Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, hiện có khoảng gần 166 nghìn đối tượng (chiếm 28,8% dân số) cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các dịch vụ công tác xã hội. Trong đó có gần 27 nghìn người cao tuổi, gần 3.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 19.600 người khuyết tật, trên 5 nghìn người tâm thần và còn hàng nghìn người nghiện ma túy, có HIV/AIDS, người thuộc hộ gia đình nghèo, nhiều nhóm người nảy sinh các vấn đề xã hội…
Đây là những đối tượng cần được sự giúp đỡ, vì vậy việc phát triển nghề Công tác xã hội sẽ mở ra cơ hội giúp họ giải quyết các khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Chúng tôi đến Trung tâm hy vọng Tiên Cầu (đóng trên địa bàn xã Hiệp Cường, Kim Động) đúng lúc trung tâm vừa đón một cháu bé từ bệnh viện về. Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Chắt, Giám đốc Trung tâm cho biết: Cháu Luyến đã được Trung tâm đưa lên viện mổ tim về. Tình trạng bệnh tim của Luyến khá nặng nên phải qua 2 lần phẫu thuật mới bảo đảm được tính mạng cho cháu. Ngoài phần bảo hiểm chi trả, Trung tâm còn phải nộp trên 70 triệu đồng tiền viện phí nữa. Đây là số tiền mà ban giám đốc Trung tâm đã xin được từ các nhà tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm hỗ trợ.
Luyến là 1 trong số 28 trẻ em mồ côi hiện đang được Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu nuôi dưỡng. Mỗi cháu có một hoàn cảnh éo le, nhưng tựu chung là đều cần có một mái nhà để các cháu được yêu thương, chăm sóc. Gần 10 năm qua tuy đã có hàng chục cháu được cưu mang, được học văn hóa, nhiều cháu đã học nghề và tìm được việc làm ổn định. Ông Chắt và các cán bộ ở đây đã làm nghề công tác xã hội một cách khá chuyên nghiệp nhưng trong suốt thời gian đó mọi người chỉ xác định làm với tâm nguyện từ thiện là chính. Số tiền từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng trước đây, nay được nâng lên khoảng trên 800 nghìn đồng/tháng được ban giám đốc ở đây lo cho mỗi cháu (trong đó có 360 nghìn đồng từ ngân sách nhà nước) đã cơ bản bảo đảm cuộc sống hàng ngày cho các cháu và giúp các cháu được đến trường như các bạn cùng trang lứa… Tuy nhiên, để các cháu ở độ tuổi 13, 14 không bị mặc cảm và tự ti, ông Chắt đã tách Trung tâm thành 3 cơ sở (gọi là nhà hy vọng). Ngoài trụ sở chính, Trung tâm đã xây dựng thêm 2 “nhà hy vọng” ở xã Chính Nghĩa và Phú Thịnh. Mỗi ngôi nhà này, Trung tâm đưa 6 cháu có độ tuổi từ 13 – 17 về sống tại đây và có một người quản lý, chăm sóc. Tại ngôi nhà này, các em tự trồng rau, nuôi lợn và sinh hoạt như một gia đình nhỏ, đầm ấm.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh Hưng Yên có 4 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, 1 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập và 1 Trung tâm giáo dục chữa bệnh lao động xã hội với gần 300 cán bộ, nhân viên đang công tác. Số đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở này là 750 đối tượng. Ngoài ra, hiện tỉnh ta còn hàng nghìn người đang công tác, làm việc trong các lĩnh vực khác liên quan đến công tác xã hội như các cộng tác viên dân số, cán bộ làm công tác trẻ em, các thành viên trong tổ hòa giải ở các khu dân cư… để trợ giúp các đối tượng xã hội và thực hiện công tác xã hội. Mặc dù vậy trên địa bàn tỉnh ta hiện chưa có nghề công tác xã hội và cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp. Những cán bộ đã và đang làm việc ở các trung tâm và làm công việc liên quan đến công tác xã hội… được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau, chưa qua đào tạo công tác xã hội chuyên nghiệp; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn; phương pháp chăm sóc, kỹ năng tiếp cận tư vấn, trợ giúp đối tượng cũng như việc kêu gọi, vận động thu hút nguồn lực trợ giúp đối tượng còn nhiều hạn chế… Trong khi đó các đối tượng tác động của nghề công tác xã hội lại là những đối tượng đặc biệt, đòi hỏi người làm nghề phải có những phẩm chất và nghiệp vụ đặc biệt. Chẳng hạn như ở Trung tâm giáo dục, chữa bệnh lao động xã hội, hàng ngày trong giờ làm việc, cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn căng thẳng theo dõi, phát hiện sớm những biểu hiện tâm lý bất thường của học viên để phòng ngừa và chủ động đưa ra biện pháp xử lý kịp thời các tình huống xảy ra nhưng lại phải bảo đảm cho đối tượng không bị cảm giác phân biệt đối xử… Tất cả những công việc, yêu cầu đó đòi hỏi người làm công tác xã hội phải được trang bị kiến thức tổng hợp về xã hội học, tâm lý học và rất nhiều nghiệp vụ khác, mà trên hết là một tấm lòng nhân ái, bao dung để có thể cảm thông và vượt qua những áp lực.
Đứng trước thực trạng trên nên khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25.3.2010 phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2011 – 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển nghề Công tác xã hội trên địa bàn. Như vậy công việc này sẽ được triển khai đồng bộ ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm về nguồn kinh phí, cơ chế chính sách, đào tạo nhân lực. Để triển khai có hiệu quả Đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội – đơn vị được giao thực hiện chương trình đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm dịch vụ công tác xã hội tỉnh và đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đề án, Trung tâm sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin hoặc yêu cầu của đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt; đánh giá nhu cầu, phân loại và đề nghị giải quyết trợ cấp xã hội, trợ giúp đối tượng tại các mô hình gia đình, cá nhân; hỗ trợ các đối tượng tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý; tiếp nhận, nuôi dưỡng ngắn hạn tại cơ sở bảo trợ xã hội đối với các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; trị liệu, phục hồi tâm lý; nghiên cứu, khảo sát, truyền thông - vận động chính sách… Dự kiến đầu tư kinh phí để xây dựng và trang thiết bị thành lập trung tâm khoảng 8 tỷ đồng.
Hy vọng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền cùng sự quyết tâm vào cuộc của các ngành chức năng thì nghề Công tác xã hội trên địa bàn tỉnh ta sẽ phát triển toàn diện và sâu rộng. Cùng với đó là những hoạt động cụ thể được thực hiện nhằm đem lại hiệu quả thiết thực đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Bởi vậy hơn lúc nào hết, nghề công tác cần được quan tâm đầu tư để sớm phát huy tác dụng, đi vào đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu.