Nông dân Hưng Yên “gặp hạn” vì mưa lớn và hệ thống tiêu thoát kém

Thứ hai, 12/08/2013 15:03

(ĐCSVN) - Mặc dù cơn bão số 6 đã đi qua nhưng những hậu quả nặng nề mà cơn bão này để lại vẫn làm đau lòng nhiều nông dân ở tỉnh Hưng Yên. Hết mưa, cái nắng gay gắt sau bão càng làm cho hoa màu thêm nhanh thối do bị ngâm trong nước. Chỉ trong vòng vài ngày, mưa lớn đã cướp đi của nông dân Hưng Yên hàng tỷ đồng.

* Chìm trong biển nước

Theo thống kế sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hưng Yên, những trận mưa lớn do cơn bão số 6 mang lại đã làm cho gần 4.000 ha hoa màu ngập úng, trong đó có gần 1.400 ha lúa, hơn 1.100 ha cây ăn quả, gần 1.000 ha rau màu và hơn 400 ha hoa cây cảnh. Nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng. Các địa phương bị thiệt hại nặng nề gồm huyện Văn Giang và Khoái Châu (mỗi huyện hơn 1.600 ha) và Yên Mỹ (hơn 400 ha).

Tại Văn Giang, hơn 1.000 ha lúa và rau màu, hơn 600 ha cây ăn quả và hoa cây cảnh bị mưa bão hoành hành, trong đó các xã Liên Nghĩa, Tân Tiến mỗi xã có hơn 200 ha cam đường Canh và quất cảnh đang trong thời kỳ dưỡng quả để chuẩn bị cho dịp Tết đứng trước nguy cơ mất trắng. Theo bà con xã Tân Tiến, với những cây ăn quả như cam, quất và bưởi, có ít nhất khoảng 1/3 số quả sẽ bị rụng. Nước ngập lâu ngày sẽ làm cho gốc cây yếu, thối rễ. Nếu thời tiết nắng nóng ngay, cây càng nhanh bị chết héo, không thể cứu vãn được.

Lội bì bõm trong ruộng cam ngập ngang đùi, anh Nguyễn Văn Quyền ở thôn Công Luận, Thị trấn Văn Giang, thẫn thờ: "Nước tiêu chậm, kèm theo nắng nóng nên cây sẽ chết hết, cùng lắm chỉ cứu vãn được 1/4 số cây".

Theo cán bộ phòng nông nghiệp các huyện Văn Giang, Khoái Châu, do mưa lớn liên tiếp dồn đến trong 2 cơn bão số 5 và số 6 làm cho nước trong đồng thấp hơn ngoài sông từ 50 - 80 cm, có nơi như ở các xã Xuân Quan, Phụng Công mực nước chênh lệch gần 1m, phải dùng máy bơm động lực để tiêu úng. Tuy nhiên, việc bơm tiêu không xuể, vì nước chưa kịp rút thì mưa lớn lại liên tiếp trút xuống. Thêm vào đó, nước mưa từ những ngày trước dồn từ khắp mọi nơi về nên các vùng trũng tự chảy càng thêm ngập sâu.

Tại huyện Yên Mỹ, cánh đồng rau màu của các xã Yên Hòa, Yên Phú và Việt Cường cũng mênh mông nước. Bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú, xót xa cho biết gia đình bà có 7 sào cà tím, mướp đắng, bầu, bí và ngô ngọt đều bị ngập nước, ước thiệt hại trên 100 triệu đồng.

Cũng chung cảnh ngộ, bà Lê Thị Điệu nói 4 sào cà tím, ngô ngọt ước thu gần 100 triệu đồng của gia đình bà cũng thối quả, chết cây, coi như mất sạch.

* Úng ngập không chỉ tại trời

Theo bà con Hưng Yên, nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do thiên tai nhưng phần lớn do hệ thống tiêu thoát nước kém. Lượng mưa dù không quá lớn (khoảng gần 200 mm trên địa bàn huyện Văn Giang) nhưng do hệ thống tiêu thoát của huyện đã không đủ năng lực tiêu thoát. Hơn nữa, do mực nước các sông trục dâng cao nhanh, làm cho phần lớn diện tích tự tiêu của địa phương bị tê liệt, dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Hưng Yên, bão số 6 đã gây mưa to diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh với lượng mưa trung bình gần 180 mm; trong đó lượng mưa lớn nhất là huyện Văn Giang 280 mm, các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên lượng mưa đều ở mức từ 150 mm đến trên 200 mm.

Theo cán bộ ngành nông nghiệp, lượng mưa như trên chưa phải lớn lắm. Trước đây, mưa ở mức 300 mm mới gây ngập úng, nhưng nay hệ thống tiêu thoát nước ngày một kém nên chỉ cần mưa hơn 100 mm cũng gây ngập úng. Một nghịch lý là tại các huyện vùng chiêm trũng Ân Thi, Phù Cừ vốn được coi là rốn úng nhưng không bị ảnh hưởng gì. Trong khi các huyện Yên Mỹ, Văn Giang, Khoái Châu là vùng đồng màu, chân đất cao nhưng cứ mưa lớn là úng ngập.

Dư luận cho rằng do hệ thống sông trục của các địa phương này bị lấn chiếm, lòng sông ngày một thu hẹp nên không còn đủ sức để tiêu thoát nước khi mưa lớn. Điển hình như ở các xã Thanh Long, Việt Cường, Yên Hòa (Yên Mỹ); Liên Nghĩa, Tân Tiến (Văn Giang); Bình Kiều, Phùng Hưng, Đông Tảo (Khoái Châu)... hệ thống sông tiêu bị san lấp đã trở nên tê liệt. Khi mưa to bão lớn, nước sông dâng cao hơn trong đồng nên cứ chảy ngược vào đồng, gây ngập úng.

Dù các địa phương ở Hưng Yên đã khơi thông hệ thống tiêu, khoanh vùng huy động gần 100 trạm bơm với hơn 300 máy hoạt động hết công suất, huy động nhân dân dùng máy bơm nhỏ, nhưng việc bơm tiêu vẫn không xuể. Cán bộ một số xã ở Văn Giang, Yên Mỹ, cho hay sau khi bơm tiêu 2 đến 3 ngày mà đồng ruộng vẫn trắng nước nên việc khắc phục thiệt hại rất chậm. Nếu hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo tiêu thoát nước nhanh, hàng ngàn héc ta hoa màu sẽ không phải chịu cảnh ngập úng kéo dài mỗi khi mưa lớn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực