Hưng Yên: Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn

Thứ tư, 29/02/2012 17:06

Nhãn là cây ăn quả đặc sản và là cây có diện tích lớn nhất trong các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, trong đó diện tích trồng qui mô tập trung chủ yếu tại các huyện: Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên.

Tuy vậy, sản xuất nhãn hàng hoá còn nhiều hạn chế như: Năng suất thấp, chất lượng không đồng đều, sản lượng không ổn định, công nghệ thu hoạch, bảo quản còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư tiếp cận thị trường một cách hợp lý, sản xuất chưa phát huy được các lợi thế để sản xuất ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

 

 Chăm sóc nhãn ở Hưng Yên. Ảnh: báo Hưng Yên


Thực tế ở những vụ thu hoạch gần đây, nhãn chất lượng ngon chiếm khoảng 25-30% được bán tại vườn thông qua các hợp đồng đặt hàng dùng làm quà, phục vụ khách sạn, nhà hàng, đô thị; đối với nhãn tươi chất lượng khá chiếm khoảng 25-30% tổng sản lượng do thương lái thu mua, được tiêu thụ trên thị trường tự do trong và ngoài tỉnh; nhãn được sử dụng để chế biến long nhãn chiếm khoảng 40-50% tổng sản lượng. Tuy mang lại hiệu quả, song người trồng nhãn vẫn còn trăn trở với nghịch lý được mùa nhưng rớt giá, việc chế biến, bảo quản và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Để mang lại hiệu quả, thời gian qua người trồng nhãn ở các địa phương trong tỉnh đã tích cực áp dụng tiến bộ KHKT, đưa giống mới vào sản xuất. Qua đánh giá, hiện nay, các giống nhãn lồng, nhãn cùi, nhãn đường phèn... chiếm khoảng 25-30% được trồng chủ yếu trên những vườn mới cải tạo, chuyển đổi; còn lại là các giống nhãn nước, nhãn thóc... trồng ở vườn tạp, khu vực công cộng, những nơi trồng phân tán… Hầu hết diện tích nhãn được trồng chủ yếu là giống nhãn thuộc nhóm chín chính vụ, nhóm nhãn chín sớm và chín muộn có tỷ lệ diện tích thấp, thường trồng phân tán, trồng xen các giống khác… nên khó khăn cho việc chăm sóc, bảo vệ và tiêu thụ sản phẩm. Nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế, ở một số địa phương, đặc biệt là ở huyện Khoái Châu, nông dân đã mở rộng giống nhãn muộn có chất lượng quả ngon, trọng lượng quả lớn vào sản xuất, tuy nhiên số lượng cây còn ít, chưa được qui hoạch, kỹ thuật thâm canh chưa bảo đảm nên hiệu quả sản xuất chưa cao.

Bên cạnh những yếu tố trên, kỹ thuật thâm canh cây nhãn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, số ít các chủ vườn khu vực thành phố Hưng Yên và một số xã của huyện Khoái Châu, Tiên Lữ có trình độ thâm canh cây nhãn tương đối khá; còn lại hầu hết các vùng trồng nhãn khác vẫn theo kinh nghiệm cổ truyền, chư­a áp dụng đư­ợc quy trình thâm canh tiến bộ trên cây nhãn; công tác bảo vệ thực vật ít được chú trọng; công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch chưa được áp dụng. Vì vậy, sản lượng nhãn hàng năm thu hoạch được chỉ đạt khoảng 1/2 - 1/3 so với khả năng có thể đạt được, thậm chí có năm thất thu.

Với tiềm năng và lợi thế về đất đai màu mỡ, những năm gần đây nhu cầu chuyển đổi diện tích canh tác hiệu quả thấp, cải tạo vườn tạp sang trồng nhãn ở một số địa phương tăng nhanh. Tuy vậy, do kinh phí đầu tư cho vườn nhãn trồng mới khá lớn nên việc chuyển đổi chưa đạt hiệu quả cao, công tác qui hoạch chưa được chú trọng hoặc chưa đồng bộ như: Giao thông, thuỷ lợi, kỹ thuật trồng trọt… vì vậy vẫn chưa có vùng sản xuất hàng hoá đạt tiêu chuẩn. Mặt khác, ở nhiều vườn, trang trại trong quá trình chuyển đổi trồng mới hoặc cải tạo do nguồn giống không bảo đảm chất lượng nên một số vườn nhãn không đạt yêu cầu, phải chặt bỏ để trồng lại hoặc thay thế bằng loại cây khác gây lãng phí cho chủ vườn. Thêm vào đó, cơ cấu giống, trà vụ cũng chưa được quan tâm chú trọng, thiếu định hướng và dự báo về thị trường dẫn đến tình trạng đầu và cuối vụ lượng nhãn ít, giá cao; chính vụ thu hoạch, nhãn chín tập trung, sản lượng nhiều giá thấp...

Dự án "Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012 - 2015" với mục tiêu nhằm bảo tồn các giống nhãn đặc sản có chất lượng quả ngon phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm vùng sản xuất chuyên canh nhãn có quy mô tập trung thông qua việc áp dụng tổng hợp các biện pháp: chọn giống, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, công nghệ sau thu hoạch, các hoạt động thương mại sản phẩm. Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2012 đến hết năm 2015, với kinh phí thực hiện là hơn 32,1 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án tại các huyện Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên.

Mục tiêu cụ thể của dự án nhằm điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất nhãn Hưng Yên đến năm 2011; phân lập những cây, những giống có nguồn gen chất lượng tốt để bảo tồn và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để duy trì, phát triển những nguồn gen đã tuyển chọn. Xây dựng và quản lý hệ thống bảo tồn giống nhãn, hệ thống cây đầu dòng, vườn cây mẹ đầu dòng bằng cách cấp mã số quản lý. Xây dựng các mô hình ứng dụng những tiến bộ KHKT cải tạo vườn tạp, tăng năng suất, chất lượng, hình thức, mẫu mã quả. Nội dung của dự án tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng phát triển của cây nhãn, bảo tồn giống nhãn và quản lý cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, nâng cao chất lượng sản phẩm vùng chuyên canh nhãn, xúc tiến thương mại, đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản nhãn...

Theo đánh giá, dự án được thực hiện và mở rộng trong sản xuất sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế của việc trồng nhãn theo hướng sản xuất hàng hoá, ổn định thu nhập và đời sống người lao động, nâng cao trình độ kỹ thuật của người trồng nhãn, giải quyết việc làm cho nông dân. Đồng thời, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận thị trường, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động của các hội ngành nghề. Công tác bảo tồn và mở rộng diện tích được quan tâm, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên di truyền thực vật quan trọng, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, tạo điều kiện để ngành du lịch và phục vụ du lịch miệt vườn phát triển. Việc thực hiện các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhãn sẽ làm giảm những tác động xấu đến môi trường như thuốc bảo vệ thực vật…

Để dự án sớm được triển khai thực hiện, các ngành và cấp thẩm quyền sớm có kế hoạch phân bổ kinh phí cho dự án. Cùng với đó, để bảo đảm vốn cho dự án cần có sự phối hợp, lồng nghép các chương trình và ưu tiên cho các xã tham gia dự án như: Nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; chương trình giao thông nông thôn, nguồn vốn sự nghiệp khoa học hàng năm dành cho các hoạt động đào tạo, tập huấn…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực