Khoái Châu: Nghệ vàng được mùa, được giá

Thứ hai, 08/11/2010 19:11

Thời điểm này, khi người dân các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang bắt tay vào sản xuất vụ đông thì nông dân các xã Chí Tân, Thuần Hưng, Đại Tập… (Khoái Châu, Hưng Yên) lại bận rộn với việc thu hoạch nghệ vàng, một loại cây thế mạnh của đồng đất nơi đây. Năm nay, người trồng nghệ rất phấn khởi vì nghệ được mùa, được giá, mỗi héc-ta cho giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng.

Được mùa, được giá…

 
 Thu hoạch nghệ ở xã Chí Tân huyện Khoái Châu
Về xã Chí Tân (Khoái Châu), từ trên đường đê nhìn xuống bao phủ một màu xanh bạt ngàn của nghệ. Khắp trong đồng, ngoài bãi, người dân đang khẩn trương thu hoạch những lứa nghệ đầu tiên. Niềm vui hiện rõ trên nét mặt rạng rỡ của những người nông dân. Mới đầu vụ mà giá nghệ đã lên cao ở mức từ 8 đến 10 nghìn đồng/kg, với mỗi hecta người trồng nghệ thu không dưới 200 triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng nghệ đang thời kỳ thu hoạch, chị Nguyễn Thị Lan (chủ nhiệm HTX Chí Tân) cho biết: Năm nay, diện tích nghệ của xã đạt trên 72 ha, tăng 10 ha so với năm trước, đây cũng là xã có diện tích nghệ lớn nhất trong toàn huyện Khoái Châu. Mặc dù thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nhưng nhờ có kinh nghiệm hàng chục năm thâm canh nghệ vàng, kết hợp với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất vẫn giữ ở mức ổn định, ước đạt 27 tấn/ha. Diện tích tăng, nghệ được giá, nhiều nông hộ trong xã đã thoát nghèo, làm giàu từ việc trồng, thu mua, chế biến nghệ. Nghệ Chí Tân được thương lái rất chuộng bởi có chất lượng tốt. Cây nghệ vàng cũng là loại cây dược liệu, có nhiều tác dụng trong y học, đang ngày càng được các nhà máy sản xuất, chế biến bột nghệ và các loại thuốc từ nghệ thu mua với trữ lượng lớn. Do đó, nguồn cầu khá ổn định và có chiều hướng tăng trong những năm gần đây.

Cây nghệ vàng đã gắn bó với đồng đất nơi đây hàng chục năm và đang dần trở thành loại cây thế mạnh của địa phương. Có người còn đùa rằng: đây là là thứ cây “làm chơi mà ăn thật” bởi nghệ là loại cây dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất, không bị sâu bệnh, chỉ cần chịu khó chăm sóc, tưới bón là cuối năm mỗi nhà đã thu trên dưới 10 triệu đồng/ sào nghệ. Anh Hoàng Trường Giang (thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân) vui mừng cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống trồng nghệ từ nhiều đời nay. Nhưng nếu như trước kia, chỉ dựa vào kinh nghiệm trồng và chăm sóc nghệ thì năng suất chỉ đạt khoảng 6 đến 8 tạ/ sào. Bây giờ, nhờ việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên trung bình mỗi vụ đạt năng suất từ 1 đến 1,5 tấn/ sào. Đầu vụ, các thương lái tấp nập về thu mua nghệ với giá cao, trung bình là 8 nghìn đồng/kg, nếu nghệ chọn thì giá 11 nghìn/kg. Với gần 1 mẫu nghệ, năm nay gia đình tôi ước thu trên dưới 100 triệu đồng.”

Và bài toán cho đầu ra

Anh Nguyễn Văn Đạt, phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khoái Châu cho biết: Hiện nay, toàn huyện có gần 100 ha nghệ. Cây nghệ vàng được trồng xen canh rải rác ở các xã Chí Tân, Thuần Hưng, Thành Công, Đại Tập, Nhuế Dương… Diện tích nghệ trong nhiều năm được giữ ở mức ổn định và có xu hướng tăng tự phát do người dân thấy cây nghệ được giá, dễ trồng, dễ chăm sóc và phù hợp với chất đất phù sa, cho năng suất cao. Nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư vốn, thuê thêm ruộng để trồng nghệ. Ví dụ như xã Chí Tân, trung bình mỗi hộ trồng 4 đến 5 sào, người trồng nhiều thì có 1 đến 2 mẫu nghệ. Năm nay nghệ được giá nên mỗi héc ta nghệ vàng cũng cho hiệu quả kinh tế trên 200 triệu đồng, cao không kém gì so với trồng một số cây ăn quả khác.

Tuy nhiên, hiện nay, phương thức mua bán vẫn chủ yếu là các thương lái về tận ruộng thu mua nghệ, qua nhiều cầu mới đến tay người sản xuất, người tiêu dùng, giá được đẩy lên ở mức cao trên thị trường tự do nên người nông dân mặc dù bán được giá so với các chi phí đầu vào nhưng thực tế là họ vẫn đang phải chịu thiệt. Giá nghệ tươi tại chợ đầu mối Đông Tảo (Khoái Châu) hiện đang dao động ở mức 12 đến 15 nghìn đồng/kg. Còn trên các sạp bán lẻ thì nghệ vàng có giá 20 nghìn đồng/ kg. Trong khi đó, trên ruộng, người trồng nghệ bán cho các thương lái với giá trung bình 8 nghìn đồng/kg, rẻ gấp 2,5 lần so với giá thị trường. Bên cạnh đó, do không chủ động được đầu ra nên người nông dân vẫn bị các thương lái ép giá, chịu cảnh giá cả bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào sự biến động của thị trường. Đó cũng là bài toán chưa có lời giải của đa phần nông dân khi họ chỉ làm ra sản phẩm mà không tìm kiếm được nguồn cầu ổn định. Chính vì vậy, để phát huy cao hơn nữa giá trị của cây nghệ vàng trên đồng đất Khoái Châu, giúp người nông dân ổn định giá cả, tập trung đầu tư KHCN vào sản xuất nghệ có chất lượng cao… trong thời gian tới, rất cần có sự hỗ trợ, định hướng của các cơ quan chức năng trong việc ổn định diện tích trồng nghệ, cũng như sự phối hợp của các nhà khoa học, các nhà máy chế biến, các đơn vị có nhu cầu thu mua, sản xuất nghệ với số lượng lớn… để người nông dân không còn phải phấp phỏng chờ đợi sự biến động của giá cả thị trường trong mỗi dịp thu hoạch nghệ như thực tế hiện nay. Sự bắt tay của nhà quản lý, nhà khoa học, nhà máy chế biến và người nông dân sẽ là lời giải cho bài toán tìm đầu ra ổn định cho cây nghệ trên đồng đất Khoái Châu./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực