn tỉnh hiện cũng có 8 tuyến xe buýt lân cận và buýt nội tỉnh. Tổng số xe buýt hiện đang khai thác là hơn 140 xe. Trong đó, xe của doanh nghiệp trong tỉnh là 65 xe, xe của doanh nghiệp ngoài tỉnh là 79 xe. Với giá vé theo chặng tiện lợi và phù hợp với thu nhập của phần đông người dân, loại hình vận tải này thời gian qua đã thu hút đông khách, nhất là học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân viên chức. Tuy còn nhiều bất cập về chất lượng dịch vụ, tác phong phục vụ, nhưng loại hình vận tải này được đánh giá đáp ứng được nhu cầu đi của đông đảo người dân, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy, để đi làm và đi học, từng bước tạo thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng cho người dân...

Với mật độ dân số đứng thứ 4 toàn quốc, tỉnh Hưng Yên là một trong những địa phương có lưu lượng lớn hành khách đi lại bằng phương tiện ô  tô. Theo đánh giá của Sở GTVT, hiện tại trên địa bàn tỉnh, số lượng phương tiện hoạt động vận tải hành khách được cấp phép tương đối lớn, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Năm 2013, vận tải hành khách đã vận chuyển gần 8 triệu lượt người. Tuy vậy, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, các đơn vị kinh doanh vận tải khách gặp khó khăn nhiều trong vấn đề tài chính... Khắc phục khó khăn, các doanh nghiệp vận tải chấp hành tương đối tốt các quy định hiện hành về vận tải khách. Hoạt động vận tải khách trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực góp phần phục vụ nhu cầu của nhân dân một cách an toàn, thuận lợi đặc biệt là trong dịp lễ, tết, với chất lượng phục vụ được cải thiện. Tình trạng hành khách bức xúc với thái độ phục vụ của nhân viên phụ xe và lái xe giảm, đặc biệt là không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng nào...

Tuy nhiên, hoạt động của loại hình vận tải khách bằng xe ô tô vẫn còn nhiều hạn chế như: Chất lượng dịch vụ chưa cao, quyền lợi khách hàng chưa thực sự được chú trọng; số lượng doanh nghiệp và phương tiện khai thác kinh doanh vận tải phát triển “nóng” nhiều khi dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh... Cuộc thanh tra toàn diện đối với 100% doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi vừa qua cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đều có xe vi phạm trong hoạt động vận tải. Đối với loại hình vận tải cố định và buýt cũng còn những tồn tại như: dừng đón, trả khách không đúng điểm, chạy quá tốc độ, sai hành trình… Những hạn chế đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân e ngại khi có ý định gắn bó lâu dài với các loại hình vận tải này để đi học, đi làm. Bởi vậy, đối với đa số người dân, phương tiện giao thông cá nhân, chủ yếu là xe máy, vẫn là lựa chọn hàng đầu bởi tính cơ động, tiện lợi của nó. Tại tỉnh Hưng Yên, năm 2013, số lượng phương tiện giao thông cơ giới đăng ký mới tiếp tục gia tăng, đưa tổng số phương tiện cơ giới đường bộ tỉnh quản lý lên hơn 430 nghìn xe. Trong đó, trên 410 nghìn xe mô tô, xe gắn máy, hơn 20 nghìn xe ô tô. So với cách đây 4 năm, tỷ lệ phương tiện cơ giới đường bộ do tỉnh quản lý tăng 55%. Trong đó, ô tô tăng hơn 80%, xe mô tô, xe gắn máy tăng hơn 50%. Trung bình mỗi tháng toàn tỉnh vẫn có khoảng 3000 ô tô, xe máy đăng ký mới. Trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa được nâng cấp kịp thời, đồng bộ, lượng phương tiện gia tăng khiến mật độ giao thông tăng nhanh được đánh giá là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình trật tự an toàn giao thông trở nên phức tạp...

Vì thế, phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải khách bằng ô tô là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương của Nhà nước để giảm phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết những vấn đề nan giải về ô nhiễm môi trường, giảm thiểu TNGT.
 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực