Kim Động (Hưng Yên): Đồng bào giáo dân thi đua phát triển kinh tế

Thứ ba, 31/12/2013 17:27

Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể phát động, 5 năm qua (2007- 2012) phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo huyện Kim Động đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, mang lại thu nhập khá, nâng cao đời sống cho đồng bào giáo dân, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội chung của huyện.

 

Sản xuất ở Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trịnh Diện
(thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh)
 


Kim Động là địa phương có đông đồng bào Công giáo trong tỉnh với khoảng 4.190 giáo dân, chiếm 3,7% dân số toàn huyện. Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, những năm qua, đồng bào công giáo Kim Động đã đoàn kết thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, vượt khó vươn lên làm giàu bằng lao động sản xuất, phát triển kinh tế trên các lĩnh vực khác nhau. Các ban hành giáo, tổ đoàn kết, chức sắc và giáo dân trong huyện đã tích cực hưởng ứng, tham gia và thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động như: cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động và các phong trào thi đua yêu nước của các đoàn thể như: Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, Nông dân thi đua lao động sản xuất giỏi… Cùng với đó, những năm qua huyện và các địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, quan tâm tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển dịch vụ.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng bào Công giáo đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh nên năng suất, sản lượng nông sản hàng năm đều tăng, phong trào cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế theo mô hình VAC được giáo dân tham gia tích cực và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều hộ gia đình vừa kết hợp trồng cây vừa chăn nuôi cho thu nhập khá, đời sống ngày một nâng cao. Ngoài việc phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng bào giáo dân ở các giáo xứ, họ đạo đã xây dựng quỹ “Xóa đói giảm nghèo” để cùng với quỹ “Vì người nghèo”, quỹ từ thiện nhân đạo các cấp hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào Công giáo nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Hiện nay số hộ nghèo trên địa bàn huyện ngày càng giảm, số hộ giáo dân khá và giàu đang tăng lên đáng kể. Điển hình như hộ gia đình ông Bùi Văn Hà ở thôn Đông Khu, xã Đức Hợp trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu mỗi năm thu lãi khoảng 100 triệu đồng; công ty sản xuất gạch của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Ngọc Thanh cho thu lãi trên 200 triệu đồng/năm; trang trại VAC của gia đình ông Nguyễn Văn Vĩnh ở thôn Vĩnh Tiến, xã Đồng Thanh cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm… Anh Trịnh Đức Điển, Giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại Trịnh Diện, một giáo dân ở thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh cho biết: “Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và từ nguồn vốn của gia đình, năm 2000 tôi mở xưởng sản xuất các phụ liệu ngành giày da, may mặc. Đến năm 2008 thì phát triển thành công ty. Hiện nay công ty có khoảng 50 máy sản xuất đột, dập công nghiệp sản xuất các phụ liệu như cúc quần, khoen dây, khóa, móc giầy, nẹp xỏ dây, nút bấm… mang lại giá trị kinh tế khoảng 5 tỷ đồng/năm, mức lợi nhuận đạt 15 - 20%. Công ty giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng”.

Thôn Đông Khu, xã Đức Hợp là thôn Công giáo toàn tòng có trên 900 nhân khẩu, 1 giáo xứ, 1 nhà thờ Công giáo. Những năm gần đây, phát huy thế mạnh của vùng đất bãi, đồng bào Công giáo trong thôn thi đua phát triển kinh tế, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại thu nhập khá. Ông Phạm Văn Hiển, một giáo dân trong thôn nói: “Năm 2003, khi xã có chủ trương dồn thửa đổi ruộng và chuyển đổi cây trồng, gia đình tôi nhận thầu 2,3 mẫu ruộng và vay vốn đầu tư xây dựng trang trại, trong đó có  5 sào trồng cây giống, còn lại trồng nhãn thương phẩm. Mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 15 tấn nhãn bán với giá 20.000- 25.000 đồng/kg, 3 vạn cây giống cam, bưởi Diễn, táo, nhãn, hồng xiêm, xoài… bán với giá 50.000 đồng/cây. Ngoài ra, gia đình tôi chăn thả thêm 400 con gà, hàng năm xuất bán gần 5.000 con gà giống, khoảng 5 tạ gà thịt. Từ trang trại này, mỗi năm mang lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi khoảng 2 tỷ đồng”.

Ông Trần Hồng Thái, Phó phòng Nội vụ huyện Kim Động cho biết: “Cùng với đồng bào Công giáo tỉnh Hưng Yên, phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo huyện Kim Động cũng đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó nổi bật là phong trào thi đua phát triển kinh tế của đồng bào giáo dân. Sản xuất phát triển, đời sống của đồng bào Công giáo ngày càng được cải thiện tạo cơ sở, động lực để phát triển văn hóa, xã hội địa phương”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực