Thứ năm, 02/10/2014 13:52 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Tham gia công tác thú y từ năm 2000, gần 14 năm gắn bó với ngành thú y cơ sở, những kinh nghiệm có được trong việc đi tiêm phòng, điều trị, ông Nguyễn Hồng Đào, xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đã giúp rất nhiều hộ chăn nuôi trong xã về công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như điều trị cho gia súc, gia cầm ốm trên địa bàn xã cũng như các xã lân cận.
Ông Đào cho biết: Để có thể phòng, chống không để dịch bùng phát và lây lan thì công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi về các biện pháp phòng, chống dịch cũng như chăn nuôi an toàn sinh học là rất quan trọng, nhất là phải tuân thủ nghiêm lịch tiêm phòng định kỳ. Vì vậy mỗi khi có lịch tiêm phòng của trạm thú y chuyển xuống ông Đào đều chủ động tham mưu với UBND xã triển khai nhanh chóng công tác tiêm phòng như thông báo lịch, thời gian và địa điểm tiêm tới tận nơi cho các hộ chăn nuôi nắm bắt được kế hoạch tiêm phong của xã, nhờ vậy mà công tác tiêm phòng cho gsgc được triển khai nhanh chóng, tỷ lệ tiêm đạt từ 97 đến 99% tổng đàn.
Song song với công tác tiêm phòng, ông Nguyễn Hồng Đào còn thường xuyên viết bài tuyên truyền phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã về mức độ nguy hiểm của dịch cúm gia cầm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở từng thời điểm, đặc biệt là việc chủ động tiêm phòng vác xin cúm AH5N1. Để nắm bắt tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, Ông thường xuyên đến thăm và nắm bắt tình hình chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi lớn, hướng dẫn các hộ về cách chăm sóc và phòng dịch bệnh cúm gia cầm. Đồng thời đề nghị các hộ chăn nuôi không giấu dịch, không bán chạy gia cầm khi dịch xảy ra.
Ở cái tuổi 65, nhưng ông Đào vẫn rất tâm huyết với nghề thú y, ông thường đọc báo, nghe đài sưu tầm những kinh nghiệm hay về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi cũng như dịch cúm gia cầm để tuyên truyền, giúp người chăn nuôi nắm bắt được thêm nhiều thông tin, từ đó chủ động vệ sinh phòng dịch cho đàn vật nuôi của gia đình. Nhiều năm nay đàn vật nuôi của xã Hồng Vân luôn phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra, nhiều hộ còn ổn định kinh tế, làm giầu từ nghề chăn nuôi. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Nguyễn Hồng Đào – Người “gác cửa” chăn nuôi.