Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát trong chương trình Khách mời Văn nghệ sỹ do Đài PT&TH Hưng Yên tổ chức sản xuất
“Con gái Hưng Yên với ta là nhất”
Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết bà sinh ra ở làng quê Phú Thị, Mễ Sở, Văn Giang. Từ nhỏ cô bé Ngát đã thấy làng quê mình rất đẹp, nhiều đền đài, chùa chiền, gần khu di tích Đa Hòa gắn liền với huyền thoại về thiên tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung, có dòng sông Hồng lúc hiền hòa, lúc vạm vỡ dâng trào. “Nuôi dưỡng tâm hồn tôi là mảnh đất Hưng Yên này”, Hồng Ngát chia sẻ.
Yêu quê hương tha thiết, Hồng Ngát cũng rất yêu con người nơi đây, nhất là con gái Hưng Yên. Đối với bà con gái tỉnh nào cũng đẹp nhưng con gái Hưng Yên đẹp nhất: “Bởi vì bao giờ cũng có sự thiên vị vì mình sinh ra trên mảnh đất này, mình yêu mảnh đất này”.
Nhà thơ Hồng Ngát chia sẻ về sự ra đời của bài thơ "Thơ vui về con gái Hưng Yên"
Từ đó bà đinh ninh rằng mình phải viết một cái gì đấy về Hưng Yên. Đến năm 1997 Hưng Yên được tái lập từ tỉnh Hải Hưng. Mảnh đất này lại được mang tên Hưng Yên như ngày xưa, lại trở về với mảnh đất, con người, văn hóa, phong tục như trước. “Trong niềm vui mừng ấy, tự nhiên có một sự hào hứng và như trời cho tôi ngồi viết luôn 1 mạch bài “Thơ vui về con gái Hưng Yên”, tác giả chia sẻ.
Sở dĩ tác giả lấy nhan đề là “thơ vui” vì thứ nhất là niềm vui của ngày tái lập tỉnh, thứ hai là người Hưng Yên cũng rất hài hước, vui tính. “Trong bài thơ này bên cạnh việc ca ngợi những nét đẹp của con gái Hưng Yên tôi cũng thể hiện sự vui tươi, dí dỏm của họ”, nhà thơ Hồng Ngát bày tỏ.
Và trong dòng hồi tưởng thấm đẫm tình yêu với quê hương Hưng Yên, tác giả Hồng Ngát đã tự đọc tặng khán giả Hưng Yên bài thơ “Thơ vui về con gái Hưng Yên”.
Cùng có mặt trong chương trình là NSND Thanh Hoài, người bạn thân của Nguyễn Thị Hồng Ngát từ khi hai người cùng học ở trường Sân khấu trung ương hơn 50 năm trước
NSND Thanh Hoài đã ngâm một số bài thơ của nhà thơ Hồng Ngát, trong đó có những bài rất xúc động như "Dâng mẹ"
Đa tài, đa zi năng trong lĩnh vực điện ảnh
Trong buổi giao lưu, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết lúc đang học tại trường Cấp 3 Văn Giang thì trường Sân khấu trung ương về tuyển diễn viên chèo và cô bé Ngát 15 tuổi đã trúng tuyển.
Tốt nghiệp trường Sân khấu, Hồng Ngát về công tác tại Nhà hát Chèo trung ương trong 12 năm (1968 – 1980), từng tham gia đoàn văn công tại Trường Sơn do NSND Hoàng Kiều (một người con của quê hương Phù Cừ, cha của nhạc sỹ Giáng Son, vừa mới qua đời) làm trưởng đoàn.
Sau đó bà được sang Liên Xô để đào tạo về biên kịch sân khấu ở Kiev nhưng cơ duyên lại đưa bà đến với biên kịch điện ảnh. Tốt nghiệp đại học loại ưu ở Liên Xô, Hồng Ngát về công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam, cánh chim đầu đàn của điện ảnh nước nhà.
Đông đảo khán giả đến tham dự chương trình
Trong lĩnh vực điện ảnh, Nguyễn Thị Hồng Ngát là một người đa tài, đa zi năng và thành công trong nhiều vai trò khác nhau. Trong đó nổi bật là vai trò nhà biên kịch. Bà là tác giả kịch bản của 2 bộ phim nổi tiếng “Canh bạc” (1993) và “Dã tràng xe cát biển Đông” (1996) cùng hàng loạt bộ phim khác như "Một thời đã sống", "Cha tôi và hai người đàn bà", "Trăng trên đất khách", "Ký ức Điện Biên" ( viết chung vời Đỗ Minh Tuấn, "Gương trời", "Biên cương" ...
Nhà biên kịch Hồng Ngát tâm sự: “Nghề biên kịch là nghề rất cô đơn, chỉ có thể viết kịch bản 1 mình. Lại cần phải yên tĩnh, thoải mái. Chính vì vậy tôi hay về quê để viết kịch bản”.
Bà là nhà sản xuất của phim “Đừng đốt” (2009, đạo diễn Đặng Nhật Minh) tái hiện đầy xúc động “Nhật ký Đặng Thùy Trâm trên màn ảnh. Đang từ 1 nhà sáng tác chuyển sang làm nhà sản xuất phải đi xin tiền rồi về phải quản lý. “Vô cùng phức tạp, như bà chủ 1 gia đình đông con đến hàng trăm đứa. Cả 3 yếu tố nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế trong 1 bộ phim mà tôi phải làm”.
Nhà biên kịch Hồng Ngát trải lòng về chuyện nghề
Năm 2014, bà gây ấn tượng với vai trò đạo diễn phim "Gương trời ". Phim được quay chủ yếu tại vịnh Hạ Long, là những thước phim cuối cùng về làng chài Cửa Vạn nay không còn do phải nhường cho dự án phát triển du lịch.
“Tôi làm đạo diễn phim này là do bất đắc dĩ. Phim thể hiện quan điểm khác biệt, không được tỉnh Quảng Ninh ủng hộ nên kinh phí rất hạn hẹp. Vì vậy để tiết kiệm chi phí sản xuất nên tôi kiêm luôn vai trò đạo diễn”, nhà biên kịch Hồng Ngát bộc bạch.
Trong vai trò quản lý, bà từng giữ chức Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, Cục phó Cục Điện ảnh. Hiện nay, tuy đã nghỉ hưu 11 năm, bà vẫn là thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia và là Phó Chủ tịch thường trực hội Điện ảnh Việt Nam.
Trong vai trò nhà quản lý, bà cảm thấy rất buồn vì cả nước có hơn 400 hãng phim mà mỗi năm chỉ sản xuất được 40 phim truyện nhựa. Đã vậy lại nhiều phim nhảm, phim ma không có tính tư tưởng, định hướng giáo dục cho khán giả, chỉ mang tính giải trí rẻ tiền.
Hồng Ngát cho rằng điện ảnh Việt Nam đang ở trong cái guồng “ngổn ngang văn hóa”. “Cần phải đi về hướng nhân văn thì người ta mới biết xúc động, xã hội mới bớt việc xấu, việc ác”, Hồng Ngát bày tỏ.
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát giao lưu với khán giả Hưng Yên
Nhìn lại những vai trò quan trọng đôi khi bất đắc dĩ ấy, Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết bản thân bà cũng không hiểu vì sao mình làm được như vậy? “Con gái Hưng Yên mình cứ như bị giời thử thách ấy, không được cho nhàn. Muốn được nhàn thì tự nhiên lại bị vứt đánh uỵch xuống cạnh cái hố rất sâu bắt nhảy qua”, bà cười.
Đây là lần đầu tiên nhà thơ, nhà biên kịch Hồng Ngát về quê giao lưu với khán giả Hưng Yên
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát sinh ngày30 tháng 10năm1950, quê ở thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyệnVăn Giang, tỉnhHưng Yên. Từ năm 15 tuổi, bà đã được tuyển vào học tại trường Sân khấu Việt Nam. Bà khởi nghiệp là diễn viên chèo, rồi biên kịch tại Nhà hát chèo Trung ương (1968-1980). Năm 1980 bà được học bổng du học tại Liên Xô cũ. Tốt nghiệp đại học loại ưu và về làm việc tại hãng phim truyện VN. Từ 1987 làm Trưởng phòng biên kịch, rồi Giám đốc hãng phim Thanh thiếu nhi, thuộc Hãng phim truyện Việt Nam, uỷ viên Ban chấp hành Hội văn học Hà Nội (1990 - 1995). Từ 8-1995 là uỷ viên Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng ban lý luận phê bình của Hội.Sau làm giám đốc hãng phim truyện VN. Chức vụ hành chính cuối cùng của bà là Cục phó Cục điện ảnh. Hiện nay, bà là thành viên trong Hội đồng duyệt phim quốc gia và là Phó Chủ tịch thường trực hội Điện Ảnh VN. Bà được nhận Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012, Huân chương Lao động hạng nhất năm 2017. Thơ đã xuất bản: Trái cam vàng (1973) Thơm hương mái tóc (1982) Nhớ và khát (1984) Ngôi nhà sau cơn bão (1990) Hai lần sống một mình (1990) Bài ca số phận (1993) Người muôn năm cũ (1994) Thơ tình chọn lọc (1996) Cỏ thơm mây trắng (2013) Phim: Canh bạc (1993) Dã tràng xe cát biển Đông (1995) |