Những người "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng"

Thứ bảy, 27/12/2014 15:06

Gian khổ không lùi bước, khó khăn không nản lòng, những bước chân lặng lẽ của cộng tác viên dân số (CTVDS) dường như in dấu ở tất cả các ngõ ngách, xóm làng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Mặc dù khoản phụ cấp mà họ nhận được hàng tháng rất thấp nhưng những cộng tác viên dân số vẫn nhiệt tình đưa chính sách DS – KHHGĐ đến với mỗi gia đình.

Hiện toàn tỉnh có trên 1600 CTVDS. Họ có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tư vấn giúp người dân nâng cao nhận thức về DS-KHHGĐ, theo dõi, giúp đỡ các đối tượng chuyển đổi hành vi, lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp. Họ đến với dân mọi lúc, mọi nơi và trở thành cầu nối giữa người dân với cơ sở y tế. Vì thế, tại mỗi khu vực, mỗi địa bàn dân cư, CTVDS là người được bà con tin tưởng tìm đến trao đổi để được tư vấn về sức khỏe.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” là nhiệm vụ chính của những người làm CTVDS. Chị Đào Thị Hiển (xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ), đã làm CTVDS được 22 năm chia sẻ: “ Địa bàn do tôi phụ trách, người dân chủ yếu theo đạo nên những người làm CTVDS như chúng tôi càng phải vất vả hơn, đòi hỏi phải có sức khỏe và lòng nhiệt tình với công việc. Đặc biệt, những người trong độ tuổi sinh đẻ thường xuyên đi làm xa nên phải vào nhà nhiều lần chúng tôi mới gặp được họ, thậm chí có trường hợp vài tháng mới về thăm nhà một lần thì CTVDS phải “rình” để gặp gỡ, trò chuyện, đồng thời tuyên truyền về công tác dân số. Để thuyết phục những gia đình có dự định tăng nhân khẩu ngoài kế hoạch hay những gia đình sinh con một bề ý thức hơn trong việc sinh đẻ phải cần cả một quá trình, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ từ đó mới có cách tuyên truyền cho phù hợp.” Lòng nhiệt tình, cách tuyên truyền khéo léo của chị Hiển đã làm thay đổi nhận thức của nhiều bà con giáo dân. Khoảng 10 năm nay, thôn không có trường hợp sinh con thứ 3.

 

CTVDS xã Trung Hòa (huyện Yên Mỹ) tuyên truyền về biện pháp tránh thai.

Để thay đổi ý thức, hành vi của một bộ phận dân cư về công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình không phải là chuyện một sớm một chiều. Trên thực tế nếu không có lòng kiên trì thì CTVDS khó có thể “trụ” được với nghề. Chị Doãn Thị Giang, CTVDS thôn Đình Cao (xã Đình Cao, huyện Phù Cừ) chia sẻ: 15 năm làm công việc này, quyền lợi chẳng bao nhiêu nhưng có trăm điều phải lo. Nào là lo thôn mình không đạt chỉ tiêu kế hoạch, nào là lo chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản bị vỡ, lo không vận động được chị em sử dụng các dịch vụ KHHGĐ. Đó là chuyện 10 năm về trước, còn bây giờ ở thôn Đình Cao nhiều gia đình đã ý thức được việc thực hiện KHHGĐ. Thôn đã thành lập được Câu lạc bộ “không sinh con thứ 3”. Hàng tháng câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt, các chị bận thì chồng đi thay. Nhờ thế việc tuyên truyền thực hiện KHHGĐ dễ dàng hơn. Chẳng quản nắng mưa, đêm ngày, hễ thấy trường hợp nào có nguy cơ cao sinh con thứ 3 là chị Giang lại tìm đủ mọi cách để vận động, tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch. Chị Giang cũng cho biết, công việc này đòi hỏi sự kiên trì. Chị bảo, nếu đến nhà vận động, tư vấn mà chủ nhà là những gia đình có học thức, cư xử lịch sự thì mọi thứ sẽ rất nhẹ nhàng, nếu gặp phải những gia đình họ không chấp nhận thì các cộng tác viên còn bị xua đuổi, bị “chửi” là chuyện thường.

Công việc vất vả nhưng khoản phụ cấp mà những CTVDS nhận được chẳng đáng là bao. Trước kia, mỗi CTVDS nhận được 50 nghìn đồng/ tháng và từ đầu năm 2014, số tiền đó nâng lên là 100 nghìn đồng/ tháng. Tuy khó khăn là vậy, đại đa số CTVDS vẫn rất tâm huyết với công việc, họ làm việc bằng cả trái tim với mong muốn đem lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. Chị Phạm Thị Loản (xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ), 19 năm làm cộng tác viên dân số cũng là 19 năm vất vả đi tuyên truyền, chị Loản chia sẻ: “Với khoản phụ cấp ít ỏi đó không phải là động lực để chúng tôi chấp nhận vất vả. Thấy cảnh những gia đình ở quê tôi con cái đông đúc, nhếch nhác, xót xa cho lũ trẻ nên muốn vận động họ đẻ ít, có điều kiện nuôi con tốt hơn”. Tâm sự của chị Loản, cũng là suy nghĩ của nhiều cán bộ, cộng tác viên dân số ở Hưng Yên. Nếu không có lòng yêu nghề, yêu người thì hẳn không có ai dấn thân vào “nghề” này.

Có thể nói cộng tác viên dân số cơ sở chính là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà không hề so đo tính toán. Ông Vũ Văn Nhạ, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh Hưng Yên cho biết: CTVDS là người trực tiếp truyền tải chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến với người dân nhưng khoản phụ cấp mà họ nhận được lại không tương xứng với công việc họ được giao. Vì thế để CTVDS tâm huyết với công việc cần có chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý, cần nâng mức phụ cấp phù hợp với thời điểm hiện tại để giữ chân họ ở lại với nghề. Mặt khác, chính quyền địa phương cần hỗ trợ thêm kinh phí và tạo mọi điều kiện thuận lợi để CTVDS hoạt động hiệu quả, góp phần vào việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực