Thứ năm, 16/05/2013 16:40 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Xã Yên Phú huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên là địa phương có truyền thống thâm canh rau. Những năm trước, ở đây nông dân vẫn sản xuất rau theo kinh nghiệm vốn có. Vì vậy rau không bảo đảm an toàn, hiệu quả kinh tế không cao. Thế nhưng từ hơn 1 năm qua, bằng sự hỗ trợ của tổ chức JICA Nhật Bản và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc sản xuất rau ở đây đã có những thay đổi rõ rệt.
Trước đây sản xuất rau ở thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ chủ yếu là do kinh nghiệm truyền thống, nhận thức về sản xuất rau an toàn, áp dụng theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất rau quả tốt (VIETGAP) còn nhiều hạn chế. Bà con phun thuốc theo định kỳ, bón nhiều phân vô cơ nhất là phân đạm nên bị sâu, bệnh phá hại nhiều phải phun nhiều lần, tưới nước, sơ chế rau đề từ các kênh mương vv...
|
Chăm sóc rau ở xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên |
Đến nay, tất cả các khâu này đều đã thay đổi. Người trồng rau ở đây đã sử dụng nước đủ tiêu chuẩn từ giếng khoan tưới và sơ chế cho rau, phun thuốc BVTV theo quy trình, thu gom vỏ bao thuốc BVTV đều bỏ vào bể chứa vv... Tổ chức JICA đã hỗ trợ xây dựng khu sơ chế, hệ thống giếng khoan, khu rửa rau, bể chứa nước, bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật,... Các tình nguyện viên của tổ chức JICA đã hướng dẫn cho nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, theo dõi quá trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn để thuận tiện cho việc kiểm tra, truy soát nguồn gốc hàng hóa. Người trồng rau được tham gia các lớp tập huấn.
Kết quả là sau khi tham gia các lớp tập huấn này ý thức, nhận thức của các thành viên tham gia được nâng cao rõ rệt. Việc chăm sóc đúng kỹ thuật hơn, phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả hơn, giảm số lần phun thuốc, đảm bảo thời gian cách ly. Nông dân nắm rõ được các quy trình sản xuất rau an toàn, cũng như ý thức trách nhiệm và những lợi ích mà rau an toàn mang lại cho chính bản thân họ cũng như cho cộng đồng.
Sau khi tham gia lớp tập huấn, ông Lê Văn Song, nông dân xã Yên Phú cho biết: “Trước đây người dân chúng tôi cứ trồng rau ồ ạt; chăm sóc và phun thuốc bảo vệ thực vật một cách tùy tiện, nhưng sau khi được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc thì chúng tôi hiểu được trách nhiệm của mình đối với việc đảm bảo rau an toàn, đây cũng chính là lợi ích của chúng tôi. Bởi vì nếu thực hiện đúng theo quy trình sản xuất thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất cao.”
Toàn thôn Mễ Hạ có 41 hộ tham gia dự án với diện tích 3 héc ta. Các hộ trong mô hình khi thu hoạch đều thực hiện tốt các biện pháp thu hoạch theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, giảm tổn thất khi thu hoạch. Nông dân chỉ thu hoạch, bỏ lá già, lá sâu bệnh và bán ngay cho thương lái; biện pháp sơ chế sản phẩm do thương lái thu mua thực hiện. Các loại rau trồng trong mô hình được các đầu mối thu mua với giá cao. Trước đây, chỉ tiêu thụ ở chợ địa phương, nay một số nông dân đã chuyên chở đến tiêu thụ ở nhiều thị trường.
Sau một thời gian thực hiện theo một số tiêu chuẩn của VIETGAP đề ra, hiện nay ở Mễ Hạ đã đáp ứng được đủ các điều kiện sản xuất rau an toàn và được cấp chứng nhận vùng rau an toàn. Điều này giúp người nông dân từng bước ổn định và mở rộng sản xuất đồng thời cung cấp rau xanh cho thị trường bảo đảm an toàn vệ sinh./.