Thời gian qua, lĩnh vực nuôi thả thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát triển cả về quy mô diện tích và cơ cấu đàn. Nông dân ở các địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trũng kém hiệu quả sang đào ao, cải tạo ao hồ nuôi thả thuỷ sản góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả. Bên cạnh các loài thuỷ sản được nuôi thả phổ biến như trắm, trôi, mè, một số loài có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao được ngành chức năng và nông dân đưa vào nuôi thả, mở rộng quy mô, diện tích như cá chim trắng, rô phi đơn tính.
Theo tổng hợp, hiện nay toàn tỉnh có gần 5 nghìn ha mặt nước nuôi thả thuỷ sản, trong đó có hơn 300 ha nuôi thả cá rô phi đơn tính. Cùng với các đề án, mô hình hỗ trợ phát triển, mở rộng diện tích nuôi thả thuỷ sản năng suất, chất lượng cao, nông dân đã mạnh dạn áp dụng KHKT, đưa các giống cá mới vào nuôi thả như cá chim trắng, chép lai v1, cá rô phi đơn tính…, nhờ đó năng suất được tăng cao. Qua đánh giá hàng năm, sản lượng cá rô phi đơn tính đạt trên 3 nghìn tấn, góp phần nâng cao năng suất, giá trị kinh tế trong lĩnh vực nuôi thả thuỷ sản thời gian qua.
Tuy nhiên, nghề nuôi thả thuỷ sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế sẵn có, sản phẩm bán ra thường bị tư thương ép giá, việc áp dụng KHKT thiếu đồng bộ… Để từng bước khắc phục những hạn chế trên, đưa nghề nuôi thả thuỷ sản phát triển, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, cùng với chủ trương, định hướng phát triển thuỷ sản, thời gian qua, tỉnh và các đơn vị chuyên môn đã xây dựng và triển khai mô hình nuôi thả cá rô phi đơn tính. Do sản phẩm cá rô phi đơn tính hiện nay được người tiêu dùng ưa chuộng, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi, ổn định, vì vậy đã khuyến khích phong trào nuôi cá rô phi đơn tính phát triển ở nhiều địa phương như các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Ân Thi, Phù Cừ… Theo khảo sát, các diện tích nuôi thả cá rô phi đơn tính năng suất đạt trung bình 10-12 tấn/ha, một số diện tích cho năng suất trên 13 tấn/ha như ở các xã Xuân Quan, Mễ Sở (Văn Giang), Phùng Hưng, Tứ Dân, Dạ Trạch (Khoái Châu), Quang Vinh (Ân Thi); thu nhập bình quân đạt từ 200-240 triệu đồng/ha, trừ chi phí cho thu lãi 80-120 triệu đồng/ha.
Cá rô phi đơn tính là giống cá dễ nuôi, có khả năng thâm canh cao, chịu được môi trường ô nhiễm tốt hơn các loại cá khác, tận dụng được các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, thời gian nuôi thả ngắn mang lại hiệu quả kinh tế cao… Tuy nhiên, mô hình nuôi thả cá rô phi đơn tính còn không ít khó khăn do chưa có quy hoạch vùng sản xuất nuôi thả thuỷ sản tập trung, kỹ thuật nuôi của nông dân còn hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao, đầu ra cho sản phẩm phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thị trường…
Để khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước hiện có, tận dụng tốt các điều kiện về khoa học kỹ thuật, thị trường; góp phần nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu thuỷ sản nuôi thả, từng bước tạo ra các vùng chuyên canh cá rô phi đơn tính, nuôi thả tập trung, ngành chức năng, chính quyền địa phương và hộ nông dân cần quan tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trước hết, trong công tác định hướng quy hoạch các vùng nuôi thả cá rô phi đơn tính cần quan tâm lựa chọn các vùng mà người dân có điều kiện về vốn, thị trường, kỹ thuật. Các vùng quy hoạch cần được hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng như: điện, giao thông, thuỷ lợi để tạo điều kiện cho nuôi thâm canh. Việc hỗ trợ con giống trong các mô hình, đề án nuôi thả cá rô phi đơn tính cho các hộ cần được triển khai sớm để các hộ chủ động về con giống, thời vụ nhằm nâng cao giá trị khi thu hoạch. Ngoài ra, đối với các vùng quy hoạch nuôi tập trung cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí thức ăn nhằm khuyến khích đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, tăng cường tập huấn kỹ thuật nuôi thả, giữ giống cá rô phi đơn tính qua đông để có cá giống phục vụ sản xuất, rút ngắn thời gian nuôi, tăng vụ. Các địa phương có lợi thế nuôi thả thuỷ sản, cần đẩy mạnh phối hợp với ngành chức năng tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân thông qua các lớp tập huấn, tham quan, hội nghị, hội thảo; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các tổ chức, doanh nghiệp với hộ sản xuất để cung cấp con giống, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn nông dân thực hiện các công thức nuôi thả luân canh, thâm canh, nuôi đơn, nuôi ghép, nuôi cá sạch; áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng trị bệnh, sử dụng các loại thức ăn công nghiệp kết hợp với một số loại thức ăn có sẵn để giảm giá thành đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm, tiến tới tạo nguồn sản phẩm có chất lượng tốt phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.