Hưng Yên: Thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2013 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Thứ sáu, 01/03/2013 10:39

UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2013 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó phấn đấu đến năm 2020, tình trạng dinh dưỡng của nhân dân được cải thiện rõ rệt, các gia đình trước hết là trẻ em và bà mẹ được nuôi dưỡng và chăm sóc hợp lý, bữa ăn của người dân đủ hơn về số lượng, cải thiện hơn về chất lượng, bảo đảm về an toàn vệ sinh. Tỷ lê suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt thể thấp còi được giảm mạnh, góp phần nâng cao thể chất của người dân, kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân béo phì, góp phần hạn chế các bệnh mãn tính không lây có liên quan tới dinh dưỡng.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch cũng đề ra 6 mục tiêu cụ thể, đó là: Tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân: phấn đấu tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1800 Kcal giảm xuống 10% vào năm 2015, 8% vào 2020 và 5% vào năm 2030; tỷ lệ hộ gia đình có khẩu phần ăn cân đối đạt 50% vào năm 2015, 75% vào năm 2020 và 90% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em: phấn đấu giảm tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ xuống 15% vào năm 2015, 12% vào năm 2020 và <9% vào năm 2030; giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp xuống dưới 3,5% vào năm 2015, 3% vào năm 2020 và <2,5% vào năm 2030; giảm tỷ lệ dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 22% vào năm 2015, 18% vào năm 2020 và <13% vào năm 2030; giảm tỷ lệ dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống 13% vào năm 2015, 10% vào 2020 và <8% vào năm 2030; khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi. Cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi có hàm lượng Vitamin A huyết thanh thấp giảm xuống 10% vào năm 2015, 8% vào năm 2020 và <5% năm 2030; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai giảm còn 28% vào năm 2015, 23% vào năm 2020 và <15% vào năm 2030. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ gia đình dùng muối I-ốt hàng ngày đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt trên 90%. Từng bước kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng người trưởng thành. Nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế…

Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu trên cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác dinh dưỡng, chỉ đạo triển khai lồng ghép công tác dinh dưỡng vào chương trình phát triển KT-XH của địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, nâng cao kiến thức và tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất và trí tuệ của trẻ em. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các ngành có liên quan như: y tế, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, LĐ-TB&XH… trong triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Huy động, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức đoàn thể nhân dân và các doanh nghiệp tham gia thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực