Hưng Yên: Rau xanh, thực phẩm "đua nhau" tăng giá

Thứ sáu, 11/01/2013 15:25

 

Rau xanh tăng giá khiến nhiều người tiêu dùng
đắn đo khi mua rau. Ảnh: báo Hưng Yên 

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài gần chục ngày qua đã khiến cho giá nhiều loại lương thực, thực phẩm đua nhau tăng, nhất là mặt hàng rau xanh đã tăng từ 20 – 50%, nhiều người tiêu dùng không khỏi lo ngại về giá cả, đặc biệt khi Tết Nguyên đán 2013 đã cận kề…

Chị Dương Thị Thanh, phường Quang Trung (thành phố Hưng Yên) cho biết: Từ sau Tết Dương lịch đến nay, đi chợ mua rau mà chóng hết cả mặt vì giá cả. Cách đây khoảng gần một tháng, đi chợ rau có giá rất phải chăng, chỉ khoảng 2 nghìn đồng/mớ rau cải, 3 nghìn đồng/mớ rau muống, 5 – 7 nghìn đồng/kg cà chua. Vậy mà bây giờ, chỉ có mấy ngày giá rét, giá các loại rau đều tăng cao, rau cải xanh, cải cúc 5 nghìn đồng/mớ, cải bắp 10 – 12 nghìn đồng/chiếc (tùy loại), rau muống 5 – 6 nghìn đồng/mớ, su hào 7 – 8 nghìn đồng/củ, cà chua 10  - 12 nghìn đồng/kg. Có hôm muốn ăn rau cải cúc, tôi phải mất 10 nghìn đồng tiền rau mới đủ cho một bữa ăn của gia đình. Gia đình tôi chồng làm ngoài, công việc không ổn định, lúc có lúc không, còn tôi làm công nhân may, giá cả đắt đỏ như thế này thì việc chi tiêu sẽ rất khó khăn, nhất là khi tết sắp đến gần”.

Bác Phạm Thị Tôn, người nội trợ cho biết: “Chỉ có dăm ngày do sức khỏe yếu tôi không đi chợ mà đến nay thấy giật mình vì giá cả, tưởng mấy bà bán rau nói thách nên tôi ra sức mặc cả nhưng không được, đến hàng khác họ cũng đòi giá như vậy đành phải mua chứ biết làm sao. Bữa ăn hàng ngày có thể thiếu tí thịt, tí cá nhưng khó có thể thiếu rau xanh. Thôi thì rau đắt đành ăn ít hơn những lúc rau rẻ vậy”.

Theo chị Xoan, một tiểu thương ở chợ Chiều (thành phố Hưng Yên) thì mỗi ngày chị nhập hàng rau củ có một giá, ngay như khoai tây có hôm chị mua vào 11,5 nghìn đồng/kg thì bán ra 13 nghìn đồng, nhưng ngày hôm sau đã nhập vào 13 nghìn đồng nên lại phải bán ra giá cao hơn. Còn rau xanh do đắt nên chị cũng chỉ buôn cầm chừng, nhỡ ế rau bị hỏng vứt đi vài mớ thì hết lãi…

Về xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) được coi là vùng trồng rau có diện tích tương đối lớn của thành phố. Hiện xã có khoảng 50 ha chuyên canh rau màu các loại, tập trung nhiều ở thôn Đào Đặng và Tính Linh. Theo ông Nguyễn Văn Bảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Trung Nghĩa thì hiện nay giá rau tăng cao một phần do ảnh hưởng của cơn bão số 8, sau đó có mưa to lại nắng ngay khiến nhiều diện tích trồng rau ngắn ngày bị chết do thối rễ. Ngoài ra những ngày gần đây, do giá rét kéo dài kèm theo mưa phùn nên rau tăng trưởng rất chậm làm kéo dài thời gian thu hoạch. Nếu thời tiết có nắng ấm, thuận lợi thì với cây su hào  chỉ cần 35 – 40 ngày là cho thu hoạch, nhưng rét đậm thì phải 60 ngày mới thu hoạch được, cải bắp bình thường chỉ khoảng 45 ngày thì giá rét phải 90 ngày. Còn các loại rau ăn lá cũng phải thu hoạch muộn hơn so với bình thường từ 10 đến 15 ngày.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm nay diện tích trồng cây vụ đông của tỉnh khoảng 14.500 ha và đến nay đã đạt 101% kế hoạch. Với chủ trương ngoài trồng cây rau màu ngắn ngày, tỉnh khuyến khích bà con nông dân trồng các loại cây xuất khẩu, các loại cây dài ngày như khoai tây, bí… Thời điểm này, những loại cây trồng dài ngày đang cho thu hoạch rộ. Đối với rau xanh, nguyên nhân giá cả tăng một phần do ảnh hưởng của đợt bão số 8, một phần do một số loại rau hết lứa thu hoạch, khi gieo trồng vụ mới gặp thời tiết giá lạnh nên chậm lớn khiến vụ thu hoạch bị kéo dài, thị trường cầu vượt cung, giá cả đã bị đẩy lên cao.

Anh Đào Văn Hùng, xã Đào Dương (huyện Ân Thi) vừa là người trồng rau vừa là người thu gom rau của bà con nông dân địa phương để đổ buôn các chợ đầu mối cho biết, thực ra giá rau anh trực tiếp mua buôn của bà con nông dân tăng không đáng kể, chỉ nhích lên khoảng vài trăm đồng đến hơn nghìn đồng/mớ. Nhưng khi đưa đổ buôn ở các chợ đã bị các tiểu thương đẩy giá lên cao để kiếm lời, lý do họ đưa ra một phần do đi chợ vất vả những ngày giá rét, một phần họ cho rằng rau khan hiếm nên mới đắt…

Ngoài mặt hàng rau xanh tăng giá, trong thời gian này, một số loại lương thực thực phẩm khác cũng bị đẩy tăng theo. Giá thịt lợn cũng nhích lên khoảng 10 nghìn đồng/kg, thịt bò từ 10 – 15 nghìn đồng/kg, giá gà ta tăng mạnh từ 15 – 20 nghìn đồng/kg. Ngoài ra các mặt hàng tươi sống như cá, ngao, tôm… cũng tăng từ 10 – 15%. Nguyên nhân tăng giá được nhiều người kinh doanh đưa ra là vào dịp cuối năm các đám diễn ra nhiều, nhất là đám cưới, vì vậy nhu cầu thực phẩm tăng cao. Cùng với đó theo quy luật, vào dịp gần tết bao giờ giá cũng tăng do nhu cầu mua sắm cuối năm tăng mạnh. Năm nay có một điều khác biệt là vào giữa năm, nhiều người chăn nuôi đã bỏ trống chuồng trại do giá bán gia súc, gia cầm bị hạ thấp, trong khi đó chi phí thức ăn thì lại tăng cao khiến người chăn nuôi bị lỗ. Chính vì điều này đã dẫn đến nguồn lương thực thực phẩm khan hiếm, dịp tết giá bị đẩy lên cao là điều không tránh khỏi.

Từ nay đến Tết Nguyên đán còn khoảng một tháng, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng mạnh, việc tăng giá là điều khó tránh. Chính vì vậy để kiểm soát giá cả, góp phần bình ổn thị trường, giúp người tiêu dùng nhất là những người tiêu dùng có mức thu nhập thấp có thể mua sắm được đủ đầy vào dịp tết, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng để kiểm soát giá cả, tránh để tình trạng doanh nghiệp, người kinh doanh “té nước theo mưa”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực