Năng động làm giàu

Thứ ba, 30/12/2014 13:59

Trưởng thành từ người lính của Tổng cục Hậu cần – Cục quân giới, sau 5 năm phục vụ trong quân đội, năm 1975, ông Nguyễn Trọng Tú (thị trấn Ân Thi, Ân Thi) chuyển về công tác ở xí nghiệp cơ khí Thống Nhất (Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. Do điều kiện kinh tế của gia đình còn nhiều khó khăn nên ông vừa làm việc tại xí nghiệp vừa tranh thủ bán thêm vật liệu xây dựng để kiếm “đồng ra đồng vào”. Tuy vậy, cuộc sống của gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn.

Năm 1994, ông mạnh dạn vay mượn tiền của anh em, bạn bè cộng với số tiền tích góp của gia đình thành lập doanh nghiệp tư nhân mang tên Xí nghiệp Xây dựng giao thông nông thôn với vốn pháp định ban đầu là hơn 150 triệu đồng cùng 1 kỹ sư và 12 công nhân. Song, do vốn mỏng nên xí nghiệp chưa đầu tư đủ cơ sở vật chất, máy móc như: máy ủi, máy xúc, máy lu... hầu như phải thuê. Cùng với đó, xí nghiệp lại chưa có tên tuổi nên không nhận được nhiều công trình. Khó khăn chồng chất khó khăn. Với vai trò là chủ xí nghiệp, ông Tú luôn trăn trở: Làm thế nào để duy trì hoạt động của xí nghiệp? Làm thế nào để bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động?... Không nản chí, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông tích cực tìm kiếm, nhận làm những công trình nhỏ, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và tìm kiếm khách hàng. Với các công trình nhận được như: đường giao thông liên thôn, liên xã, trường học, trụ sở UBND… Xí nghiệp đều xây dựng bảo đảm chất lượng, tiến độ, được chủ đầu tư và nhân dân đánh giá cao. Uy tín được khẳng định đã tạo nên thương hiệu cho xí nghiệp. Nhiều đơn vị tìm đến làm hợp đồng, giao công trình cho xí nghiệp.

Khi đã có chỗ đứng trong lĩnh vực xây dựng, làm ăn bắt đầu có lãi, ông lại tiếp tục vay vốn ngân hàng để đầu tư trên 20 loại máy móc phục vụ sản xuất. Năm 1997, vốn pháp định của xí nghiệp tăng lên trên 400 triệu đồng. Đến năm 2004, từ xí nghiệp Xây dựng giao thông nông thôn, ông Tú vận động các cổ đông góp thêm vốn thành lập công ty TNHH Thịnh Hưng với số vốn pháp định là 9 tỷ đồng. Đến nay, Công ty TNHH Thịnh Hưng đã có chỗ đứng trong ngành xây dựng. Số lượng hợp đồng xây dựng công ty nhận được ngày một nhiều. Hiện, công ty tạo việc làm cho 10 người có trình độ đại học – cao đẳng, trên 40 công nhân kỹ thuật lao động thường xuyên và hàng trăm lao động phổ thông với mức thu nhập từ 3,5 – 7 triệu đồng/người/ tháng.

Bên cạnh phát triển kinh tế, ông Tú cũng luôn quan tâm đến đời sống công nhân. Trong lao động, công nhân được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động, được đóng bảo hiểm... Khi công nhân mắc bệnh nặng, ông thường dành thời gian đến thăm hỏi, động viên. Ông còn cho công nhân vay tiền tu sửa nhà, mua phương tiện đi lại không lấy lãi để người lao động yên tâm sản xuất. Cùng với đó, ông còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội của địa phương. Hàng năm, ông đóng góp hàng trăm triệu đồng ủng hộ các loại quỹ của địa phương như Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học, ủng hộ xây nhà cho hội viên Hội Cựu chiến binh nghèo...

Từ những việc làm trên, cá nhân ông Tú và tập thể công ty đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương trao tặng. Năm 2009, công ty nhận bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 07 của Bộ chính trị khóa VIII về công tác xây dựng Đảng và đoàn thể công nhân trong công ty. Cá nhân ông được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu – Gia đình Cựu chiến binh văn hóa” giai đoạn 2004 – 2009; Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng giấy khen về công tác dân vận khéo năm 2009; Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng giấy khen có thành tích tiêu biểu trong 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực