Sản xuất nông nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững

Thứ ba, 07/01/2014 17:01

Năm 2013, tuy có nhiều khó khăn về thời tiết, thị trường, song được sự quan tâm của tỉnh, ngành chuyên môn và các địa phương có nhiều giải pháp khắc phục, nên tỉnh Hưng Yên đã giành được nhiều kết quả trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, đưa lĩnh vực nông nghiệp phát triển khá toàn diện
 
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, năm 2013, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Hưng Yên tiếp tục chuyển đổi tích cực theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất cây lương thực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, rau quả, cây công nghiệp, trong đó nhóm cây lương thực chiếm 21,72% - rau quả, cây công nghiệp 27,71% - chăn nuôi, thủy sản 50,57%, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 10,5 nghìn tỷ đồng.

Trong trồng trọt các địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cơ cấu giống cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, bảo đảm an ninh lương thực. Năng suất lúa bình quân đạt 62,18 tạ/ha/vụ, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 502 nghìn tấn. Thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, toàn tỉnh đã xây dựng được 17 cánh đồng, với diện tích 560 ha. Hàng năm cơ bản đáp ứng được trên 70% nhu cầu giống lúa thuần tốt cho sản xuất lúa của nhân dân trong tỉnh. Trong vụ lúa xuân, cơ cấu trà vụ và các giống lúa được bố trí hợp lý. Một trong những yếu tố quyết định đến thắng lợi của vụ lúa xuân là cơ cấu giống và trà vụ được chuyển đổi tích cực. Đây là vụ lúa xuân đầu tiên toàn bộ diện tích được sử dụng các giống ngắn ngày, gieo cấy 100% diện tích trà xuân muộn. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao đạt 21.459 ha, chiếm 53,5%, diện tích lúa lai đạt 9.882 ha, chiếm 24,6%, diện tích gieo thẳng đạt hơn 9.243 ha, chiếm 23% diện tích gieo cấy. Trên đồng ruộng, nông dân đã thay đổi cơ bản tập quán gieo cấy lúa bằng mạ dược, thay vào đó là sử dụng diện tích mạ nền cứng và gieo thẳng. Giành thắng lợi vụ sản xuất lúa xuân, nông dân trong tỉnh đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa ở vụ mùa, cơ cấu trà vụ được các địa phương thực hiện bảo đảm kế hoạch. Các nhóm giống lúa lai, lúa chất lượng cao được mở rộng diện tích, đưa vào gieo cấy khảo nghiệm cho hiệu quả kinh tế cao.  

 

Máy gặt đập liên hợp trên đồng ruộng xã Đình Dù (Văn Lâm) 

Cây ăn quả tăng về diện tích, năng suất và sản lượng, nhất là cây ăn quả có múi. Chuối tiêu hồng đã trở thành sản phẩm nổi tiếng được nhiều địa phương biết đến. Hiện nay, diện tích cây chuối đạt gần 1,5 nghìn ha, năng suất đạt trên 31 nghìn tấn; diện tích cam, quýt đạt gần 2,4 nghìn ha, sản lượng đạt trên 38 nghìn tấn; diện tích nhãn, vải có xu thế gia tăng, đạt trên 3 nghìn ha, sản lượng nhãn đạt khoảng 35 nghìn tấn, vải khoảng 5,7 nghìn tấn; cây rau màu phát triển theo hướng tăng diện tích, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và các thị trường lân cận.

Chăn nuôi có sự chuyển biến tích cực về cơ cấu giống theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả, chất lượng con giống ngày càng được nâng cao, quy mô đàn phát triển. Đàn gia súc có gần 600 nghìn con, đàn gia cầm có gần 8,4 triệu con. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với năm 2012. Tỷ lệ lợn nạc đạt 75,5%, bò laisind và lai 3 máu chiếm 95% tổng đàn. Cùng với sự gia tăng về số lượng, quy mô, công tác bảo vệ môi trường chăn nuôi được quan tâm, hàng năm tỉnh hỗ trợ xây dựng hàng nghìn hầm khí biogas cho các trang trại, hộ chăn nuôi. Cùng với đó, các dự án trong chăn nuôi, thủy sản được triển khai hiệu quả như các dự án: Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm, đề án cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, đề án giống vật nuôi…

Để có được kết quả trên, cùng với các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các ngành, địa phương trong sản xuất, hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật, việc thâm canh theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”, tăng cường bón phân hữu cơ cho lúa được nông dân áp dụng rộng rãi. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp cung ứng hàng chục nghìn tấn phân bón chất lượng phục vụ nông dân, trong đó có một lượng đáng kể được bán theo phương thức trả chậm, tạo thuận lợi cho nông dân khắc phục tình trạng giá vật tư nông nghiệp “leo thang”. Cán bộ nông nghiệp, BVTV từ tỉnh tới cơ sở đã chủ động hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại theo nguyên tắc “4 đúng". Công tác dự báo, phòng chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm được thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 80% tổng đàn, được đánh giá là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng đạt cao của cả nước. Công tác kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm soát giết mổ được chú trọng, do vậy trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xúc tiến thương mại nông nghiệp được chú trọng, ngành nông nghiệp tỉnh tham gia nhiều hội trợ do Trung ương, tỉnh tổ chức nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm. Việc phát hành ấn phẩm bản tin sản xuất và thị trường hàng tuần, được cấp cho các địa phương góp phần cung cấp thông tin, định hướng sản xuất, giới thiệu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tới người sản xuất.

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được tỉnh, các ngành, địa phương có nhiều cơ chế, giải pháp hỗ trợ đầu tư. Đến nay, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng năng lực phòng chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất và dân sinh. Cùng với các công trình xây dựng kênh mương nội đồng, cải tạo, xây mới các trạm bơm, các dự án thủy lợi đang được khẩn trương thi công, sẵn sàng đưa vào phục vụ như các dự án: Nâng cấp tuyến đê tả sông Hồng với tổng mức đầu tư 2,7 nghìn tỷ đồng; cải tạo hệ thống công trình Bắc Hưng Hải khoảng 1 triệu USD; nạo vét khẩn cấp sông Điện Biên, Đồng Quê, Cửu An với tổng mức đầu tư 1,4 nghìn tỷ đồng… góp phần bảo đảm tưới, tiêu chủ động cho trên 88% diện tích đất nông nghiệp.
 
Ông Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong sản xuất nông nghiệp năm 2014, ngành nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu, đưa nhanh các tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; tăng cường đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư của Trung ương và của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nêu cao vai trò của các doanh nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; cùng với đó, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện dồn thửa, đổi ruộng tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hóa.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực