Hưng Yên phát hiện 31 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng thể nhẹ

Thứ tư, 17/08/2011 15:08

Đến 15/8, toàn tỉnh Hưng Yên đã phát hiện 31 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác ở các huyện, thành phố. Việc phòng chống bệnh tay chân miệng đang là vấn đề cấp thiết, khi các em học sinh chuẩn bị vào năm học mới.

Tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm, có nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng, nhất là nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường mầm non... Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, nhiều nhất ở trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế thì người lớn cũng có khả năng mắc bệnh với chủng vi rút mới có độc lực cao.

Qua tìm hiểu những bệnh nhân mắc tay chân miệng hiện đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên và một số cơ sở cơ sở y tế thì hầu hết đều ở thể nhẹ, ít biến chứng và điều trị mau lành.

Tính đến 15/8, tỉnh Hưng Yên đã ghi nhận 31 ca mắc bệnh tay chân miệng, rải rác các địa phương, nhiều nhất là thành phố Hưng Yên, huyện Ân Thi, Khoái Châu và Phù Cừ. Hiện chưa phát hiện trường hợp nào bị biến chứng, phải chuyển lên tuyến trên.

Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Đức Băng – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên cho biết: “Dấu hiệu điển hình của bệnh nhân tay chân miệng là triệu chứng bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối không ngứa không đau, đôi khi có kèm theo lở miệng do bóng nước mọc trong miệng vỡ ra. Những dấu hiệu này thường xuất hiện từ từ, cần phải có hiểu biết về bệnh để sớm phát hiện thì hiệu quả chữa trị cao hơn”.

Tuy nhiên, do sự thiếu quan tâm của phụ huynh, có trường hợp trẻ được đưa đến viện trong tình trạng sốt cao, rối loạn tiêu hóa, các phỏng nước mọc dày, hóa mủ được chẩn đoán nhiễm trùng khuẩn nặng phải điều trị bằng kháng sinh.

Do hiểu biết hạn chế và quan niệm sai lầm, nhiều người dễ lầm tưởng bệnh tay chân miệng cũng giống như các bệnh ngoài da thông thường, thậm chí tự ý chọc các mụn phỏng nước và bôi thuốc ngoài da theo kinh nghiệm của người khác mách bảo. Cộng thêm việc vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân không đảm bảo chính là nguyên nhân khiến cho bệnh lâu khỏi, thậm chí dẫn đến những biến chứng khó lường.

“Lấy kim chọc vết phỏng là quan niệm hoàn toàn sai lầm, đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm trùng các vết phỏng, vết thương đối với bệnh nhân. Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là vệ sinh ăn uống bảo đảm bàn tay mẹ và bàn tay trẻ không bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, đồ chơi và sàn nhà cũng phải sạch vì nơi này vi rút gây bệnh có thể bám vào. Khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh lây lan trong cộng đồng” – Bác sĩ Trần Đức Băng cho biết thêm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực