Hưng Yên: Đẩy mạnh phòng chống bệnh chân tay miệng

Thứ năm, 11/08/2011 11:28

Chăm sóc trẻ bị bệnh chân tay miệng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

(ĐCSVN) - So với cả nước, bệnh chân tay miệng tại Hưng Yên xuất hiện muộn hơn, số ca mắc bệnh nằm rải rác trên địa bàn các huyện, thành phố. Tuy nhiên do bệnh rơi vào đối tượng trẻ em lại dễ lây lan ở những chỗ tụ tập đông người như nhà trẻ, mẫu giáo… nên việc phòng, chống bệnh gặp nhiều khó khăn. Trước diễn biến phức tạp của bệnh chân tay miệng, ngành y tế tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, đến đầu tháng 8 toàn tỉnh có trên 30 ca mắc bệnh chân tay miệng. Ca bệnh chân tay miệng đầu tiên khởi phát từ tháng ba. Đối tượng trẻ em mắc bệnh chân tay miệng ở lứa tuổi từ 1 đến 10 tuổi, nằm rải rác ở các địa phương như: thành phố Hưng Yên, các huyện Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Khoái Châu, Tiên Lữ… Tất cả các ca bệnh khi phát hiện đều được cách ly và điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh và gia đình, số ngày điều trị trung bình là 9 ngày, đến nay không có trường hợp nào tử vong. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cũng đã lấy 3 mẫu để gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, hiện đang chờ kết quả.

Theo bác sĩ Trần Đức Băng, Phó trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các ca bệnh chân tay miệng vào bệnh viện hầu hết là do tản phát ở các địa phương, không nằm trong ổ dịch. Đặc biệt qua đợt điều trị vừa qua cho thấy, những ca mắc chân tay miệng rơi vào mức độ 1 thuộc chủng vi rút nhẹ, ít biến chứng, chưa có trường hợp nào quá nặng phải chuyển tuyến. Do vậy những ca mắc bệnh, khi vào bệnh viện nếu thấy nhẹ bác sĩ kê đơn thuốc cho về điều trị tại nhà, hướng dẫn gia đình cách chăm sóc theo phác đồ điều trị. Còn những ca đến bệnh viện trong tình trạng bệnh nặng, phát hiện bệnh muộn thì bác sĩ cho nằm viện để cách ly và điều trị.

Trong số những ca mắc bệnh chân tay miệng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có ca bệnh tương đối nặng đó là bệnh nhân Lê Thị Quỳnh Chi ở xã Văn Nhuệ (Ân Thi). Bệnh nhân Chi mới một tuổi được gia đình đưa vào bệnh viện trong tình trạng sức khỏe yếu với các triệu chứng như sốt cao, rối loạn tiêu hóa, các vết loét trong miệng mọc dầy, cộng với bệnh nhân bị suy dinh dưỡng dẫn đến sức đề kháng kém. Với sự tận tình chăm sóc của các y bác sĩ, bệnh nhân được điều trị theo đúng phác đồ. Sau 10 ngày nằm viện bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện, không phải chuyển tuyến trên.

Cũng theo bác sĩ Trần Đức Băng, bệnh chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm do các vi rút đường ruột gây ra. Hiện có hai nhóm vi rút gây bệnh là Coxsackie A16 và Enterrovirut EV 71, trong đó EV 71 có độc lực mạnh hơn thường gây ra bệnh cảnh lâm sàng và tử vong nhiều hơn. Trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt nhóm trẻ từ 2 đến 5 tuổi là đối tượng dễ bị mắc bệnh vì các cháu sức đề kháng còn yếu. Bệnh lưu hành ở các khu vực tập trung nhiều trẻ em như trường học, nơi trông giữ trẻ. Bệnh thường diễn biến qua 4 giai đoạn lâm sàng, thời kỳ ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày, sau đó có sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Đặc biệt khi bệnh toàn phát thường có các triệu chứng như: loét miệng, phát ban dưới dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông… Do vậy, khi thấy có các triệu chứng của bệnh thì gia đình cần có sự theo dõi, phát hiện sớm để có hướng điều trị thích hợp, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao thể trạng cho trẻ.

Để bảo đảm cho công tác phòng chống bệnh chân tay miệng, thời gian qua Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với đội y tế dự phòng các huyện, thành phố, trạm y tế xã nơi có bệnh nhân, xuống trực tiếp các hộ gia đình và trường học để hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc. Đối với các trạm y tế xã, bệnh viện thì cán bộ y tế phối hợp với y tế trường học trên địa bàn giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ và áp dụng biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Ngoài ra Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cũng chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư y tế cho công tác phòng chống dịch. Khi dịch chân tay miệng xảy ra trên địa bàn, các đơn vị y tế sẵn sàng triển khai công tác phòng chống dịch, hạn chế không để dịch lây lan ra cộng đồng. Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh chân tay miệng, vì vậy biện pháp cần thực hiện trước mắt là triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Tại kho vật tư hóa chất của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và đội y tế dự phòng tuyến huyện hiện có 1.034 kg Cloramin B, cơ bản đáp ứng khi có dịch lớn xảy ra, các trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch như máy phun hóa chất, xe ô tô, đặc biệt là các đội phòng chống dịch lưu động sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có nhu cầu.

Xác định được bệnh chân tay miệng là bệnh dễ lây, do đó ý thức phòng bệnh của cộng đồng cần được chú trọng. Vì vậy Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã tích cực tuyên truyền về cách phòng chống bệnh chân tay miệng, cấp phát các tờ rơi về kiến thức phòng chống bệnh chân tay miệng thông qua các buổi khám bệnh tại các trạm y tế, cấp phát cho các trường mẫu giáo, nhà trẻ để phát cho phụ huynh học sinh, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng để tuyên truyền kiến thức phòng chống bệnh chân tay miệng…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực