Hưng Yên: Thu ngân sách năm 2014: Hướng tới mục tiêu 6.300 tỷ đồng

Thứ ba, 07/01/2014 17:01

Bằng nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả nên kết thúc năm 2013, tổng thu ngân sách của tỉnh Hưng Yên đã vượt ngưỡng 5.000 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương cũng như HĐND tỉnh giao.
 
Với kết quả thu này, Hưng Yên là một trong số ít tỉnh đạt và vượt mục tiêu dự toán giao về thu ngân sách và tạo động lực để tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu thu ngân sách trên 6.300 tỷ đồng vào năm 2014.

Năm 2013 khép lại đánh dấu sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Thuế, Hải quan trong công tác thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Hưng Yên ước đạt 5.800 tỷ đồng, bằng 107% dự toán Trung ương giao. Trong đó thu nội địa ước đạt 4.200 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.600 tỷ đồng, thu từ xổ số kiến thiết 8 tỷ đồng.  

 

Sản xuất tại Công ty cổ phần công nghệ bia, rượu,
nước giải khát Hà Nội

Xác định nhiệm vụ thu ngân sách năm 2013 là vô cùng khó khăn nên ngay từ đầu năm ngành thuế tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thực hiện thu ngân sách. Ngoài các biện pháp chuyên môn, ngành thuế còn tích cực phối hợp với các ngành, địa phương trong việc rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, nhất là vướng mắc liên quan đến đất đai để khai thông nguồn thu ngân sách nhà nước. Thu nội địa gặp khó khăn lớn do sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa phục hồi, thậm chí có doanh nghiệp, ngành nghề còn bị sụt giảm, chi phí đầu vào tăng, hàng tồn kho lớn, khả năng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chậm. Những điều này khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp giảm dẫn tới giảm nguồn thu ngân sách từ các khoản thuế, phí, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT. Thêm vào đó là việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Nhà nước tại Nghị quyết số 13/NQ-CP, Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ trong đó có các chính sách thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng nghĩa với giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp là tác động ngược lại gây giảm nguồn thu trực tiếp cho ngân sách tức thời trong năm 2013. Ông Lê Quang Huy, Cục trưởng Cục Thuế cho biết: “Năm 2013, thu nội địa hụt thu khoảng 317 tỷ đồng, trong đó hụt thu 61,5 tỷ đồng do giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, hụt thu 9 tỷ đồng do gia hạn tiền sử dụng đất và hụt thu do một số doanh nghiệp nợ thuế hoặc do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, đình trệ nên hầu như không phát sinh tiền thuế như Công ty Quang Minh, kế hoạch nộp là 100 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 10 mới nộp 1,5 tỷ đồng. Công ty TNHH LG, kế hoạch nộp là 30 tỷ đồng nhưng đến nay không phát sinh tiền thuế…”.

Đến hết quý III.2013, thu nội địa mới đạt 2.880 tỷ đồng, đạt trên 65% dự toán. Điều này đòi hỏi công tác thu ngân sách các tháng cuối năm phải được tăng cường. Song song với việc tăng cường thực hiện các giải pháp thu ngân sách, tỉnh, Cục Thuế, các huyện và các chi cục thuế huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu nộp ngân sách và chống thất thu thuế trên cơ sở huy động sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm thực hiện thu hồi nợ đọng thuế, tổ chức thu thuế phát sinh. Nhờ vậy, trong quí IV, thu nội địa của tỉnh đã đạt trên 1.200 tỷ đồng, bằng trên 27,6% tổng thu nội địa cả năm.

Khác hẳn với thu nội địa, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu năm nay lại là điểm sáng trong thu ngân sách. Chỉ qua 9 tháng đầu năm, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đã vượt dự toán giao và đến hết năm, thu ngân sách từ hoạt động này đã vượt trên 59,2% dự toán. Nguồn thu này đã góp phần bù đắp cho khoản thu bị hụt từ thu nội địa góp phần tạo nên thành tích chung của tỉnh trong tổng thu ngân sách.

Theo dự toán năm 2014, tổng thu ngân sách của tỉnh là 6.350 tỷ đồng, tăng trên 11% so với mức thu thực hiện năm 2013. Trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 1.878 tỷ đồng, thu nội địa là 4.472 tỷ đồng. Như vậy, với dự toán thu ngân sách được giao năm 2014, tỉnh Hưng Yên sẽ về đích trước thời hạn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đền ra là đến năm 2015 phấn đấu thu ngân sách đạt trên 6 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù còn có những chỉ tiêu chưa đạt dự toán nhưng kết thúc năm 2013, kết quả thu ngân sách của tỉnh Hưng Yên đã ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và đặc biệt là sự  nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Thuế tỉnh, ngành Hải quan. Năm 2013 khép lại và mở ra năm 2014 với những mục tiêu mới trong thu ngân sách. Theo dự báo thì nền kinh tế trong nước và thế giới năm 2014 sẽ phục hồi tốt hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, với dự toán giao thu ngân sách năm 2014 cũng vẫn là thách thức lớn đối với các cấp, các ngành nhất là ngành Thuế, Hải quan. Bởi vì nền kinh tế thế giới và trong nước đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa ổn định, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn...

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2014 trên cơ sở dự báo những thách thức và thuận lợi đan xen, các sơ quan thu (Thuế, Hải quan) đã chủ động xây dựng và thực hiện phương án thu ngân sách cụ thể trong các tình huống. Đối với công tác thu và chỉ đạo thu, các ngành chỉ đạo phải thực hiện quản lý nguồn thu theo từng sắc thuế, từng người nộp thuế trên cơ sở bám sát địa bàn và nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế; tập trung khai thác nguồn thu còn nhiều tiềm năng tại các khu vực kinh tế; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế phát sinh từ đó khai thông các khoản thu; tăng cường các biện pháp quản lý thuế, chống thất thu ngân sách… Đồng thời  tăng cường và đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính thuế theo lộ trình và thực hiện đổi mới công tác quản lý thuế theo chức năng và thực hiện các giải pháp nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Thuế, Hải quan nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế cũng như kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Cùng với đó, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng các buổi tọa đàm, đối thoại, tư vấn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các luật, chính sách thuế hiện hành và thuế mới, chú trọng các chính sách thuế mới được sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong nội bộ cũng như đối với người nộp thuế để kịp thời uốn nắn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực