Làm giàu từ nuôi vịt

Thứ tư, 10/07/2013 09:52

Đi lên từ "đôi bàn tay trắng", gia đình anh Ngô Thế Hậu ở thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động) được người dân trong xã nhắc đến như một tấm gương điển hình từ tinh thần vượt khó. Bằng đôi tay lao động không ngừng nghỉ, tinh thần ham học hỏi, gia đình anh đã làm giàu từ nghề chăn nuôi vịt đẻ.

 

Anh Hậu đang chăm sóc đàn vịt của gia đình.
 (Nguồn: baohungyen.vn)
 

Trước khi đến với nghề chăn nuôi vịt, gia đình anh Hậu phải vất vả lo ăn từng ngày với những ruộng lúa của gia đình, “cấy thì nhiều đấy nhưng tiền chẳng thấy đâu, có những khi vợ tôi phải lên tận Hà Nội buôn bán kiếm tiền nuôi các con ăn học”- anh Hậu nhớ lại.

Năm 2007, khi mà phong trào nuôi vịt tại thôn chưa rầm rộ, có một vài hộ phát triển nghề chăn nuôi vịt với quy mô không lớn. Nhìn nhận, tính toán lợi ích từ việc chăn nuôi vịt mang lại, anh đã bàn với vợ vay tiền của ngân hàng chính sách xã hội và quỹ tín dụng nhân dân để lấy vốn phát triển nghề chăn nuôi vịt. Ban đầu anh phát triển đàn vịt của gia đình theo hướng lấy thịt và bán trứng. Do số vốn ít ỏi, diện tích chăn thả ít cộng với kinh nghiệm không có, gia đình anh đã gặp rất nhiều khó khăn, công sức bỏ ra thì nhiều nhưng lợi nhuận lại không được bao nhiêu. Nhưng không vì thế anh nản lòng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tìm hướng đi cho nghề chăn nuôi vịt, anh đã quyết định xin huyện cấp phép chuyển đổi đất cấy thành trang trại để mở rộng diện tích chăn nuôi. Được sự đồng ý của huyện, anh bắt tay vào thiết kế trang trại với sân bê tông, nhiều ô chuồng và ao tắm, sân phơi, chỗ ăn, chỗ ngủ, hệ thống cấp thoát nước bảo đảm vệ sinh tốt cho đàn vịt, chuồng trại xây thoáng mát để tránh vịt bị dịch bệnh. Ngoài ra anh còn khoan giếng nước để bảo đảm nguồn nước sạch cho đàn vịt; xây dựng 1 hầm bioga để tận dụng nguồn phân mà vịt thải ra hàng ngày để làm chất đốt và làm sạch môi trường.

Sau khi hoàn thiện trang trại, anh Hậu cũng quyết định chuyển hướng chăn nuôi đàn vịt từ bán thịt và trứng sang ấp nở để bán con giống. Để bảo đảm cho việc ấp nở, anh đã cải tạo một phần chuồng chăn nuôi của gia đình thành hệ thống 4 lò ấp công suất 4 vạn trứng/ngày. Đồng thời anh luôn quan tâm đến việc nghiên cứu đầu tư nâng cao chất lượng con giống. Nhờ kỹ thuật chăn nuôi tốt, ý thức vệ sinh phòng dịch chu đáo, tích cực áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, tuân thủ các quy trình sản xuất, đặc biệt là nắm bắt được những kiến thức cơ bản về chăn nuôi mà đến nay trang trại rộng hơn 5.400m2 của gia đình anh đã có gần 2.000 vịt đẻ, nhiều năm liền không xảy ra dịch bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, anh Hậu phấn khởi cho hay, vào vụ trứng, mỗi ngày đàn vịt đều đặn cho hơn 1.500 quả. Sau khi thu, trứng được chuyển vào lò trữ trứng tươi, chỉ 3 ngày là đủ một phiên ấp. Do có uy tín từ lâu nên vịt con ra lò đến đâu đều được thương lái tới tận nơi thu mua, nhiều khi khách phải đặt trước mới có hàng. Một năm gia đình anh xuất ra ngoài thị trường 25 vạn con vịt giống, chủ yếu xuất đi các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây… và các tỉnh lân cận. Phần còn lại anh cho đóng vào thùng giấy, đóng dấu kiểm dịch và vận chuyển vào các tỉnh miền Nam như: Long An, Đồng Tháp…những mối hàng là bạn làm ăn lâu năm của anh. Với giá thị trường hiện nay một con vịt giống khoảng 7-8 nghìn đồng/con, một năm đàn vịt của gia đình anh cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng. Trừ mọi chi phí gia đình anh thu lãi từ 280-300 triệu đồng mỗi năm.

 Nói về những “bí quyết” chăn nuôi thành công của gia đình mình, anh Hậu chia sẻ: “Để đàn vịt khỏe mạnh, cho năng suất trứng cao thì quan trọng nhất là khâu vệ sinh phòng dịch, cần phải có biện pháp tiêm phòng định kỳ, tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên. Ngoài ra phải chú ý đến chế độ ăn uống của vịt đẻ, cho vịt ăn đầy đủ, thức ăn có chất lượng cao để tăng sức đề kháng cho đàn vịt nuôi. Chuồng trại luôn thoáng mát, đồng thời quan tâm tới tỷ lệ vịt đực trong đàn để tỷ lệ đậu trứng cao. Sau mỗi năm nên tiến hành thay thế đàn vịt để năng suất và chất lượng trứng tốt hơn, việc ấp nở cũng phải cẩn trọng, để nền nhiệt ổn định theo từng mùa”... Nhờ biết cách tính toán hợp lý, cần cù lao động mà đến nay gia đình anh đã có thể chủ động đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, xây được nhà cửa khang trang, vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá trong xã.

Không chỉ làm giàu hiệu quả, anh còn giúp đỡ bà con trong địa phương bằng cách bán vịt giống trả chậm không lấy lãi. Đồng thời luôn chia sẻ và giúp đỡ kinh nghiệm về chăn nuôi cho bà con trong vùng. Nhờ vậy mà hiện nay trên địa bàn xã Phạm Ngũ Lão có rất nhiều trang trại chăn nuôi vịt theo mô hình nuôi nhốt khép kín như trang trại của gia đình anh.

Có thể nói, mô hình chăn nuôi vịt khép kín này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời cung cấp sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và an toàn cho người tiêu dùng nhờ giống vịt tốt, dễ nuôi, ít bệnh. Hơn nữa, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm thì việc phát triển mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm bảo đảm sức khỏe cho người nuôi, giảm tình trạng nuôi vịt chạy đồng, hạn chế rủi ro, lây lan dịch bệnh, không lệ thuộc mùa vụ là rất thiết thực, cần nhân rộng nhằm phát triển kinh tế gia đình, tạo sự ổn định trong chăn nuôi, quản lý được dịch bệnh, phát huy tiềm năng sẵn có tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho người dân./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực