Khởi sắc nông nghiệp Hưng Yên

Thứ năm, 13/12/2018 18:40
(ĐCSVN) –Chú trọng khai thác những tiềm năng, thế mạnh có sẵn, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có những bước phát triển đáng kể; góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Mô hình trồng nghệ vàng ở huyện Khoái Châu cho thu nhập 600 - 700 triệu đồng/ha. Ảnh NH

Với chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, tỉnh Hưng Yên đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên cơ sở đặc điểm, tình hình của từng địa phương; trong đó trọng tâm là phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, qua thống kê, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn9.000 ha đất lúa kém hiệu quả, sang trồng cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 5 lần so với cấy lúa. Đối với các cây trồng truyền thống, có nhiều lợi thế so sánh cao, như nhãn, quất cảnh…, các địa phương đã chú trọng đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới giống và kỹ thuật canh tác, giúp gia tăng thu nhập 10 - 25% so với cách làm cũ. Nổi bật có thể kể đến các mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cam đường Canh, cam Vinh ở xã Đồng Thanh (huyện Kim Động), vải lai U chín sớm ở các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến (huyện Phù Cừ); Mô hình chuyển đổi đất bãi chuyên ngô sang trồng chuối tây, chuối tiêu hồng, nghệ vàng ở các xã Tứ Dân, Đại Tập (huyện Khoái Châu), xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động)… Chị Nguyễn Thị Thu ở xã Đại Tập, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) phấn khởi cho biết: “Diện tích đất bãi của gia đình tôi trước đây chủ yếu canh tác ngô, lạc nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển sang trồng nghệ vàng, thu nhập của cả nhà đã được nâng lên; gia đình cũng có thêm điều kiện lo cho các con ăn học. Tôi cũng đã thuê thêm hơn 1 ha để mở rông diện tích trồng nghệ vàng”

Tìm hiểu được biết, với tiềm năng đất bãi bồi màu mỡ, tỉnh Hưng Yên đã dẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển các loại cây ăn quả. Do đó, nhìn chung các loại cây ăn quả đã tăng nhanh về diện tích và sản lượng với những giống cây trồng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao được phát triển trên diện rộng như: Nhãn lồng Hưng Yên, quýt Đường Canh, cam V2, bưởi Phú Diễn, bưởi Hoàng Trạch, chuối tiêu hồng, chuối tây… cho thu lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều địa phương hoàn thành dồn thửa đổi ruộng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo mô hình “cánh đồng lớn”; mô hình đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch đối với cây lúa cho hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà từ 8 - 20 triệu đồng/ha; vùng trồng ngô nếp cho thu lãi khoảng 70 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng bí cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, vùng trồng dưa chuột cho thu lãi khoảng 140 triệu đồng/ha/năm, nâng giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác năm 2015 đạt 150 triệu đồng, tăng hơn 5 lần so với năm 1997.

Cùng với đó, trong hoạt động sản xuất lúa gạo, đến nay Hưng Yên đã cơ bản cơ giới hoá được các khâu canh tác từ làm đất đến thu hoạch. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã thành lập được 85 HTX nông nghiệp kiểu mới. Bước đầu đã hình thành được một số mô hình sản xuất liên kết với doanh nghiệp bao tiêu, giúp nông dân tiêu thụ tốt sản phẩm, gia tăng thu nhập 10 - 20%. Điển hình là mô hình sản xuất lúa ở các xã Chính Nghĩa, Quang Hưng, Việt Hưng, Nhật Tân (tổng diện tích gieo cấy gần 500ha/vụ). Các địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng được trên 400 mô hình VietGAP, trên các loại rau ăn lá và cây ăn quả nhãn, vải, cam, tổng diện tích hơn 600ha.

 

Mô hình chuyên canh cam đường Canh, cam Vinh ở xã Đồng Thanh, huyện Kim Động. Ảnh NH


Đặc biệt, trên cơ sở các giải pháp đồng bộ, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Hưng Yên cũng đã đạt được sự phát triển toàn diện, hiệu quả. Trong giai đoạn 2013 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành chăn nuôi ước đạt 3,7%/năm. Riêng năm 2018 tổng đàn lợn ước đạt 600.000 con, đàn gia cầm 8,93 triệu con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 147.000 tấn (tăng 16,8% so với năm 2013). Tổng giá trị sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh ước đạt 5.700 tỷ đồng (tăng 19,3% so với năm 2013). Đến nay, qua khảo sát, hoạt động chăn nuôi nông hộ ở Hưng Yên đang chuyển đổi dần sang chăn nuôi gia trại, trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp. Bước đầu đã hình thành được một số mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa hộ chăn nuôi với doanh nghiệp, như liên kết giữa Vinamilk với các hộ chăn nuôi bò sữa huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động; liên kết giữa các trang trại chăn nuôi với đại lý cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y…

Trao đổi với báo chí, đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về "tam nông",  tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chuyển biến vượt bậc trong thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho nông dân. Toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 9.000ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, cho thu nhập cao gấp 5 lần, giá trị trên 1ha canh tác đạt hơn 170 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình cho lãi trên 500 triệu đến hàng tỷ đồng/ha mỗi năm… Công tác xúc tiến thương mại cũng được tiến hành thường xuyên, nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận chứng nhận nhãn hiệu tập thể như gà Đông Tảo, chuối tiêu hồng, nghệ Chí Tân (Khoái Châu), hoa cây cảnh Văn Giang, nhãn lồng, sản phẩm mật ong hoa nhãn (thành phố Hưng Yên), vải lai chín sớm Phù Cừ, rượu Lạc Đạo (Văn Lâm), chạm bạc Huệ Lai (Ân Thi)... Qua đó giúp kích cầu tiêu thụ sản phẩm cho các nhà nông.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Hưng yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiệu quả, cụ thể. Cùng với việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp. Đồng thời, chú trọng thực hiện chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích; phát triển đời sống người nông dân trên địa bàn toàn tỉnh./.

 

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực