Có rất nhiều lý do để các bác sỹ khi đã có tay nghề rồi thì không còn “mặn mà” với tuyến cơ sở nữa như: môi trường làm việc không hấp dẫn, cơ sở vật chất hạn chế, xa trung tâm… Nhưng huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã bằng những nỗ lực nhiều mặt, từng bước xây dựng, hoàn thiện đội ngũ bác sỹ ở tất cả các xã, thị trấn góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
Khi xã có bác sỹ…
Khuôn viên trạm y tế tuy không lớn nhưng rất sạch sẽ, gọn gàng với các phòng chức năng, phòng khám, nhà điều trị bằng đông y và một vườn cây thuốc nam xanh tốt trước cửa là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tới trạm y tế xã Phùng Hưng- một trong những xã đạt chuẩn quốc gia về y tế của huyện Khoái Châu.
“Trước đây, khi có bệnh hay lo lắng về tình trạng sức khỏe thì chúng tôi phải tìm lên các tuyến cao hơn. Nhưng những năm gần đây, trạm y tế đã có bác sỹ đa khoa lại có đội ngũ cán bộ y tế đầy đủ nên chúng tôi yên tâm hơn, người dân chúng tôi đã có thể khám, chữa bệnh tại địa phương, lấy thuốc điều trị tại địa phương”, bà Tâm, người dân thôn Kim Quan, xã Phùng Hưng phấn khởi cho biết.
|
Cán bộ trạm y tế xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu trao đổi công việc |
Tiếp chúng tôi, trạm trưởng trạm y tế xã Phùng Hưng, bác sỹ Đinh Thị Biên cho biết: “Là địa phương với hơn 12 nghìn nhân khẩu, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân rất lớn và không ngừng tăng lên. Nếu không đáp ứng được việc khám chữa bệnh cho nhân dân thì không những khiến người dân vất vả mà còn làm các tuyến trên quá tải”. Cũng chính vì hiểu rõ vấn đề này, chị Biên đã quyết tâm đi học thêm để nâng cao trình độ, trở thành bác sỹ đa khoa để về phục vụ nhân dân địa phương. Gắn bó với nghề đã ngót hai mươi năm, chị nghiệm ra rằng, làm nghề y mà muốn người bệnh tìm đến với mình thì không có cách nào khác là bằng khả năng thực sự của mình giúp họ khỏi bệnh, tạo dựng được sự tin tưởng với người bệnh.
Trở về sau khóa học, nữ bác sỹ ấy càng nhận thấy trách nhiệm của mình to lớn hơn. Khám bệnh tốt, tiên lượng đúng bệnh, phương pháp điều trị đúng và chuyển tuyến ngay khi cần, bác sỹ Biên cùng đội ngũ cán bộ trạm từng ngày xây dựng lòng tin trong nhân dân địa phương bằng chính khả năng, trình độ và sự tận tình. Điều mà ai cũng nhận thấy tại trạm y tế xã Phùng Hưng khi có bác sỹ đó là số lượt khám chữa bệnh, cấp thuốc cho nhân dân đã tăng dần lên. Vài năm trở lại đây, số lượt khám chữa bệnh tại trạm đã đạt trên 8000 lượt người/năm. Bác sỹ Biên còn nhớ, ngay khi đào tạo bác sỹ trở về đã tiếp nhận một ca cấp cứu do tai nạn lao động. Người bệnh bị rách khá sâu, vết thương kéo dài ở khu vực tay, mất máu nhiều. “Lúc ấy, mặc dù cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều rất lo lắng, nhưng tôi cùng các cán bộ trạm đã nhanh chóng sơ cấp cứu, cầm máu, đồng thời khâu vết thương lại, bảo đảm an toàn và giúp bệnh nhân mau lành bệnh”, chị Biên tâm sự. Sau lần cấp cứu thành công đó, nhân dân trong xã càng tin tưởng chị hơn, nhiều trường hợp bệnh nhân khác đã được chị cùng các cán bộ trạm xử lý nhanh chóng, chính xác, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.
Từng bước hoàn thiện đội ngũ y tế cơ sở
Làm việc với Trung tâm y tế huyện Khoái Châu, chúng tôi được biết, đến nay 25 xã, thị trấn trong toàn huyện đều có bác sỹ, trong đó 21 xã, thị trấn có bác sỹ là người địa phương và 4 xã, thị trấn là các bác sỹ tăng cường của trung tâm theo đề án 1816. Đội ngũ này đang được xây dựng ngày một hoàn thiện hơn, ngoài các bác sỹ còn có hệ thống đông đảo cán bộ trạm như: y sỹ, dược sỹ, hộ sinh, điều dưỡng… phối hợp để làm tốt công tác tại trạm. Nhờ đó, nhiều nhiệm vụ trọng tâm của trạm y tế tuyến xã, thị trấn đã được các cán bộ trạm thực hiện có hiệu quả như: chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng, sơ cấp cứu, khám chữa bệnh ban đầu. Ông Nguyễn Đình Hiền, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Khoái Châu cho biết: “Thực hiện chủ trương của ngành và các cấp trong việc xây dựng mạng lưới cán bộ y tế tuyến cơ sở cũng như chủ động tạo nguồn cán bộ bền vững phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân toàn huyện. Huyện đã luôn quan tâm tới việc đào tạo, phát triển đội ngũ bác sỹ và cán bộ trạm qua nhiều hình thức khác nhau, từ việc liên hệ với các đơn vị đào tạo, cử y sỹ đi học, tuyển bác sỹ mới ra trường, đến tổ chức các lớp bồi dưỡng tại trung tâm.
Liên tục trong một thời gian dài, trung tâm đã tập trung quan tâm, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ trạm nâng cao trình độ chuyên môn, gắn bó với cơ sở. Đặc biệt là ưu tiên những nguồn lực của địa phương với phương châm: bác sỹ địa phương phục vụ nhân dân địa phương. Ông Hiền chia sẻ thêm: “Họ là những thầy thuốc của địa phương đó, là người địa phương thì sự quyết tâm cũng như trách nhiệm với nghề càng được đề cao. Nhất là sự gắn bó bền chặt của họ với trạm, với địa phương”. Đây cũng chính là một cách “giữ chân” hiệu quả để đội ngũ bác sỹ, yên tâm công tác lâu dài với trạm. Nhờ đó mà từ chỗ khó khăn trong đội ngũ bác sỹ, cán bộ trạm thì nay 25/25 trạm y tế tuyến cơ sở đều đã có bác sỹ, 21 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế”.
Từng bước hoàn thiện được đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở cũng là cách hữu hiệu nhất để các công tác trọng tâm của trạm y tế xã, thị trấn được thực hiện tốt. Được biết trong nhiều năm liền các trạm y tế tuyến cơ sở trong huyện đã đồng bộ triển khai được gần 20 chương trình y tế có hiệu quả như: tiêm chủng đạt tỷ lệ cao, không có trẻ em mắc bại liệt, loại trừ được bệnh phong, loại trừ uốn ván sơ sinh, khống chế được bệnh sởi, thanh toán được bệnh mắt hột… Công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tuyên truyền phòng bệnh tại các xã, thị trấn được tăng cường, nhiều năm không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, không có ngộ độc thực phẩm.
Mỗi năm, tại các trạm y tế xã, thị trấn trong huyện đã tiến hành khám, điều trị cho hơn 100.000 lượt bệnh nhân, góp phần giảm tải đáng kể cho tuyến trên. Kết quả mà ngành y tế Khoái Châu đạt được trong xây dựng đội ngũ bác sỹ tuyến cơ sở bền vững là những cách làm tốt, bài học kinh nghiệm đáng để học tập, nhân rộng. Có thể tin tưởng rằng với nỗ lực của ngành y tế huyện nói chung và nỗ lực của đội ngũ bác sỹ tuyến cơ sở nói riêng, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các xã, thị trấn sẽ càng hoàn thiện, khẳng định được vai trò, trách nhiệm quan trọng của người thầy thuốc cũng như tạo chỗ dựa tin cậy cho nhân dân./.