Những khó khăn trong kiểm soát mất cân bằng giới tính ở Hưng Yên
Thứ tư, 29/10/2014 11:03 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Mặc dù thời gian qua các ngành chức năng, và chính quyền sở tại luôn đẩy mạnh công tác truyền thông dân số kế hoạch hóa gia đình, song tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn diễn ra, và ngày càng có xu hướng tăng cao.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hà, là đảng viên trường mầm non xã An Vĩ, huyện Khoái Châu. Mặc dù chị Hà đã sinh được hai cháu, song đều là gái nên vừa qua chị quyết định sinh thêm một bé trai, dù cho bản thân chị và gia đình đã lường trước được việc sẽ bị khiển trách, kỷ luật tại nơi chị công tác và địa phương như không xét khen thưởng, nâng lương trong năm, thậm chí chị sẵn sàng nộp phạt.
Như vậy khó khăn đầu tiên trong kiểm soát mất cân bằng giới tính tại nhiều địa phương phải kể đến việc thay đổi trong nhận thức của người dân, khi tư tưởng trọng nam đã hằn sâu trong nếp nghĩ của bao gia đình, dòng họ. Trong đó tồn tại một bộ phận là cán bộ, đảng viên không gương mẫu chấp hành trở thành những hình ảnh không đẹp gây khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Là một trong những huyện có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao tại tỉnh Hưng Yên, 9 tháng đầu năm huyện Khoái Châu có tỷ lệ giới tính khi sinh là 124 nam/100 nữ, trong đó đứng đầu về mất cần bằng giới tính tập trung ở các xã An Vĩ, Bình Minh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, 9 tháng đầu năm nay tính riêng bệnh viên sản nhi của tỉnh có gần 4900 trẻ được sinh ra trong đó số lượng bé gái là 2270 trẻ, và nam chiếm tới 2580 trẻ. Với việc phát triển rầm rộ các hình thức siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi như hiện nay đang trở thành một vấn đề báo động, hệ lụy của nó đang làm phá vỡ cấu trúc dân số, tạo gánh nặng lên kinh tế - xã hội tại địa phương.
Một khó khăn nữa dẫn đến thực trạng trên là kinh phí cho công tác dân số kế hoạch hóa gia đình thấp, theo báo cáo của chi cục dân số - Kế hoạch gia đình tỉnh so với năm 2013, nguồn kinh phí để duy trì các hoạt động bị cắt giảm trên 40%. Thêm vào đó đội ngũ cán bộ dân số tại các địa phương chưa được tuyển dụng vào viên chức xã nên khó có thể yên tâm công tác và nâng cao chất lượng chuyên môn, đội ngũ cộng tác viên dân số tại nhiều địa phương chưa phát huy được hiệu quả.
Nếu năm 2013 toàn tỉnh ta có tỷ lệ giới tính khi sinh là 119 nam/100 nữ, đến nay sau 9 đầu năm tỷ lệ mất cân bằng giới tính đã lên đến 121 nam/100 nữ. Các huyện có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao phải kể đến huyện Kim Động 127 nam/100 nữ, huyện Văn Giang là 126/100, huyện Văn Lâm 125/100, huyện Khoái Châu 124 nam/100 nữ.
Khi đến các địa phương tìm hiểu khó khăn trong việc kiểm soát mất cân bằng giới tính, chúng tôi được nghe nhiều đến cụm từ “đẻ dự phòng”, vậy làm cách nào để hạn chế tình trạng trên, là bài toàn rất cần lời giải đáp. Muốn vậy cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng, và những cách làm hay, sáng tạo của mỗi địa phương.