Hưng Yên: Hiệu quả từ công tác xã hội hóa giáo dục ở Văn Lâm

Thứ sáu, 11/01/2013 17:06

 

Hoạt động vui chơi ngoài trời ở Trường
Mầm non Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên).
 Ảnh: báo Hưng Yên 

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa công tác giáo dục của Văn Lâm (Hưng Yên) ngày một khởi sắc là nhờ phong trào xã hội hóa giáo dục của huyện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân địa phương.

Ông Trần Văn Hoạch, Trưởng phòng GD & ĐT huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cho biết: "Xác định rõ mục tiêu đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển lâu dài, từ nhiều năm nay, chúng tôi đã tập trung phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền để từ đó các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong huyện nhận thức sâu rộng về chủ trương xã hội hóa giáo dục; huy động nhân lực, vật lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ cho giáo dục. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của các trường học trong huyện về cảnh quan trường lớp, điều kiện dạy và học của thầy và trò, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương".

Hiện nay huyện Văn Lâm có 11 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 12 trường THCS, 3 trường THPT và 1 Trung tâm GDTX. Trong điều kiện cơ sở vật chất của các trường còn nhiều thiếu thốn, nhiều trường đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ lâu nay đã xuống cấp, huyện và các xã, thị trấn đã tranh thủ khai thác mọi nguồn vốn từ ngân sách cấp trên đến huy động các tầng lớp nhân dân đóng góp, các tổ chức xã hội ủng hộ... để đầu tư kiên cố hoá trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học. Đến nay, toàn huyện đã có 580 phòng học, trong đó 89,1% số phòng được kiên cố hóa cao tầng bảo đảm đủ phòng học tối thiểu cho học sinh, ngoài ra còn có 46/55 phòng học bộ môn được kiên cố hóa cao tầng. Thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008- 2012, huyện đã đầu tư gần 34 tỷ đồng xây dựng thêm các phòng học cho học sinh, từ nguồn kinh phí của địa phương đầu tư 42,4 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất cho 17 đơn vị trường học, tăng 2,6 lần so với năm học 2010- 2011.

Trong công tác huy động xã hội hóa giáo dục ở Văn Lâm chính là các trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, để từ đó các tầng lớp nhân dân, phụ huynh học sinh nhận thức sâu rộng về giáo dục, sẵn sàng tự nguyện đầu tư, đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng trường lớp. Thông qua các buổi tham quan thực tế và các cuộc họp phụ huynh, các trường đều đưa vấn đề mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất ra cùng trao đổi, bàn luận với phụ huynh học sinh. Không những vậy, để tạo lòng tin cho phụ huynh thì mọi khoản thu chi của lớp, của trường đều được công khai, minh bạch, mọi chi tiêu từ nguồn quỹ hội do phụ huynh học sinh quản lý… để phụ huynh học sinh thấy được những đóng góp của mình đều được sử dụng hợp lý và mang lại điều kiện học tập tốt hơn cho con em mình. Năm học 2011- 2012, Hội cha mẹ học sinh của các trường đã hỗ trợ trên 1,15 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để mua sắm đồ dùng học tập, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học. Cùng với đó, công tác xã hội hóa giáo dục ở Văn Lâm những năm qua còn thu hút sự quan tâm, huy động được nguồn tài trợ từ các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, điển hình như: Công ty Huyndai hỗ trợ 20 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Trung thu năm 2011, mỗi em 1 triệu đồng; Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp Đại Đồng hỗ trợ xây tường bao sân chơi cho trường Mầm non Đại Đồng với số tiền 40 triệu đồng; trường mầm non Như Quỳnh được Ngân hàng NN & PTNT Hưng Yên hỗ trợ xây dựng 4 phòng học trị giá 1 tỷ đồng và Công ty VAP tặng 50 bộ bàn ghế, 1 tủ cơm ga trị giá 50 triệu đồng…

Trên địa bàn huyện, Trường Mầm non xã Tân Quang được đánh giá là một trong những trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục nên trường không chỉ có cơ sở vật chất trang khang, hiện đại mà còn có chất lượng giáo dục bậc mầm non hàng đầu trong tỉnh. Khởi công xây dựng từ năm 2009, Trên diện tích 6.500 m2, Trường Mầm non Tân Quang được đầu tư kinh phí gần 20 tỷ đồng, trong đó có 14,5 tỷ đồng là từ ngân sách địa phương. Cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để có cơ sở vật chất như hiện nay là do nhà trường đã nhận được sự quan tâm, khích lệ của Đảng ủy, UBND xã cũng như các ban ngành, đoàn thể địa phương và sự ủng hộ, đóng góp từ nhân dân địa phương. Thông qua Hội Phụ huynh học sinh, hàng năm trường đều nhận được sự hỗ trợ của các bậc phụ huynh bằng tiền, hiện vật và ngày công lao động. Chỉ tính riêng hai năm 2011 và 2012, trường đã được nhân dân hỗ trợ khoảng 400 ngày công lao động và gần 200 triệu đồng để mua sắm thêm các trang thiết bị học tập, đồ dùng cho học sinh…”.

Từ những kết quả đạt được trong công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện đã góp phần giúp địa phương thực hiện tốt sự nghiệp trồng người, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực