Ông chủ 8X với doanh nghiệp dế xuất khẩu

Thứ sáu, 01/10/2010 10:30

Xưa kia, với trẻ con nông thôn, dế trở thành con vật quen thuộc với trò chơi “chọi dế”. Ngày nay những “võ sỹ hoang dã” này đã được nhiều người thuần hóa thành vật nuôi, trở thành món đặc sản trong thực đơn của các nhà hàng. Và nhiều người từ nuôi dế đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, có người đã trở thành ông chủ doanh nghiệp. Anh Trần Huy Hợi thôn Cát Dương, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên là một ví dụ.

Từ sự kiên trì

Chúng tôi đến nhà anh Trần Huy Hợi - được coi là người đầu tiên đem dế về nuôi ở vùng đất nông nghiệp Phù Cừ này. Ở tuổi 27 nhưng anh Hợi đã có thâm niên nuôi dế được 5 năm. Anh Hợi tâm sự: Trước đây đi làm thuê ở một cơ sở nuôi dế trong miền Nam, thấy những con dế đen trũi nhưng ngộ nghĩnh, rất “đáng yêu”, đặc biệt là tiếng kêu “ri... ri...” của chúng. Anh nảy ra ý định phải quyết chí nuôi bằng được loại côn trùng này. Trước khi nuôi dế, anh Hợi đã dành thời gian tìm hiểu về cách nuôi các loại con khác như cá lóc, giun quế, nhím... Nhưng rồi anh vẫn quyết định chọn con dế vì thấy thời điểm ấy, nếu mua dế giống sẽ phù hợp với số vốn mình đang có, thức ăn cũng đỡ tốn kém hơn, chăn nuôi không tốn nhiều diện tích và do thị trường còn mới mẻ nên anh đặt niềm tin vào con dế sẽ dễ dàng tiêu thụ. Với chút vốn liếng anh dành dụm được sau một thời gian đi làm thuê, anh Hợi mua và mang 500 con dế giống từ miền Nam về quê nuôi với hy vọng con dế sẽ giúp anh làm giàu trên chính quê hương chứ không còn phải bôn ba đi làm thuê ở nơi khác nữa.

Hàng ngày, anh Hợi cần cù chăm bẵm từng con dế, nhưng do chưa nắm vững khoa học kỹ thuật, một phần do thời tiết ở miền Bắc khác với thời tiết miền Nam và mùa đông rất lạnh, vì vậy lứa dế đầu anh mất trắng. Anh đầu tư tiếp lứa dế thứ hai, thứ ba... và trong cả năm đầu tiên gần như anh nuôi dế không có công. Thấy vậy, gia đình, bạn bè cùng khuyên anh không nên nuôi dế nữa, vì mọi người cho rằng nuôi dế chỉ là ý tưởng viển vông. Khi ấy anh Hợi gần như tuyệt vọng, định bỏ nghề nhưng rồi anh suy nghĩ, muốn thành công được thì phải tâm huyết, phải kiên trì với nghề. Và lúc tuyệt vọng nhất cũng là lúc anh đặt ra quyết tâm cao nhất, anh dồn chút vốn liếng cuối cùng, vay mượn thêm bạn bè để đầu tư tiếp vào con dế. Cùng với đó anh tích cực đi một số nơi để học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi dế. Với bàn tay chăm sóc của anh Hợi, con dế đã không phụ lòng người, những chú dế đã lớn như thổi, béo mẫm.

Vậy là kế hoạch bước đầu nuôi dế của anh Hợi đã thành công. Lúc này anh Hợi lại gặp cái khó thứ hai ấy là thị trường tiêu thụ. Nhiều lần anh mang dế đến nhà hàng giới thiệu sản phẩm lại phải mang về vì họ bảo không biết chế biến món dế như thế nào và nếu biết chế biến thì sợ không có khách ăn? Anh Hợi lại phải một lần nữa mày mò cách chế biến dế, tự nấu nướng, rồi lại tự thưởng thức để xem món mình chế biến có ngon không, gia vị đã đúng chưa. Thử món dế nhiều có lúc chán, anh Hợi phải mời cả người khác ăn rồi nhận xét, đánh giá về món dế mình chế biến. Thành công một vài món dế, anh Hợi viết thực đơn và cách chế biến các món dế trong thực đơn ra giấy, anh tiếp tục đến nhà hàng quảng bá và giới thiệu luôn cách chế biến món dế cho nhà hàng. Thấy sự kiên trì của anh, một số nhà hàng đã tiếp nhận mua nhưng với số lượng nhỏ. Thế rồi từ số lượng ít thành nhiều, đến nay anh Hợi đã có hàng chục nhà hàng là khách hàng quen thuộc ở trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương... Hiện anh có 300 chậu nuôi dế thương phẩm và dế giống. Trung bình một tháng anh Hợi cung cấp cho thị trường trên 30 kg dế thương phẩm với giá bán 250 nghìn đồng/kg. Ngoài ra mỗi tháng anh còn cung cấp khoảng 3.000 con dế giống cho một số cơ sở nuôi dế trong và ngoài tỉnh. Khoảng 2 năm trở lại đây, do nhu cầu thị trường, anh Hợi nuôi thêm 2.000 con bọ cạp. Thức ăn của bọ cạp chính là những con dế loại, bởi vậy sẽ không tốn kém tiền mua thức ăn. Giá bọ cạp khoảng 350 nghìn đồng/kg, mỗi tháng anh cũng thu về được vài triệu đồng từ bọ cạp.

Từ sự kiên trì học hỏi, không lùi bước trước khó khăn, anh Hợi đã thành công trong nuôi dế. Món dế giờ đây đã được nhiều người biết đến. Con dế có thể chế biến trên 20 món khác nhau, đủ để hấp dẫn thực khách với loại đặc sản đồng quê này.

Trở thành chủ doanh nghiệp dế Huy Lợi

“Nuôi dế không khó, nếu biết kỹ thuật chăm sóc sẽ rất đơn giản. Thức ăn của chúng chủ yếu là cám, các loại rau. Từ khi dế nở đến khi xuất bán khoảng 30 – 45 ngày (tùy theo mùa), đặc biệt mùa đông phải che chắn chuồng trại kín không cho gió lùa vào. Việc nuôi dế không đòi hỏi nhiều nhân công. Tuy nhiên công đoạn sơ chế lại cần nhiều người bởi sơ chế phải nhanh để tránh bị ôi”. Đó là tâm sự về kỹ thuật nuôi cũng như sơ chế con dế của ông chủ trại dế Trần Huy Hợi. Anh Hợi cho biết thêm, do trước đây mình tìm hiểu kỹ thuật nuôi dế rất vất vả vì nhiều người muốn giấu nghề không cung cấp. Thấu hiểu nỗi vất vả đó, bây giờ hễ ai có nhu cầu tìm hiểu kỹ thuật về nuôi dế, anh sẵn sàng cung cấp và hướng dẫn họ từ cách chăm sóc dế đến chuẩn bị vật nuôi, trang trí chuồng trại.

Không hài lòng với thành công đã đạt được từ con dế, anh Hợi trăn trở nếu các hộ nuôi dế tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ sẽ manh mún, nhỏ lẻ, khách hàng không ổn định. Do đó muốn kí được hợp đồng lớn phải gắn kết mọi người cùng nuôi dế lại để có đủ lượng hàng cung cấp cho thị trường, đồng thời chất lượng sản phẩm phải đồng đều, hàng không bị tồn đọng. Từ suy nghĩ đó, anh Hợi đã đề xuất với các cơ quan chức năng của huyện để thành lập Hiệp hội nuôi dế mèn huyện Phù Cừ. Được sự ủng hộ cao, đặc biệt là Trung tâm khuyến nông huyện, đến nay Hiệp hội nuôi dế mèn đã thành lập với 34 thành viên và anh Hợi được bầu là Chủ tịch hiệp hội. Tiêu chuẩn để vào hiệp hội nuôi dế trước hết người nuôi phải tâm huyết với con dế, lấy con dế làm nghề chính, phải đạt 300 chậu nuôi dế trở lên, diện tích nuôi từ 50m2 trở lên...

Niềm đam mê với con dế không chỉ dừng lại ở đấy, anh Hợi còn có ý định đưa con dế ra thị trường nước ngoài để giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết về món ăn đặc sản đồng quê này. Đến nay anh đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cấp giấy phép về việc thành lập doanh nghiệp tư nhân dế xuất khẩu Huy Hợi. Tới đây, anh Hợi sẽ tiến hành đăng kí lô gô, nhãn hiệu sản phẩm cho con dế. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa trang Website: http://www.dexuatkhauhuyhoi.com.vn ra đời sẽ quảng bá sản phẩm dế được rộng rãi hơn với thực khách trong nước và nước ngoài. Và sắp tới anh Hợi còn có ý định sẽ mở rộng cơ sở chăn nuôi, xây dựng cơ sở chế biến, làm một nhà lạnh để bảo quản con dế được lâu hơn.

Những ấp ủ, dự định và cả những kỳ vọng về con dế còn nhiều với anh Trần Huy Hợi. Chúc cho ông chủ 8X sẽ sớm thực hiện thành công các ý tưởng này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực