Khai thác hiệu quả tiềm năng văn hóa di sản ở Hưng Yên

Thứ bảy, 26/11/2011 20:19

(ĐCSVN) - Hưng Yên có hơn 1.210 di tích lịch sử văn hóa; trong đó có 159 di tích, cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cùng hàng nghìn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị. Ðây là một tiềm năng lớn để Hưng Yên phát triển văn hóa du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Hưng Yên là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, với nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Thế kỷ 16, 17, Phố Hiến-Hưng Yên là trung tâm của Trấn Sơn Nam, có thương cảng Phố Hiến, một thương cảng lớn nhất ở Ðàng Ngoài, là chốn phồn hoa đô hội, nổi tiếng với câu ca "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến".

Qua những thăng trầm của lịch sử, cùng sự biến đổi của thiên nhiên, Hưng Yên vẫn còn lưu giữ một quần thể di tích, kiến trúc, nghệ thuật với nhiều loại hình phong phú, đa dạng mang tầm cỡ quốc gia, nhiều đền, đình, chùa, miếu, những thuần phong mỹ tục, lễ hội, những làng nghề thủ công những nét nghệ thuật dân gian độc đáo.

Toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 1.210 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 159 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 103 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cùng hàng nghìn tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị để khai thác nhằm phát huy truyền thống và phát triển du lịch. Tiêu biểu là các cụm di tích như: Cụm di tích Phố Hiến (TP Hưng Yên) nổi tiếng với các di tích chùa Chuông, chùa Phố, chùa Hiến, đình Hiến, đền Mây, Văn Miếu, đền Trần, đền Mẫu, Võ Miếu, Thiên Hậu Thượng Phố, Thiên Hậu Hạ Phố, Ðông Ðô Quảng Hội, chùa Nễ Châu, hồ Bán Nguyệt... Cụm di tích Ða Hòa - Dạ Trạch (huyện Khoái Châu), nơi thờ Chử Ðồng Tử, Tiên Dung, Tây Sa công chúa (thiên tình sử đẹp nhất trong văn học dân gian Việt Nam). Cụm di tích lịch sử văn hóa Hải Thượng Lãn Ông (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ) bao gồm nhiều di tích như đình Văn, chùa Văn, đền thờ Lê Hữu Trác, nơi thờ Lê Hữu Danh; lưu giữ toàn bộ những công trình y dược học vĩ đại của Lê Hữu Trác. Cụm di tích đền Phù Ủng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi), nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Cụm di tích Tống Trân - Cúc Hoa (xã Tống Trân và xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ) - nơi thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân và nàng Cúc Hoa xinh đẹp, cần cù, chịu khó, thủy chung với Tống Trân, hiếu thảo với cha mẹ...

Ngoài các cụm di tích tiêu biểu nêu trên, Hưng Yên còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa với kiến trúc độc đáo như: Chùa Nôm xã Ðại Ðồng, chùa Thái Lạc xã Lạc Hồng, chùa Lãng xã Minh Hải, huyện Văn Lâm; đền thờ Lý Thường Kiệt xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ; đình Ða Ngưu xã Tân Tiến, huyện Văn Giang; đình Duyên Yên xã Ngọc Thanh, huyện Kim Ðộng...

Hưng Yên còn có một hệ thống các nhà tưởng niệm như: Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, là nơi tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Người con của quê hương Hưng Yên - Nhà lãnh đạo cách mạng kiên định và sáng tạo của Ðảng và nhân dân Việt Nam, có công lao lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Nhà tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu; Khu tưởng niệm tướng quân Nguyễn Thiện Thuật (lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy) ở xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào; Nhà tưởng niệm Hoàng Hoa Thám (lãnh tụ khởi nghĩa Yên Thế) ở xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ; Nhà tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu và Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Văn Lương ở xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.

Gắn liền với các cụm di tích, các Nhà tưởng niệm nêu trên là hơn 400 lễ hội truyền thống được các địa phương cơ sở trong tỉnh tổ chức vào các dịp đầu xuân và các tháng trong năm. Hưng Yên còn có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bằng châu thổ sông Hồng với những làn điệu chèo, ca trù, hát xẩm, trống quân..., mượt mà đằm thắm. Hưng Yên cũng còn có các làng nghề thủ công, truyền thống...

Ðể khai thác và phát huy tiềm năng những di sản văn hóa, tỉnh Hưng Yên đang tích cực triển khai, thực hiện Quyết định số 744/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27-5-2010, về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch. Theo quy hoạch này, Hưng Yên sẽ tiến hành phục dựng phố cổ; xây dựng Ðền thờ Lê Ðình Kiên - người có công xây dựng Phố Hiến xưa; phục dựng thương cảng Phố Hiến; phục dựng tàu, thuyền cổ đậu tại Phố Hiến; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố Hưng Yên; xây dựng các khu vui chơi giải trí...

Ðồng thời tỉnh tiếp tục đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa khác, bảo đảm giữ nguyên được những yếu tố gốc của di tích lịch sử văn hóa. Ðẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các di tích lịch sử, văn hóa; hình thành các tuyến du lịch, tham quan các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu để quảng bá, giới thiệu và thu hút du khách trong và ngoài nước. Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác văn hóa, du lịch các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa trong thời kỳ mới; đưa Hưng Yên trở thành điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực