Năm 2013, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn khiến một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phải thu hẹp quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng, làm ăn thua lỗ thậm chí phá sản. Thế nhưng ngành may mặc Hưng Yên đã vượt qua sóng gió để bứt phá vươn lên.
|
Giờ làm việc của các xã viên Hợp tác xã May Đại Đồng (thành phố Hưng Yên) |
Theo đánh giá của Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, lĩnh vực sản xuất hàng may mặc trong tỉnh khá ổn định, tăng trưởng xuất khẩu tương đối tốt, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2013, sản lượng sản phẩm may mặc các loại ước đạt 121 triệu sản phẩm, tăng gần 11 triệu sản phẩm so với năm 2012; giá trị xuất khẩu đạt 780 triệu USD, tăng khoảng 135 triệu USD so với năm 2012, chiếm gần 46% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp vào giá trị sản lượng của ngành công nghiệp, tiêu biểu như: Công ty cổ phần May và dịch vụ Hưng Long; Công ty cổ phần Tiên Hưng; Công ty cổ phần May 2 Hưng Yên... Để đạt được kết quả trên là do từ cuối năm 2012 đã bắt đầu có sự dịch chuyển sản xuất hàng may mặc từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh đã chủ động nắm bắt thị trường, cố gắng đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới và cải tiến kỹ thuật… nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì nhiều cơ chế, chính sách và chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp được Nhà nước áp dụng, như trong lĩnh vực thuế, vốn vay… Đặc biệt, chương trình xét chọn doanh nghiệp xuất khẩu uy tín được Bộ Công thương tổ chức hàng năm là cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu.
Công ty Cổ phần Tiên Hưng đóng trên địa bàn thị trấn Vương (Tiên Lữ) là doanh nghiệp chuyên gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu. Những năm gần đây tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công, lãi suất ngân hàng tăng… tuy nhiên với những giải pháp linh hoạt, năng động, sáng tạo, nhạy bén nên trong năm 2013, công ty vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, khẳng định vị thế là một doanh nghiệp uy tín, chất lượng. Ông Cao Mạnh Cường, Tổng giám đốc công ty cho biết: “Công ty xác định chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu Tiên Hưng là yếu tố quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt trong thời gian kinh tế khó khăn như hiện nay. Trong năm qua, công ty đã không ngừng đổi mới, đầu tư, cải tiến trang thiết bị, máy móc hiện đại, phát động các phong trào thi đua sáng kiến, cử cán bộ, công nhân đi học nâng cao tay nghề… nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm 2013, doanh thu của công ty ước đạt 320,5 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2012; nộp ngân sách nhà nước 15,2 tỷ đồng, tăng 97% so với năm 2012; lợi nhuận trước thuế đạt 41,52 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2012. Công ty giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.200 lao động với mức lương trung bình trên 7 triệu đồng/người/tháng, tăng 11% so với năm 2012. Theo nhận định của tôi, những tháng đầu năm 2014 các đơn hàng may mặc sẽ chậm hơn so với đầu năm 2013 do thị trường vẫn khó khăn, tuy nhiên tình hình sẽ khả quan hơn vào giữa và cuối năm. Đến thời điểm này, công ty đã ký kết các đơn hàng đến hết quý I.2014”.
Không chỉ các doanh nghiệp may mặc lớn mà những doanh nghiệp may mặc vừa và nhỏ trong tỉnh Hưng Yên cũng gặt hái được nhiều thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2013. Năm 2013, doanh thu của Hợp tác xã May Đại Đồng (thành phố Hưng Yên) ước đạt trên 6,1 tỷ đồng, mức lợi nhuận là 10%, đạt 107% kế hoạch, tăng 6% so với năm 2012. Hiện nay hợp tác xã có trên 100 lao động với mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng, tăng 7% so với năm 2012. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã May Đại Đồng cho biết: “Năm vừa qua là một năm khó khăn chung của nền kinh tế tuy nhiên đối với ngành may mặc vẫn có nhiều thuận lợi và cơ hội để phát triển. Nhờ có đủ các đơn hàng, trong năm qua hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã được duy trì đều đặn, thu nhập và việc làm cho người lao động khá ổn định. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất đối với chúng tôi là việc làm sao tiếp tục tăng hơn nữa doanh thu của hợp tác xã và thu nhập cho xã viên nên trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm… đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, từ đó khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước”.
Trong thời điểm hiện nay, nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi tới thời điểm ký kết, cũng như xu thế chung trên cả nước, các doanh nghiệp trong tỉnh nói chung và các doanh nghiệp ngành dệt may nói riêng đang nỗ lực tăng tốc với mục đích tìm kiếm cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Khi Hiệp định có hiệu lực vào năm 2015, đây có thể xem là một cánh cửa mở ra cho các doanh nghiệp dệt may Hưng Yên phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối được Công ty cổ phần phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối đầu tư xây dựng tại hai huyện Yên Mỹ và Mỹ Hào. Khu công nghiệp này có diện tích hơn 120ha được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có 25ha đã đi vào hoạt động từ năm 2001, có 10 nhà máy đầu tư, trong đó có 8 nhà máy dệt, nhuộm, may; giai đoạn 2 của dự án với diện tích 96ha đang được gấp rút hoàn thiện để đón các nhà đầu tư vào đầu năm 2014. Khu công nghiệp được thiết kế, xây dựng với đường giao thông thuận tiện, điện lưới ổn định, nhà máy xử lý nước thải công suất lớn… ưu tiên cho các doanh nghiệp ngành dệt, nhuộm, may mặc đầu tư. Đây được xem là một trong những động thái tích cực đón đầu những thời cơ cho ngành dệt, may trong thời gian tới. Từ những tín hiệu khả quan đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tăng tốc, mở rộng thị trường ra nước ngoài, phấn đấu đưa mặt hàng may mặc trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Ông Nguyễn Kiên Cường, Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính, Sở Công thương cho biết: “Tình hình sản xuất, kinh doanh hàng may mặc trên địa bàn tỉnh năm 2013 so với năm 2012 khá ổn định, tăng trưởng xuất khẩu tương đối tốt. Mặc dù trong ngành công nghiệp Hưng Yên, giá trị gia tăng đóng góp của ngành may mặc vẫn còn khiêm tốn, tuy nhiên trong thời điểm kinh tế khó khăn thì đây gần như một “cứu cánh” cho việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Nhận định trong năm 2014, ngành may mặc vẫn có cơ hội phát triển tốt và rất có thể trong làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Hưng Yên có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực này. Đặc biệt trong thời gian tới khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sẽ là “cú hích” mới cho các doanh nghiệp trong đó có ngành may mặc phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Các doanh nghiệp cũng cần phải tận dụng tốt cơ hội này để gia tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng lộ trình phát triển lâu dài, bền vững chứ không nên coi TPP như một cứu cánh để phát triển trong ngắn hạn”.