Phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ở Hưng Yên

Thứ sáu, 11/01/2013 16:34

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: báo Hưng Yên)

Phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) phát động đến nay đã được gần 5 năm. Đây là phong trào lớn, có tác động tích cực đến việc xây dựng môi trường sư phạm, giáo dục ý thức, kỹ năng sống cho học sinh, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.

Phong trào đã được triển khai rộng khắp ở tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông trong tỉnh Hưng Yên và từng bước đi vào chiều sâu.

Hưởng ứng phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", Trường THCS An Viên (Tiên Lữ, Hưng Yên) có nhiều đổi mới về cảnh quan sư phạm cũng như giáo dục ý thức đối với học sinh. Nhà trường tranh thủ các nguồn đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất trường học, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh. Cùng với dãy phòng học xây dựng kiên cố cao tầng khang trang, thoáng mát là sân trường trồng nhiều cây xanh, khuôn viên gọn gàng, sạch đẹp. Khu nhà vệ sinh trước kia chưa được quan tâm đúng mức thì hiện nay được xây dựng theo đúng quy chuẩn, thường xuyên bảo đảm sạch sẽ. Đội ngũ giáo viên nhà trường gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh, nắm bắt tâm lý lứa tuổi để có phương pháp giáo dục phù hợp. Vì thế, môi trường sư phạm trở nên thân thiện, giáo viên và học sinh đều cảm thấy "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Bên cạnh đó, nhà trường nhận chăm sóc khu nghĩa trang liệt sỹ của xã và đền Đậu An - di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Việc nhận chăm sóc hai công trình này nhằm giáo duc truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và tình yêu quê hương, đất nước.

Trường THCS An Viên chỉ là một trong số hàng trăm trường học trong tỉnh có tác động to lớn từ phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Phong trào được khởi xướng thực hiện từ năm học 2008 -2009 và nhanh chóng được nhiều trường hưởng ứng tích cực, được sự ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ GD và ĐT phát động gồm các nội dung: Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.

Trong phong trào xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn, hầu hết các trường đã nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành. Cơ sở vật chất các trường được đầu tư tăng cường, tạo thuận lợi cho hoạt động dạy và học. Tính đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng ở bậc mầm non đạt trên 65%, ở bậc tiểu học đạt 87%, ở bậc trung học đạt gần 90%. Các trường có khuôn viên cây xanh, cây cảnh được quy hoạch đẹp mắt. Các trường có đủ bàn ghế vững chãi, phù hợp với độ tuổi học sinh. Đồng thời, với việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, hoạt động khuyến học khuyến tài được đẩy mạnh. Hội Khuyến học các cấp phát huy vai trò của mình, có nhiều hoạt động xây dựng quỹ học bổng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Mỗi năm, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã trao hàng chục nghìn suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi... Đặc biệt, hội cha mẹ học sinh làm cầu nối với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đón nhận sự quan tâm chăm lo, hỗ trợ các điều kiện, phương tiện để thực hiện đảm bảo “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh.

Để công tác dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập, cán bộ, giáo viên các nhà trường trong tỉnh đã được tập huấn về đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Các trường còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ học sinh học tập như: tổ chức các diễn đàn về phương pháp học tập, phương pháp nghiên cứu khoa học, phát triển câu lạc bộ học thuật, các hình thức chia sẻ tài liệu học tập. Toàn ngành đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh là trung tâm, gợi mở suy nghĩ sáng tạo của học sinh. Từ đó hình thành cho học sinh khả năng tư duy khoa học, độc lập, phát huy sở trường của từng học sinh. Chính vì thế, chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà đều có chuyển biến tích cực. Tỉnh Hưng Yên đã có học sinh đạt giải quốc tế, hoc sinh đạt giải quốc gia năm sau cao hơn năm trước. Kết quả thi đại học, cao đẳng luôn trong tốp 5 tỉnh có điểm trung bình cao nhất toàn quốc. Tỉnh duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đang đề nghị Bộ GD - ĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Đối với nội dung rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, hầu hết các nhà trường đã xây dựng quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong nhà trường và có giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy tắc hằng ngày. Nhiều trường học đã tổ chức các hoạt động như diễn đàn “Văn hóa ứng xử trong học đường”, “Phòng, chống bạo lực học đường”, “Một số kỹ năng cần thiết dành cho học sinh bậc THPT”, “Lập thân, lập nghiệp”... Vào kỳ nghỉ hè, trường học kết hợp với Đoàn thanh niên tổ chức dạy bơi, tránh cạm bẫy tệ nạn xã hội, kết hợp với hội phụ nữ tổ chức hoạt động cung cấp kiến thức và kỹ năng sống cho học sinh nữ như: nấu ăn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, tránh xâm hại...Một số trường học còn mời các chuyên gia tư vấn giáo dục, giảng viên về tập huấn công tác giáo dục kỹ năng sống cho các giáo viên và học sinh bậc THPT. Qua đó, học sinh không chỉ có kiến thức văn hóa từ sách vở mà còn có kỹ năng sống, thiết thực phục vụ trong cuộc sống hàng ngày.

Một nội dung quan trọng trong việc thực hiện phong trào này là các trường học coi trọng tổ chức hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh. Vào các ngày kỷ niệm  lớn của đất nước và của ngành GD - ĐT, các nhà trường trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ. Qua đó, không chỉ tạo không khí vui tươi, lành mạnh, thúc đẩy phong trào học tập mà còn phát hiện nhiều nhân tố cho phong trào văn nghệ, thể thao học đường. Sở GD - ĐT còn chỉ đạo đưa môn Lịch sử, Địa lý và Văn học địa phương vào giảng dạy ở các trường phổ thông. Đồng thời 100% các trường học nhận chăm sóc các công trình, di tích lịch sử văn hóa. Qua đó giúp hoc sinh hiểu hơn về truyền thống quê hương Hưng Yên văn hiến và cách mạng.

Có thể nói, phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo động lực mới cho các hoạt động giáo dục. Phương pháp dạy học có nhiều đổi mới giúp học sinh chủ động, tích cực học tập. Không khí thân thiện được tăng lên rõ rệt trong mối quan hệ giữa các thành viên trong trường, giữa nhà trường với gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương. Những kết quả của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo bước chuyển mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực