Trên 70% các kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế đã được các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thực hiện, tăng 10% so với năm 2009, tăng gần 20% so với năm 2008. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, tỷ lệ chuyển tuyến trên giảm. “Kết quả này có đóng góp tích cực từ đề án luân phiên cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trung ương về các bệnh viện tuyến dưới”, bác sĩ Nguyễn Duy Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế Hưng Yên cho biết.
“Lần đầu tiên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên áp dụng thành công phương pháp mổ nội soi mũi xoang. Lần đầu tiên, kỹ thuật điều trị bằng hóa chất cho bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đã được các thầy thuốc khoa Ung bướu triển khai thực hiện… Nhiều kỹ thuật tiên tiến khác được Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện nhuần nhuyễn với sự chuyển giao theo hình thức "cầm tay chỉ việc" của kíp thầy thuốc luân phiên, tăng cường từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức về...”, bác sĩ cao cấp Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh phấn khởi cho biết.
Sau gần 3 năm thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về tăng cường bác sĩ tuyến trên về cơ sở, nhiều kỹ thuật mới lần đầu tiên được triển khai tại các cơ sở y tế tỉnh Hưng Yên đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh... Việc các giáo sư, bác sĩ có tay nghề cao ở tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới lâu nay vẫn có, nhưng chỉ mang tính chất đơn lẻ. Đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hỗ trợ một cách có hệ thống giúp cán bộ y tế tuyến dưới nâng cao chuyên môn. Giảm ngày điều trị một cách hợp lý, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến, tăng ngày sử dụng giường bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là những mục tiêu cụ thể mà Đề án 1816 hướng tới. Sau 3 năm thực hiện Đề án, gần 80 lượt bác sĩ của 7 bệnh viện tuyến Trung ương đã về luân phiên tăng cường tại tỉnh ta. 5 bệnh viện tuyến tỉnh được ưu tiên tăng cường gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa Phố Nối, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện YHCT và Bệnh viện Tâm thần kinh. 50 lượt chuyên khoa đã được chuyển giao các kỹ thuật, như: Hồi sức cấp cứu; Thận tiết niệu; Tim mạch; Ung bướu; Mắt; Nội; Châm cứu; Tâm thần kinh... 275 kỹ thuật đã được chuyển giao thực hiện, trong đó, 272 kỹ thuật được áp dụng thực hiện nhuần nhuyễn, 170 lớp tập huấn cho 4228 lượt người học đã được triển khai hiệu quả…
Hầu hết cán bộ về luân phiên tận tâm truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức cho cán bộ y tế cơ sở. Các thầy thuốc cơ sở cần mẫn học hỏi những kỹ năng, kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Qua đó, chất lượng các dịch vụ y tế ở những chuyên khoa có cán bộ tuyến trên về tăng cường được cải thiện rõ rệt. Tại khoa Chấn thương (Bệnh viện đa khoa tỉnh), nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện Việt Đức nên nhiều bệnh nhân bị tai nạn chấn thương sọ não được cứu sống mà không cần phải đưa lên tuyến trên. Bệnh nhân Đỗ Hữu Hải, khoa Chấn thương giãi bày: “Nếu như trước kia, tôi phải lên Hà Nội để điều trị, vừa đi lại khó khăn vất vả, vừa tốn kém tiền bạc. Nay có đoàn bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức về hỗ trợ kỹ thuật, tôi rất yên tâm điều trị.”. Tại khoa Ung bướu (Bệnh viện đa khoa tỉnh), kíp bác sĩ tăng cường của Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ, chuyển giao nhiều kỹ thuật mới và quá trình điều trị bệnh ung thư. Hàng trăm mẫu sinh thiết khối u các loại đã được các thầy thuốc khoa Ung bướu thực hiện thành thạo với sự “cầm tay chỉ việc” của tuyến trên. Nhờ vậy, nhiều kỹ thuật khó trong điều trị nội, ngoại khoa, phẫu thuật khối u lành tính, sinh thiết khối u… đã được khoa triển khai thực hiện thường quy. Đến nay, nhiều bệnh nhân ung thư, thay vì phải vất vả lên tuyến trên, đã được điều trị ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho kết quả bước đầu tích cực, giúp bệnh nhân tiết kiệm nhiều chi phí, giảm tải cho tuyến trên… Còn tại Bệnh viện Mắt tỉnh, cán bộ Bệnh viện Mắt Trung ương đã chuyển giao kỹ thuật mổ phaco, ghép kết mạc, glocom, chỉnh quang… và trực tiếp phẫu thuật cho trên 200 bệnh nhân. Trước đây, Bệnh viện Mắt gặp rất nhiều khó khăn trong chương trình giải phòng mù loà do không thực hiện được những kỹ thuật này vì chưa có phẫu thuật viên. Bên cạnh đó, nhu cầu chỉnh quang trong cộng đồng hiện khá lớn, nhất là trước sự gia tăng cận thị học đường. Số bệnh nhân này nếu không có sự chuyển giao kỹ thuật thì sẽ phải lên Bệnh viện Mắt TW vừa mất thời gian, chi phí lại tốn kém… Không chỉ hướng dẫn và chuyển giao cho tuyến tỉnh nhiều kỹ thuật mới, hiện đại, phức tạp có hiệu quả, các thầy thuốc về tăng cường còn trực tiếp khám chữa bệnh cho hàng chục nghìn bệnh nhân. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền, trên 1500 bệnh nhân được các thầy thuốc luân phiên tăng cường khám điều trị. Tại Bệnh viện đa khoa Phố Nối, qua các đợt tăng cường, các bác sĩ tuyến trên đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các y, bác sĩ khám và điều trị cho trên 6000 bệnh nhân, phẫu thuật gần 300 ca bệnh khó…
Sau gần 3 năm tham gia Đề án 1816 cùng với sự nỗ lực phấn đấu học hỏi, cán bộ y tế tuyến tỉnh được nâng cao tay nghề, thực hiện được những kỹ thuật mới trước đây chưa từng làm, từng bước làm chủ các kỹ thuật được chuyển giao. Người bệnh được tiếp cận nhiều kỹ thuật cao mà không phải đi xa, tốn kém. Nhiều bệnh nhân không phải chuyển tuyến mà được điều trị ngay tại địa phương, tiết kiệm được tiền bạc, công sức, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Hiện nay, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được trên 72% các kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế, tăng 10% so với năm 2009, tăng gần 20% so với năm 2008. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tỷ lệ chuyển tuyến trên giảm 25% so với những năm trước... Bác sĩ Nguyễn Duy Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngành Y tế tỉnh Hưng Yên đã tận dụng cơ hội giúp đỡ của tuyến trên để phát huy hiệu quả nhiều kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ. Tuy vậy, để đề án phát huy hiệu quả hơn nữa, ngành y tế tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các bệnh viện tuyến dưới xem xét chi tiết các chuyên khoa có nhu cầu tăng cường, tránh tình trạng chạy theo đề án mời chuyên gia kỹ thuật cao nhưng phương tiện trang thiết bị, nhân lực không đáp ứng được..”.