(ĐCSVN)- Thực hiện Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2010 – 2015. Trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, mặc dù gặp nhiều khó khăn. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn của các cấp, các ngành và nông dân trong tỉnh, sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Trong đó: Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, chuyển đổi mạnh sang hướng hàng hoá chất lượng cao và giá trị kinh tế cao, sản xuất lúa liên tục được mùa, chất lượng và hiệu quả được nâng cao, tăng trưởng bình quân gần 2%/năm. Thu nhập trên 1 ha canh tác đạt trên 150 triệu đồng. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt khoảng 108 nghìn ha, năng suất lúa bình quân 64 tạ/ha/vụ.
Để có được kết quả này, Ngay sau Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành NQ số 05 về chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 05 về phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020. Để triển khai thực hiện các nghị quyết và kết luận trên, UBND tỉnh đã phê duyệt 06 quy hoạch ngành, 01 chương trình, 03 đề án và 05 dự án. Đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ SXNN, ứng dụng tiến bộ KHKT, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa…Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong điều hành tổ chức thực hiện nên SXNN trong những năm qua được mùa trên các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng khá. Nhận thức của nông dân chuyển biến tích cực từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung và có hiệu quả kinh tế cao. Trong những năm qua, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế được hình thành như: Sản xuất lúa chất lượng cao ở Mỹ Hào, Yên Mỹ, Ân Thi, một phần ở Kim Động, Tiên Lữ; cây ăn quả ở Văn Giang, Khoái Châu, TP. Hưng Yên..; hoa, cây cảnh ở Văn Giang. Một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ được hình thành như mô hình sản xuất lúa gạo Nhật bản ở các huyện Mỹ Hào, Kim Động; mô hình trồng dưa chuột xuất khẩu ở huyện Tiên Lữ… Đặc biệt, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 6.000 ha từ trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa. Sản xuất NN bước đầu có quy mô tập trung, phát triển các hàng hóa chủ lực của tỉnh, gắn kết với thị trường, hướng tới xuất khẩu.
Cùng với áp dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến, nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng và có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất như: Nhãn, vải lai, quýt đường canh, cam vinh, chuối tiêu hồng,… đã góp phần tăng giá trị sản xuất trên 01 ha canh tác ( năm 2010: 108 triệu đồng, năm 2015 đạt trên 150 triệu đồng)
Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 3,3%, ngành thủy sản 6,7%, cơ cấu giống chuyển đổi tích cực theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nên tổng đàn lợn và trâu bò tuy giảm nhẹ nhưng sản lượng thịt hơi vẫn tăng 12%. Hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và hướng đến xuất khẩu được tăng cường, đẩy mạnh. … Năm 2015, đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức Hội nghị XTTM sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên, phối hợp với Sở NN & PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị hợp tác xúc tiến thương mại để các cơ sở sản xuất của tỉnh giới thiệu những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ đến với các doanh nghiệp, kênh bán lẻ, phân phối lớn của thủ đô Hà Nội để thúc đẩy liên kết sản xuất – tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến nay đã có 4 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhãn hiệu tập thể là Tương Bần, quất cảnh Văn Giang, nhãn lồng Hưng Yên, gà Đông Tảo.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Sau 4 năm thực hiện, tổng nguồn vốn đã huy động đạt gần 40 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp 16 nghìn tỷ đồng. Một trong những giải pháp quan trọng nổi bật và đem lại hiệu quả cao là trong quy hoạch sử dụng đất đã dành 3 ha đất ở mỗi xã; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở, lấy vốn xây dựng nông thôn mới, bên cạnh chủ trương xử lý đất dôi dư (bước đầu thu được hơn 1650 tỷ đồng); hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn và đường ra đồng. Đến hết năm 2015, bình quân toàn tỉnh đạt 14,7 tiêu chí/xã, có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Với mục tiêu đại hội 18 Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 là phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Vì vậy những thành tựu của ngành nông nghiệp trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 sẽ là nền tảng để toàn ngành tiếp tục phát huy lợi thế thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, áp dụng khoa học công nghệ thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đề ra.