Phố Hiến sôi động mùa cá mòi

Thứ bảy, 26/04/2014 17:42

Trong tiết thanh minh tháng Ba âm lịch, nghề đánh bắt cá mòi ở Hưng Yên bước vào mùa thu hoạch rộ. Dù thả lưới quanh năm mùa nào cá ấy, song mùa cá mòi lại sôi động hơn cả. Cùng với hương vị nhãn lồng tiến vua, khách về Hưng Yên cũng rất ấn tượng với cá mòi, một thứ ẩm thực mà người bản xứ gọi là món "thời trân" (thực phẩm quý theo mùa) vùng Phố Hiến.

* Lộc trời ưu đãi

Sông Hồng, dòng sông Mẹ đã ưu đãi cho Hưng Yên những đàn cá mòi từ cửa biển tìm về đẻ trứng mỗi độ xuân về. Xuôi vùng bãi từ Khoái Châu qua Kim Động về thành phố Hưng Yên, mùa cá mòi thường tấp nập thuyền bè. Nhiều bến sông đã trở thành chợ cá nhộn nhịp như bến Vũ Điện, xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên), Đông Khu, xã Đức Hợp (Kim Động)...

 

Hoạt động đánh bắt cá mòi ở xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên).
Ảnh: báo Hưng Yên 


Hàng năm khi tiết xuân ấm áp, nước sông Hồng êm ả với những con sóng dịu nhẹ cũng là lúc từng đàn cá mòi từ cửa biển ngược về sinh sản. Cá mòi được sinh ra ở sông nhưng lại bơi ra biển để sống, chỉ đến mùa đẻ trứng chúng mới quay về nơi nguồn cội để sinh sôi. Cứ như vậy "đến hẹn lại lên", cá mòi thường về theo mùa từ tháng Giêng đến hết tháng Tư âm lịch. Do vậy, từ bao đời nay, cá mòi đã trở thành nguồn lợi tự nhiên bất tận. Người dân vạn chài vùng ven sông Hồng nhờ lợi thế này mà có được những mùa bội thu "cá bạc đầy thuyền".

Tại nhiều vùng như ở các xã: Quảng Châu, Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên), Đức Hợp (Kim Động), Tân Châu (Khoái Châu) và nhiều nơi khác ở ven sông Hồng, công việc đánh bắt cá mòi đã trở thành nghề truyền thống từ xa xưa. Về mùa cá mòi, mỗi nơi có hơn 30 thuyền đánh bắt. Khi trời yên nước lặng cá về rộ, mỗi ngày một thuyền kéo được trên 50 kg cá, trị giá hơn 1 triệu đồng, mỗi vụ cho thu nhập gần 100 triệu đồng trong khoảng 3 tháng. Theo bà con xã Hoàng Hanh: cá mòi sinh trưởng tự nhiên và được đánh bắt theo mùa, chất lượng lại ngon nên luôn bán được giá và đắt hàng hơn các loại cá khác. Vào vụ cá mòi, mỗi thuyền cho thu ít nhất cũng được khoảng 20 triệu đồng/tháng, cao gấp 3 - 4 lần các tháng khác trong năm.

Theo những hộ làm nghề đánh bắt cá mòi lâu năm ở xã Quảng Châu, khi hoa gạo nở rộ là lúc cá mòi vào chính vụ, vì đây là thời điểm ấm áp phù hợp để cá mòi ngược dòng về sinh sản. Năm nay, do thời tiết lạnh kéo dài, đến tận tháng 2 âm lịch cá ở vùng nước lợ mới ngược dòng về, vụ cá mòi vì thế cũng bị rút ngắn so với mọi năm. Sản lượng cá mòi chỉ bằng hơn 60% so với năm ngoái, mỗi thuyền chỉ kéo được khoảng 40kg cá mỗi ngày.

Nghề đánh bắt cá mòi không mấy công phu nhưng cũng không đơn giản. Theo kinh nghiệm của dân vạn chài, ban ngày cá mòi thường bơi ở độ sâu 3 - 6m, ban đêm chỉ khoảng dưới 2m. Vậy nên đánh bắt cá mòi vào ban đêm thường thuận lợi hơn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải đúng con nước. Khi thủy triều lên cao, nước sông chảy ngược vào phía thượng nguồn thì khó bắt được cá. Đến thời điểm nước bắt đầu rút mà thả ngay lưới thì cá nhiều vô kể. Theo anh Quân, một ngư phủ xã Quảng Châu cho biết có đêm một mình anh đánh được hơn nửa tạ cá.

Lưới đánh bắt cá mòi phải là loại chuyên dụng, gọi là "lưới mòi" có mắt phù hợp với kích cỡ của con cá mòi, gồm có 3 lớp, sợi mảnh, rộng 8 - 10 m, dài 200 m, có thể giăng từ mặt nước tới đáy sông. Loại lưới mòi chỉ dùng để bắt con lớn, con nhỏ lọt lưới sẽ là "của để dành" cho mùa cá năm sau. Theo đó, cá mòi sẽ là nguồn lợi được khai thac lâu dài mà không bị tận diệt.

*Đặc sản "thời ngư nhục mỹ"

Theo những người "hay chữ" ở Phố Hiến, cá mòi có tên gọi là "thời ngư", được gắn với câu tục ngữ "thời ngư nhục mỹ hiềm đa cốt", nghĩa là loại cá thịt ngon nhưng lắm xương. Cá có màu trắng bạc, vảy mềm nhỏ, thân hình to hơn cá diếc, dài từ 15 - 20cm, vảy bạc mềm, mỗi con có trọng lượng trung bình từ 0,8 đến 2 lạng. Cá mòi có đặc điểm là sau khi đưa lên mặt nước sẽ chết ngay. Song cá mòi không bao giờ bị ế, cứ đưa lên bờ đến đâu được tiêu thụ hết đến đó với giá từ 15 nghìn đến hơn 20 nghìn đồng/kg. Người buôn cá chỉ cần mang về bán tại các chợ ở Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên bán với giá từ 20 nghìn đến 40 nghìn đồng/kg chỉ trong vòng vài tiếng là hết. Bởi cứ đến mùa cá mòi, mọi nhà ở Hưng Yên đều thích mua cá mòi, một món ăn dân dã không những sạch mà còn "ngon, bổ, rẻ".

Việc thưởng thức món cá "nhục mỹ" cũng đa dạng. Cá mòi được cắt ngang bụng, bỏ ruột, cá đực thì để lại đôi sẹ, cá cái thì giữ lại buồng trứng, khía chéo hai bên, ướp gừng rồi làm 3 món: nướng than hoa, hấp lá bưởi hoặc rán giòn trên chảo mỡ, sẽ được những món ẩm thực thơm ngon, lạ miệng. Thịt cá mòi ăn bùi và thơm, trứng cá lại càng ngon hơn vì thơm ngậy, vị đậm. Cá mòi được chấm với nước mắm chanh ớt hoặc tương Bần nên ai đã một lần nếm thử khó có thể quên được.

Ở mỗi nơi ven sông Hồng đều có một cách chế biến mang bản sắc riêng. Làng Gòi (xã Tân Châu, Khoái Châu) nổi tiếng với món cá mòi nướng đã được truyền miệng trong văn hóa dân gian: "Muốn ăn cơm trắng cá mòi, trốn cha trốn mẹ về Gòi cùng anh". Cá mòi nướng của người làng Gòi chỉ đơn giản là sát gừng, xuyên que nướng trên bếp than hoa nhưng vị ngon khó quên đã đi vào sử sách và đời sống văn hóa ở Hưng Yên, như một thứ ẩm thực tao nhã.

Với người gốc Phố Hiến thì cá mòi được chế biến cầu kỳ hơn. Chị Thủy bán cá mòi chợ Phố Hiến bật mí: cá mổ sạch và trứng riêng rồi cho lên thớt băm lẫn với gừng, sả, ớt sau đó nặn thành những viên chả tròn như miếng bánh quy cho lên chảo lót lá bưởi, đun cho chả chín vàng. Chả cá mòi hoàn toàn không cần thêm mỡ, bởi lượng mỡ trong thịt cá rất cao. Về Hưng Yên vào dịp lễ hội mùa xuân, đến nhà hàng nào cũng có thể được thưởng thức món cá mòi được chế biến theo cách dân gian khá hấp dẫn.

Không chỉ mang đến cho vùng đất Hưng Yên những bãi bờ phù sa màu mỡ bốn mùa cây trái, dòng sông Hồng đã mãi mãi mang đến cho nơi đây những mùa cá mòi sinh sôi. Là "món ngon nhớ lâu", cá mòi còn mang lại cho người dân vạn chài đất Phố Hiến chiếc "cần câu cơm" bất tận năm này qua năm khác khi độ xuân về hoa gạo nở, mở ra những mùa màng sung túc./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực