Vụ nhãn năm nay được coi là được mùa lịch sử, tổng sản lượng nhãn quả toàn tỉnh ước đạt trên 40 nghìn tấn, tăng gấp gần 2 lần so với mùa nhãn năm trước và cùng kỳ nhiều năm. Ông Bùi Xuân Tám, một chủ vườn thâm canh nhãn có tiếng ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa có năm nào nhãn sai quả như năm nay, mặc dù đã cắt tỉa đi rất nhiều nhưng các cây nhãn trong vườn nhà quả vẫn sai bện vào, ở những cây nhãn tốt ăn đã cắt tỉa rồi cây lại bật mầm ra lớp hoa, quả mới”.
Đến các nhà vườn thâm canh nhãn ở Bình Minh, Hàm Tử, Đông Kết (Khoái Châu) đều thấy, vườn nào quả cũng trĩu sát mặt đất như sà vào lòng thương khách. Không chỉ được mùa nhãn ở các nhà vườn thâm canh cao, mà tất cả các rặng nhãn tự nhiên ven đường, các cây trồng lấy bóng mát trong cơ quan, công sở, trường học, các cây già cỗi trong vườn tạp đều có quả, ngay cả những cây nhãn chiết, nhãn ghép đang trong giai đoạn vườn ươm cũng ra hoa đậu một vài cân quả. Ở thời điểm thu hoạch rộ, mua nhãn trực tiếp của người làm ra chỉ 10 nghìn đồng 3kg nhãn nước, nhãn thóc, 10 - 12 nghìn 1 kg nhãn hương chi, 15 – 17 nghìn đồng 1 kg nhãn cùi, 20-25 nghìn đồng 1 kg nhãn đường phèn. Nhãn quả rẻ, nếu như năm trước giá trị 2 kg nhãn bằng 10 kg gạo thì năm nay phải 10 kg nhãn mới mua được 10 kg gạo - ông Đào Nguyên Thụy, nông dân xã Hồng Nam cho biết như vậy.
Có nhiều nguyên nhân làm cho nhãn rớt giá: Do được mùa kỷ lục, bởi không chỉ Hưng Yên mà cả miền Bắc được mùa nhãn, các vùng trồng nhãn tập trung lớn như: Sông Mã (Sơn La), Hà Tây (Hà Nội) đều được mùa, ngay cả các tỉnh lân cận Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương… cứ có cây là có quả, sản lượng nhãn quá lớn, lượng cung lớn hơn cầu nên giá trị giảm là qui luật tất yếu. Thêm vào đó, lượng nhãn quả đưa vào chế biến năm nay ít hơn nhiều so với các năm trước, đã tạo áp lực lên thị trường nhãn tươi làm quà khiến nhãn xuống giá từng ngày. Qua thực tế các lò sấy long nhãn trong khu vực, chúng tôi thấy do không thuê mướn được lao động nên trung bình các lò chỉ hoạt động được 50-60% công suất. Như mọi năm, mùa thu hoạch nhãn trùng với dịp học sinh nghỉ hè, là nguồn lao động tham gia bóc tách chế biến long nhãn chủ yếu, năm nay thời vụ thu hoạch quả chậm gần 1 tháng so với thường kỳ, nên đến đầu tháng 9 nhãn mới chớm thu hoạch rộ, thời điểm này các cháu học sinh đã tập trung đến trường, bước vào năm học mới, tạo ra sự thiếu hụt lao động trầm trọng trong khâu xoáy cùi quả chế biến long. Mặt khác, các vùng chuyên canh nhãn đã thiếu một chiến lược sản xuất kinh doanh tổng thể, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch, nên không tránh khỏi bị các tư thương trong và ngoài nước ép giá; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch hầu hết là thủ công, nhỏ lẻ, bị động bởi nguồn lao động; công tác tiếp thị, quảng bá tiêu thụ sản phẩm chưa được các cấp, ngành quan tâm đầu tư đúng mức, đã không tổ chức được Festival (lễ hội) nhãn, thì các hình thức quảng bá, tiếp thị sản phẩm khác cũng hầu như không có. Nhiều cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh muốn mua năm, bảy chục cân, hay một vài tạ nhãn làm quà biếu cũng rất khó tìm đúng địa chỉ để mua được sản phẩm như ý.
Từ thực tế được mùa rớt giá nhãn năm nay cho thấy, là vùng nhãn ngon có tiếng “Tiến vua” được cả nước biết đến, được thiên nhiên ưu đãi riêng điều kiện sinh thái lý tưởng trồng nhãn, chỉ có nhãn Hưng Yên mới có hương vị thơm đặc trưng không thể lẫn với nhãn bất kỳ nơi khác, nhưng nhãn Hưng Yên đang đứng trước nguy cơ suy giảm chất lượng. Để nâng cao giá trị sản phẩm nhãn Hưng Yên cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: Xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm, cơ bản nhất là cải tạo giống. Hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh đang còn một số giống nhãn ngon, được người tiêu dùng tìm mua với giá cao như nhãn cùi, nhãn đường phèn. Đặc biệt là nhãn đường phèn, quả nhỏ nhưng cùi dày màu trắng ánh nâu, vị ngọt sắc, thơm, hạt nhỏ, nhăn, màu nâu sáng. Giống nhãn này có nhược điểm hay ra quả cách năm, năng suất quả thấp. Tuy nhiên nếu như trước những năm 2000, chưa có nhiều tiến bộ kỹ thuật thâm canh nhãn, thì việc sử dụng giống nhãn hương chi là sự lựa chọn tốt nhất trong các nhà vườn chuyên canh cây ăn quả này, thì hiện nay chúng ta đã có rất nhiều tiến bộ kỹ thuật: ghép, điều khiển cây ra hoa đậu quả, bón phân cân đối… theo đó từng bước đưa tiến bộ kỹ thuật vào ghép cải tạo thay thế giống nhãn hương chi bằng các giống nhãn đặc sản như nhãn đường phèn, nhãn cùi. Để khắc phục hiện tượng cây ra quả cách năm có thể tác động bằng chế phẩm Kaliclorat (KClO3) hoặc kết hợp KClO3 với biện pháp thủ công truyền thống: Khoanh cành, xiết vỏ, chặn rễ… việc sử dụng KClO3 cho nhãn ra hoa đã được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc, Thái Lan và một số quốc gia khác, tùy tình hình thời tiết, khí tượng từng năm có thể chỉ thuần áp dụng kỹ thuật thủ công truyền thống hoặc không cần áp dụng biện pháp kỹ thuật nào như năm nay nhãn vẫn ra hoa đậu quả.
Được mùa rớt giá, còn là bài học để các địa phương, cơ sở, nhà vườn cân nhắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vì qua điều tra thực tế, chúng tôi thấy khá nhiều nhà nông đã và đang chuyển một phần diện tích cây ăn quả có múi và một số cây màu, cây ăn quả khác sang trồng nhãn sau khi thấy nhãn được giá năm 2010.