Những đổi mới của nông nghiệp Hưng Yên sau 15 năm tái lập tỉnh

Thứ bảy, 26/11/2011 20:59

(ĐCSVN) - Cùng với thành tựu chung, 15 năm qua, với sự quan tâm của tỉnh và sự nỗ lực của nông dân, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng ngày càng rộng rãi, diện mạo nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã có nhiều khởi sắc, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và nâng cao đời sống nông dân

Năm 1997, dù diện lúa của Hưng Yên đạt gần 90 nghìn hécta nhưng năng suất và chất lượng chưa cao. Chính vì vậy, sau khi được tái lập, tỉnh đã xác định giống và thời vụ là một trong những yếu tố quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Từ đó tỉnh đã đầu tư triển khai đồng bộ hiệu quả dự án sản xuất giống lúa, và đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2011-2015.
 

 
Nhờ áp dụng KHKT và gieo trồng giống mới nên năng suất lúa ngày một tăng cao, đời sống người nông dân được đảm bảo 

Qua khảo nghiệm, trình diễn Hưng Yên đã lựa chọn, bổ sung được từ 1- 3 giống tốt mỗi năm vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, đã chủ động được trên 70% nhu cầu giống lúa tốt cho sản xuất đại trà, đưa diện tích cấy giống lúa chất lượng và có giá trị kinh tế cao từ 14,6% năm 1997 lên 54,5% năm 2011. Diện tích gieo trồng lúa lai tăng vài trăm hécta/năm, đến nay đạt hàng ngàn hécta/vụ. Các giống lúa lai đã phát huy tốt ưu thế như: cứng cây, chống đổ, ít sâu bệnh hại, và có năng suất cao, chất lượng gạo ngon.

Bên cạnh đó, cơ cấu giống, trà vụ đã đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng tích cực. Vụ Đông Xuân đã từng bước chuyển sang chủ yếu gieo cấy trà lúa xuân muộn, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh cao. Phương thức gieo cấy cũng thay đổi nhanh: gieo thẳng và cấy bằng mạ non, mạ nền cứng từng bước mở rộng. Đã áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh nên năng suất lúa tăng nhanh, năm 1997 đạt 10,2 tấn/hécta/năm, đến 2011 đạt trên 12,8 tấn/hécta/năm. Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cho năng suất cao.

Đánh giá về chất lượng lúa và năng suất đạt được trong những năm qua, ông Nguyễn Văn Bẩy, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh, huyện Kim Động cho biết: “Do áp dụng khoa học kỹ thuật, gieo trồng giống mới nên năng suất lúa ngày càng được nâng cao, đảm bảo về giống, chất lượng gạo ngon, được giá. Mấy năm gần đây năng suất lúa đạt cao, nông dân phấn khởi…”.

Đối với cây ăn quả, năm 1997 diện tích một số cây ăn quả chính khoảng 6.000hécta, năng suất nhãn, vải không ổn định. Đến năm 2011 diện tích cây ăn quả là hơn 6.400 hécta, sản lượng nhãn đạt hơn 34.000 tấn. Nhờ tích cực cải tạo giống nhãn nên năng suất và chất lượng cũng được cải thiện rõ rệt. Đến nay đã hình thành 3 trà nhãn sớm, nhãn trung và nhãn muộn, từ đó kéo dài thời gian thu hoạch, góp phần hạn chế tình trạng được mùa rớt giá, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nhãn, xử lý được tình trạng nhãn ra hoa cách năm..

Thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên đã và đang được
nhiều người ưa chuộng

Diện tích cam, quýt, bưởi tăng nhanh, từ chỗ chỉ có 620 hécta năm 1997, đến năm 2011 là trên 2 nghìn hécta; sản lượng đạt 20.000 tấn. Chuối tiêu hồng, chuối tây từ trồng nhỏ lẻ bằng chồi đến nay đã áp dụng công nghệ nuôi cấy mô và diện tích được mở rộng nhanh ở đất bãi. Diện tích hiện đã đạt trên 1.200 hécta, hiệu quả trồng chuối đã cho thu nhập trên 300triệu đồng/hécta/năm. Cùng với đó là phát triển vùng trồng ngô, hoa cây cảnh ở Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động. Đồng thời trong các khâu sản xuất được cơ giới hoá như: làm đất, công cụ sạ hàng gieo cấy, tuốt lúa vv…

Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi của tỉnh đạt trung bình 7%/năm; công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.v.v.. được đặc biệt chú trọng và thực hiện tốt. Nhờ thực hiện có hiệu quả chương trình sind hoá đàn bò nên đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, năm 1997 đàn bò có 37.000 con, năm 2011 có khoảng 45.800 con, tỷ lệ sind hoá đạt 95%. Đàn bò sữa phát triển ổn định, tổng đàn năm 2011 đạt 780 con, sản lượng sữa đạt trên 2.000 tấn.

Chăn nuôi lợn phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và nạc hoá, nhiều trang trại chăn nuôi với số lượng lớn phát triển, đặc biệt là lợn hướng nạc. Năm 2011, toàn tỉnh có khoảng 672.000 con, gấp đôi so với năm 1997. Tỷ lệ lợn hướng nạc tăng lên 65%, trong đó khoảng 25% chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng cao, năm 1997 là gần 26 nghìn tấn, năm 2011 khoảng 92 nghìn tấn, bình quân tăng 9,9%/năm.

Sản xuất thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Nhiều loại thủy sản mới được đưa vào nuôi trồng như: Cá rô phi đơn tính, baba, cá chim trắng, chép lai 3 màu, cá trắm các loại. Trình độ kỹ thuật nuôi trồng được nâng cao và nhân rộng, tỷ lệ diện tích nuôi trồng thâm canh tăng mạnh.

Nhờ thực hiện tốt việc dồn ô đổi thửa và chuyển đổi ruộng đất, vì vậy kinh tế trạng trại, gia trại được chú trọng đã phát triển, phát huy hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao đời sống người nông dân. Toàn tỉnh có 2.500 trang trại đạt tiêu chí của liên Bộ. Nhiều trạng trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Toàn tỉnh hiện có 2.500 trang trại đại tiêu chí của liên Bộ

Để sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, có cơ cấu hợp lý, sức cạnh tranh cao và hiệu quả xã hội, chủ động hội nhập kinh tế thì ngành nông nghiệp Hưng Yên cần rất nhiều sự đầu tư của Nhà nuớc, sự nỗ lực của nông dân. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế để đạt được các mục tiêu đề ra;

Nói về phương hướng, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp Hưng Yên trong những năm tới, ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, “tỉnh Hưng Yên có thế mạnh về nông nghiệp, vì vậy phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ lớn. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ như: Tiếp tục xây dựng các quy hoạch của ngành để nông nghiệp tỉnh đáp ứng được xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hình thành các tổ chức sản xuất mới, kiện toàn các hợp tác xã, các doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao trình độ sản xuất thâm canh của bà con nông dân; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện tốt các đề án đã trình UBND tỉnh đặc biệt là chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, xây dựng nông thôn mới và đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và dự án sảm xuất giống lúa...”.

Hy vọng với các giải pháp tích cực, cùng với sự sáng tạo cần cù của nông dân, diện mạo ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên sẽ phát huy mọi tiềm năng sản xuất, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người nông dân./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực