Hưng Yên: Phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014

Thứ ba, 07/01/2014 16:58

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, trong bối cảnh cả nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực phấn đấu rất cao và đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế tăng trưởng 7,1%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (khoảng 5,4%).

Trong đó các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá như: Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 12,23%; công nghiệp tăng 7,31%; xuất khẩu có bước tăng trưởng cao, đạt giá trị 1,7 tỷ USD, vượt 36,3% so với kế hoạch, tăng 39,8% so với năm 2012; với quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.700 tỷ đồng, vượt 5% dự toán Trung ương giao.

Tỉnh tiếp tục huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Một số công trình dự án lớn được khẩn trương thực hiện, tạo tiền đề cho phát triển những năm tiếp theo. Tổng vốn huy động cho đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng trên 14% so với năm 2012. Tỉnh tích cực chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các đơn vị rà soát, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Trong năm có 154 dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, chiếm 43,7% tổng số dự án đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai. 

 

Ông Doãn Thế Cường tham quan mô hình sản xuất tại Xí nghiệp
giống cây trồng Phù Cừ

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực. Trong năm các địa phương đã huy động hơn 10.538 tỷ đồng từ nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, tăng gần gấp đôi năm 2012; trong đó nhân dân đóng góp 262 tỷ đồng; toàn tỉnh thực hiện đạt thêm 402 tiêu chí các loại. Đến nay, trong tổng số 145 xã có 2 xã đạt 15 đến 17 tiêu chí, 43 xã đạt 10 đến 14 tiêu chí và 100 xã đạt 5 đến 9 tiêu chí nông thôn mới. Diện mạo nông thôn trong tỉnh khởi sắc rõ rệt, đầu tư phát triển sản xuất được chú trọng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên.  

Nhiều hoạt động, chương trình, đề án, chăm lo đời sống người nghèo, gia đình chính sách và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở chung tay thực hiện có hiệu quả. Hơn 37.000 gia đình chính sách, người có công; hơn 22.000 hộ nghèo, 23.000 người cao tuổi và gần 2 vạn lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, tặng quà, trao học bổng trong các dịp lễ, tết. Tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, trong đó hỗ trợ 848 gia đình xây nhà mới và 2.548 gia đình sửa chữa nhà.
Các lĩnh vực văn hoá-xã hội tiếp tục có bước phát triển, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững. Hưng Yên thuộc danh sách các tỉnh có chất lượng giáo dục và đào tạo dẫn đầu toàn quốc. Chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến từng bước được nâng lên. Các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế, dân số được thực hiện có hiệu quả. Lĩnh vực cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng có nhiều tiến bộ. An ninh, quốc phòng được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Năm 2014, tình hình trong nước được dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhận diện rõ khó khăn, nắm bắt thời cơ, tỉnh ta tiếp tục phấn đấu duy trì nhịp độ tăng trưởng GDP từ 7,2% đến 7,5%. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội được đề ra ở mức cao như: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6.350 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5% v.v... Nhiệm vụ trong năm mới sẽ rất nặng nề, chúng ta phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hướng tới mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.

Cùng với việc tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, UBND tỉnh sẽ nêu cao trách nhiệm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm hướng vào các vấn đề sau:

1. Đối với nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát huy, sử dụng tốt hơn lợi thế đất đai, lao động, ứng dụng các tiến bộ về giống cây con, biện pháp thâm canh gắn chặt với nhu cầu thị trường, nhất là thị trường Hà Nội và các đô thị, khu công nghiệp trong tỉnh; tham gia trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, như bò sữa, lúa chất lượng cao, các cánh đồng mẫu. Diện tích lúa chất lượng cao phải tiếp tục được giữ vững, tăng thêm các giống tốt, giá trị cao (Nếp Hưng Yên, RVT); tiếp tục thay thế nhãn chất lượng thấp bằng nhãn chất lượng cao; một số diện tích cây cảnh, cam Đường Canh ở Văn Giang, Khoái Châu phải tích cực chuyển sang cây khác hiệu quả, bền vững hơn; diện tích lúa hiệu quả thấp phải sớm xây dựng kế hoạch từng bước chuyển sang cây hàng năm, kết hợp lúa, cá hiệu quả hơn. Tiếp tục quan tâm phát triển mạnh chăn nuôi (nhất là trâu bò) và thủy sản; hoạt động khuyến nông phải thiết thực hơn; thúc đẩy các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả gắn với việc xây dựng các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp, nông thôn.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới một cách toàn diện. Trên cơ sở quy hoạch làng xã, xây dựng hạ tầng đồng bộ từng bước vững chắc, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, tình làng nghĩa xóm, giữ gìn và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện quy chế dân chủ và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân ở làng xã phải vào cuộc mạnh hơn, thực sự là chủ thể, sức dân là chủ yếu có sự hỗ trợ tích cực quan trọng của cấp huyện và tỉnh. Nguồn lực quan trọng là đóng góp bằng công sức và kinh phí của nhân dân ở cơ sở; nguồn thu từ đất đai, ngân sách xã, sự hỗ trợ của ngân sách huyện, tỉnh và Trung ương, vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Trong đó ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ xi măng làm đường thôn, xóm, đường ra đồng; năm 2014 đã dành hỗ trợ xi măng 60 tỷ đồng, dồn thửa đổi ruộng 40 tỷ đồng, làm tốt xử lý đất dôi dư, sau đó đấu giá quyền sử dụng đất làm nhà ở từ 1,5 - 2 ha, mỗi xã sẽ có khoảng 12 - 15 tỷ đồng, hoặc hơn nữa là nguồn quan trọng cùng với lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia cho xây dựng hạ tầng và thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Điều quan trọng là nhận thức, trách nhiệm, nếp nghĩ, cách làm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và mỗi người dân, làng, xã trong xây dựng nông thôn mới. Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phải làm tốt hơn việc quản lý đất đai, khắc phục tình trạng lấn chiếm, nhất là lấn chiếm công trình thủy lợi, giao thông, đê điều. Phải khẩn trương hoàn thành dồn thửa đổi ruộng ở 22 xã làm điểm, sau đó cơ bản hoàn thành trong năm 2014-2015. Đồng thời phải tạo chuyển biến rõ nhận thức của lãnh đạo các cấp, mỗi người dân, mỗi gia đình trong bảo vệ môi trường ở mỗi làng, xã, phố, phường, làng nghề, khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở y tế, trường học, cơ quan... Kiên quyết xử lý những hành vi và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

2. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục vào tỉnh đầu tư. Các doanh nghiệp hiện có sử dụng hiệu quả hơn đất đai, nhà xưởng phát triển sản xuất kinh doanh. Giải quyết tốt hơn các vấn đề môi trường, điện chiếu sáng, an ninh trật tự xung quanh các khu công nghiệp, giảm giá thuê đất để bớt khó khăn và hấp dẫn hơn các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các dự án thương mại, đô thị, các dự án BT, nhất là các dự án: Khu liên hợp thể thao, đường trục Bắc Nam, đường 207 B, hạ tầng 2 xã Long Hưng, Nghĩa Trụ và Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Văn Giang; dự án đô thị đối ứng 400 ha trên địa bàn 2 xã Long Hưng và Nghĩa Trụ.

Phải huy động các hộ dân kinh doanh, các nhà đầu tư để nâng cấp hệ thống chợ hiện có và các dự án chợ, các trung tâm thương mại để thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển. Đẩy mạnh quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra để ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng, đầu cơ nâng giá, bảo đảm bình ổn thị trường, hàng hóa, vật tư sản xuất, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch và thúc đẩy triển khai Khu Đại học Phố Hiến, các đô thị: Mỹ Hào, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Bô Thời-Dân Tiến và các thị trấn.
Trong xây dựng cơ bản phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm đồng bộ và hiệu quả cao. Tạo sự chuyển biến rõ từ chủ trương, quyết định đầu tư, lập nhiệm vụ, thuê tư vấn đến thẩm định, phê duyệt dự án và triển khai thi công đều phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao, tránh thất thoát, lãng phí. Không quyết định đầu tư công trình khi không rõ nguồn vốn.

3. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách ngay từ tháng đầu, quý đầu năm 2014. Đôn đốc, động viên, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách; kiên quyết chống thất thu, tích cực xử lý nợ đọng thuế của một số doanh nghiệp. Thu không đạt kế hoạch thì phải giảm chi tương ứng. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm chi, bảo đảm chi đúng dự toán, hiệu quả cao ở mỗi cấp ngân sách, mỗi đơn vị dự toán trong toàn tỉnh. Các tổ chức tín dụng phải tích cực hơn để tăng dư nợ vay, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ...; giảm nợ xấu, quản lý chặt chẽ hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

4. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa thể thao và du lịch, lao động việc làm và giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, không dạy thêm học thêm sai quy định; ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường; chú trọng giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên; quán triệt từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục-đào tạo, tạo chuyển biến từng bước vững chắc về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo ở các cấp học, bậc học, cả công lập và ngoài công lập.

Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo sự chuyển biến tốt hơn về chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ của đội ngũ thầy thuốc đối với người bệnh; tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở y dược tư nhân; chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các trạm y tế xã.  

Nâng cao chất lượng các làng, khu phố văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh; giảm hủ tục lạc hậu, lãng phí trong việc cưới, việc tang và trong lễ hội. Đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao quần chúng, chú trọng thể thao thành tích cao, hướng vào các môn có phong trào và lợi thế (như bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, võ cổ truyền, điền kinh...). 

Tích cực giải quyết việc làm cho người lao động. Quỹ vì người nghèo tập trung hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, phấn đấu giảm nghèo bền vững. Quan tâm, chăm lo và thực hiện kịp thời chế độ cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện tốt việc xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công.

5. Giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội từ cơ sở và trong toàn tỉnh.
Đề cao tinh thần chủ động và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực hơn, có hiệu quả hơn để nhân dân yên tâm; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc phát sinh từ cơ sở.

Tập trung đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm ngay từ khi còn manh nha, nhất là tội phạm hoạt động ổ nhóm, tội phạm giết người, cướp của, cờ bạc, ma túy. Phấn đấu kiềm chế và giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí; xử lý nghiêm xe quá tải, quá khổ. Tích cực chỉ đạo và thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở các cấp, các sở, ngành, nhất là từ cơ sở; tiếp tục thực hiện Đề án về giảm khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp.

6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản và công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ. Kiên quyết xử lý kịp thời những cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang khi thực hiện nhiệm vụ gây phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp. Tăng cường trách nhiệm và tính chủ động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nhất là trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Nâng cao tính chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao nhất của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và từng cá nhân phụ trách; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực