Người giáo viên tận tụy với nghề

Thứ tư, 10/07/2013 09:54

Tác phong nhanh nhẹn, cách nói chuyện cuốn hút là ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, giáo viên trường Tiểu học Hồng Nam (thành phố Hưng Yên).

 

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trường Tiểu học
Hồng Nam, thành phố Hưng Yên có nhiều sáng tạo
 trong dạy học. (Nguồn: baohungyen.vn)
 

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô đã mang trong mình ước mơ được trở thành cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ. Ước mơ ấy trở thành hiện thực khi năm 1991 cô tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Hải Hưng, được phân công về dạy ở trường Tiểu học Tân Hưng (Tiên Lữ). Những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô gặp không ít khó khăn trong việc truyền thụ tri thức cho học sinh. Làm thế nào để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn giảng dạy? Làm thế nào để tiết học trở nên hấp dẫn? Làm thế nào để học sinh hiểu bài dễ dàng?... là những câu hỏi luôn trăn trở trong suy nghĩ của cô. Cô không ngừng học hỏi kinh nghiệm qua đồng nghiệp, tích cực tham khảo tài liệu, tìm phương pháp giảng dạy, truyền thụ kiến thức làm sao cho hiệu quả nhất đến học sinh. Cô chia sẻ: "Trẻ em ở bậc học tiểu học thường nhận thức từ trực quan đến tư duy trừu tượng. Người giáo viên phải hiểu được tâm lý của học sinh, kết hợp hài hoà giữa học và chơi, giữa những kiến thức dạy trong sách vở và liên hệ thực tế, tạo cho trẻ hứng thú khi tiếp thu bài giảng. Vì vậy, trước khi lên lớp tôi luôn chú trọng tới khâu chuẩn bị giáo án, đồ dùng học tập, đồ dùng dạy học sinh động sẽ giúp học sinh say mê học tập, hiểu đúng, hiểu sâu và biết cách vận dụng kiến thức vào thực tế."

Năm 2005, cô chuyển về giảng dạy ở trường Tiểu học Hồng Nam (thành phố Hưng Yên). Trong quá trình giảng dạy, cô Thúy nhận thấy đồ dùng dạy học trong nhà trường thiếu rất nhiều, nếu có thì cũng đã cũ, thậm chí hỏng, không đáp ứng được việc dạy và học. Do đó, cô luôn suy nghĩ, tìm tòi để đưa những hình ảnh trực quan đến với học sinh trong từng bài học, từng tiết giảng. Những bông hoa, chiếc lá trong vườn nhà, những vật liệu tưởng chừng bỏ đi... nhưng nếu biết sử dụng hợp lý có thể trở thành dụng cụ để minh họa cho bài giảng. Trong năm học vừa qua, cô Thúy đã dành nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu, sáng tạo ra bộ đồ dùng dạy học “Sơ đồ vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên”. Bằng kiến thức chuyên môn vững vàng, cô đã sáng tạo thêm phần động: tạo hơi nước và mưa… bằng những vật liệu như vỏ chai, ống nước… Đồ dùng dạy học giàu tính thực tiễn khiến kiến thức khô khan trong bộ môn Khoa học lớp 4 trở nên hấp dẫn, phù hợp với tư duy, nhận thức của học sinh. Ưu điểm của bộ đồ dùng dạy học này là chi phí làm không tốn kém; nguyên vật liệu dễ tìm; đồ dùng dễ sử dụng, khi mất điện hay có điện đều sử dụng được; có thể vận dụng được cho giáo viên ở tất cả các vùng, miền... Đặc biệt, bộ đồ dùng dạy học này không chỉ có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng dạy học mà còn góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch. Sản phẩm đã đạt giải A tại Hội thi và triển lãm đồ dùng dạy học tự làm cấp Tiểu học lần thứ nhất do Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên tổ chức mới đây.

Sự cố gắng, tận tụy trong nghề của cô còn được ghi nhận bằng sự tiến bộ của học sinh và những thành tích cá nhân như Giải 3 Hội thi “Phát âm chuẩn, viết chữ đẹp” cấp thành phố năm 2010 – 2011; Giấy khen của Sở GD và ĐT năm học 2010 – 2011; Giải Nhì giáo viên dạy  giỏi cấp thành phố năm học 2011 – 2012… 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực