Anh Nguyễn Duy Định, cán bộ thú y thị trấn Khoái Châu (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thị trấn đàn gia súc gia cầm (GSGC) có khoảng 18 nghìn con, trong đó đàn lợn có 2,5 nghìn con, đàn gia cầm có 15 nghìn con... Hàng năm, công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng cho đàn GSGC luôn được coi là nhiệm vụ then chốt trong việc phòng và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thị trấn.
Từ đầu năm đến nay, thị trấn đã tổ chức 2 đợt tiêm vắc xin cho đàn gia súc vụ xuân và vụ thu, tiêm vắc xin lở mồm long móng cho toàn bộ đàn trâu bò, lợn nái, lợn đực giống, đạt tỷ lệ 90 -95%. Do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh dịch như tả, tụ huyết trùng, đóng dấu trên đàn lợn nên từ nhiều năm nay không có dịch xảy ra. Đối với đàn trâu bò, mặc dù số lượng trên địa bàn thị trấn không nhiều nhưng cán bộ thú y vẫn thường xuyên đến các hộ gia đình chăn nuôi trâu bò để nhắc nhở, kiểm tra công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại và chăm sóc nuôi dưỡng nên dịch bệnh trên đàn trâu bò ít xuất hiện. Một số bệnh thông thường như tiêu chảy, cảm cúm, ký sinh trùng đường máu đã được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên tỷ lệ chết và loại thải thấp. Đàn gia cầm chiếm tỷ lệ 83,3% trên tổng số đàn GSGC của toàn thị trấn, tuy số lượng đàn gia cầm chiếm tỷ lệ lớn, song trong thời gian qua chưa có dịch bệnh xảy ra. Các bệnh chủ yếu trên đàn gia cầm như dịch tả vịt, tụ huyết trùng, Niucatxơn, Gumboro, cầu trùng, tiêu chảy… xuất hiện rải rác, cục bộ ở từng hộ chăn nuôi được xử lý kịp thời, không để bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, qua các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chăm sóc GSGC cho các hộ chăn nuôi, đến nay, hầu hết các hộ đều có ý thức chủ động tiêm phòng bệnh theo đúng quy trình, thời gian để phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC. Nhiều hộ chăn nuôi đầu tư kinh phí mua vắc xin tiêm phòng bổ sung cho đàn GSGC, góp phần nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bổ sung hằng tháng đạt 80 - 90%.
Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của gia đình anh Vũ Văn Quân, thôn Thượng, thị trấn Khoái Châu đúng vào lúc cả gia đình anh đang bận rộn phun thuốc vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại để đón lứa ngan mới nhập đàn. Chia sẻ với chúng tôi, anh Quân cho biết: Trung bình mỗi năm gia đình tôi nuôi khoảng hơn 1 nghìn con ngan đẻ và ngan thịt, cùng với đàn lợn trên 40 con. Để bảo đảm cho đàn ngan, lợn phát triển tốt, chúng tôi luôn coi trọng công tác phòng bệnh bằng nhiều biện pháp kết hợp như tiêm vắc xin, vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi… Đặc biệt, tại thời điểm những tháng cuối năm, việc tiêm phòng được tăng cường bởi đây là lúc các bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh… dễ bùng phát. Do đó, bên cạnh việc thường xuyên tham gia các đợt tiêm phòng vắc xin cho đàn GSGC do cán bộ thú y tổ chức, gia đình tôi còn chủ động mua thuốc tiêm phòng bổ sung để bảo đảm sức đề kháng cho đàn GSGC. Qua các lớp tập huấn kỹ năng chăn nuôi do huyện tổ chức, chúng tôi ý thức được nguyên tắc “Đã chăn nuôi thì phải tiêm phòng”. Việc tiêm phòng cho đàn gia súc tuy phải đầu tư thêm kinh phí, song đó cũng là một trong những biện pháp để đàn GSGC bảo đảm chất lượng xuất chuồng, giảm tỷ lệ rủi ro cho người chăn nuôi.
Ông Lê Văn Thơ, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Khoái Châu cho biết: Hiện nay, đàn GSGC trên địa bàn huyện có khoảng 1,1 triệu con, trong đó, đàn lợn có 90 nghìn con, đàn trâu bò hơn 5 nghìn con, đàn gia cầm gần 1 triệu con… Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC, từ đầu năm đến nay trạm thú y huyện đã tổ chức phát động tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, đường làng ngõ xóm, các ổ dịch cũ, các xã có nguy cơ cao, các hộ chăn nuôi gia cầm lớn. Huyện đã tiếp nhận và cấp 1.625 lít thuốc khử trùng và hỗ trợ 20 triệu đồng tiền phun thuốc cho các xã, thị trấn để tiến hành phun thuốc khử trùng tập trung. Bên cạnh đó, ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh GSGC các xã, thị trấn đã chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở tổ chức tốt các đợt tiêm vacxin cho đàn gia súc vụ xuân, vụ thu và tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho toàn bộ đàn trâu bò, lợn, đạt tỷ lệ 90% đến 95%. Cùng với các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi, trạm thú y huyện còn tăng cường công tác kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán các sản phẩm động vật nhằm phát hiện và ngăn chặn các trường hợp không đủ yêu cầu vệ sinh thú y khi vận chuyển từ huyện đi các địa phương khác và theo chiều ngược lại.
Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, lực lượng thú y trên địa bàn huyện tăng cường khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần tích cực, chủ động phòng chống bệnh cho đàn GSGC, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn GSGC, khi thấy có biểu hiện GSGC ốm, chết bất thường cần báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương để kịp thời có các biện pháp xử lý, không để bùng phát dịch bệnh, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và thiệt hại cho người chăn nuôi.