Nuôi chồn nhung đen: Lợi bất cập hại?

Thứ sáu, 25/01/2013 18:28

 

Chồn nhung đen. Ảnh: báo Hưng Yên 

Mạnh dạn đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng để nuôi chồn nhung đen, một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang “đánh liều” để nuôi loài vật chưa có tên trong danh sách các vật nuôi nông nghiệp.

Sự nhẹ dạ của người dân đã khiến họ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro khi nuôi loài vật này…

Trong thời gian qua, đặc biệt là từ khoảng tháng 5/2012, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phong trào nuôi chồn nhung đen bắt đầu “nhen nhóm” tại một số huyện như Kim Động, Văn Lâm, Mỹ Hào… Với kỳ vọng làm giàu, những người nông dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã tham dự vào mô hình chăn nuôi chồn nhung đen của Công ty Giấc Mơ Việt (Vdream) và của một cá nhân có tên Đoàn Việt Châu, địa chỉ ở Hòa Bình. Để tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen, người nông dân phải bỏ ra ít nhất vài chục triệu, nhiều thì cả trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua chồn từ các công ty. Một đôi chồn giống được bán với giá 4 triệu đồng. Người chăn nuôi có trách nhiệm đầu tư làm chuồng trại, tổ chức chăn nuôi, chăm sóc cho chồn mẹ sinh sản. Hợp đồng có hiệu lực trong vòng 2 năm 4 tháng, trong thời gian nuôi, người nuôi không được phép mở rộng đàn, bán con giống ra ngoài thị trường hoặc giết thịt. Khi thanh lý hợp đồng, người nuôi có thể lấy chồn làm thức ăn, nếu có ý định nuôi tiếp thì phải làm lại hợp đồng mới theo quy trình như hợp đồng lần đầu. Chị Lê Thị Thủy, thôn Đống Long, xã Hùng An (Kim Động) cho biết: “Gia đình tôi tham gia nuôi 30 cặp chồn nhung đen theo dự án làm giàu của anh Đoàn Việt Châu. Mỗi cặp chồn giống có giá 4 triệu đồng. Chồn nhung đen là loài vật dễ nuôi, chúng có thể ăn các loại cỏ và lá dễ tìm như: cỏ voi, lá ngô, lá rau các loại… Là loài vật có khả năng sinh sản khá cao, mỗi năm đẻ 4 - 5 lứa; mỗi lứa đẻ từ 4 - 6 con. Thời gian mang thai của chồn mẹ là 65 ngày. Chồn mẹ nuôi con bằng sữa và chỉ sau 21 ngày là cai sữa và chuẩn bị cho chu kỳ sinh sản mới. Sau khi nuôi từ 2 – 2,5 tháng chồn con đạt trọng lượng từ 450 – 470g, đại điện Công ty sẽ mua lại toàn bộ với giá 1 triệu đồng/con. Nhận thấy đây là con vật dễ nuôi, chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi có ý định ký thêm hợp đồng với công ty sau khi kết thúc hợp đồng này.”

Sinh sản với tốc độ “siêu tốc”, số lượng chồn được nhân lên từng ngày. Tuy nhiên, khi được hỏi về đầu ra cho sản phẩm, tiêu thụ ở đâu thì chính các chủ hộ chăn nuôi … cũng không biết. Nhận thức của người dân về giống vật nuôi mới này còn hết sức mơ hồ. Khi được hỏi nuôi chồn nhung đen nhằm mục đích gì, các hộ đều chung một câu trả lời: Trước tiên là bán con giống cho công ty còn phía công ty họ làm gì thì người dân không hề hay biết, chỉ cần có lợi cho bản thân là nuôi. Theo tính toán của những hộ dân tham gia bản hợp đồng này thì mỗi năm sẽ thu lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Chị Đinh Thị Lưu, một hộ nuôi chồn nhưng đen ở thôn Ngô Xuyên, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) cho biết, đầu tháng 3/2012, gia đình chị mua 30 cặp chồn nhung đen từ mô hình chăn nuôi Đoàn Việt Châu có trụ sở tại xóm Mỏ, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, chi phí hết khoảng 100 triệu tiền giống. Ngoài cỏ và cám gạo, gia đình chị cho ăn thêm cám tăng trọng nhưng không đáng kể. Đến nay, chị đã bán được 10 con với giá 1 triệu đồng/con, người mua cũng chính là nhà phân phối giống. Hiện còn một lứa hơn 20 con chuẩn bị xuất chuồng.

Chị Lưu khoe nhà cung cấp con giống thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn kỹ thuật để những người nuôi chồn nâng cao nghiệp vụ chăm sóc. Theo tính toán, nếu phát triển tốt, một con chồn mẹ mỗi năm sinh sản 4 lứa, mỗi lứa trung bình được 3 con. Như vậy 30 con chồn mẹ mỗi năm sẽ cho ra 360 con, 2 năm là 720 con, người nông dân rất có lợi nếu tham gia mô hình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 10 hộ khác cũng đang tham gia nuôi chồn nhung đen do ông Đoàn Việt Châu cung cấp. Ban đầu, mỗi hộ đều mua 20 cặp với giá 80 triệu đồng, người chăn nuôi sẽ cho trả trước 40 triệu, số tiền còn lại sẽ trừ dần vào giống thu mua. Hiện chưa hộ gia đình nào hoàn được lại vốn nhưng có hộ thấy chồn sinh sản nhanh đã nhân rộng mô hình.

Qua tìm hiểu, hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có nhà hàng nào nhập thịt chồn để chế biến và cũng rất ít ai dám ăn thịt chồn. Ngay chính các hộ đang tham gia mô hình nuôi hiện nay cũng khẳng định họ chưa dám ăn thịt chồn vì giá bán chồn giống hiện đang rất cao, sinh sản được con nào lại để làm giống bán đến đó. Trước sự nhân giống theo cấp số nhân của con vật "vàng” này, trong khi đầu ra thịt chồn nhung đen thương phẩm còn “mờ mịt” thì người nông dân rất có thể phải đối mặt với rủi ro cao, nguy cơ mất trắng cơ nghiệp là rất lớn. Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại cũng chưa có cơ quan chức năng nào đánh giá được nguồn gốc, mặt tích cực của chồn nhung đen đối với đời sống xã hội…

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng chăn nuôi, Sở NN&PTNT tỉnh, ông Tưởng cho biết: Chồn nhung đen người dân đang nuôi hiện nay chưa có tên trong danh sách các vật nuôi nông nghiệp, không rõ nguồn gốc và chưa có kết quả khảo nghiệm của các cơ quan chuyên môn báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Như vậy, đến nay loài động vật này vẫn chưa có căn cứ đánh giá mặt tích cực, cũng như tác hại của chồn nhung đen (lây lan dịch bệnh, sự phá hoại mùa màng), ngoài ra cũng chưa có căn cứ để kết luận về giá trị dinh dưỡng và chất lượng thịt của vật nuôi này. Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã chính thức ban hành công văn số 1377 về kiểm soát việc nuôi và phát tán chồn nhung đen gửi Sở NN & PTNT các tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, ngày 14/12/2012, Sở NN & PTNT tỉnh đã ban hành công văn số 592 yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc tự phát nuôi chồn nhung đen khi chưa có kết quả khảo nghiệm của cơ quan chuyên môn là tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời tăng cường kiểm soát, hạn chế việc tự phát của người dân trong việc nuôi chồn nhung đen, theo dõi phát hiện các rủi ro về dịch bệnh và tác hại của chồn nhung đen…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực