Năm 2013 là năm có nhiều khó khăn khiến nền kinh tế cả nước phải chống chọi với “sóng cả”. Trong hoàn cảnh đó, công nghiệp tỉnh Hưng Yên vẫn vượt lên phía trước góp phần quan trọng để kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá.
Năm mới 2014, có thể chưa vơi những thách thức song cũng có không ít vận hội cho công nghiệp tỉnh cùng các doanh nghiệp khi biết “vững tay chèo” chủ động, sáng tạo nắm bắt cơ hội vươn lên.
Khó khăn vẫn tăng trưởng khá
Khép lại một năm đầy khó khăn, thách thức, những thành quả trong lĩnh vực công nghiệp vẫn là mảng màu sáng chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh kinh tế của tỉnh Hưng Yên. Hiếm có năm nào mà lĩnh vực công nghiệp cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đối mặt và vượt qua khó khăn chồng chất như năm 2013. Giá cả nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh biến động theo chiều hướng tăng; sức mua của thị trường chưa được cải thiện đáng kể; tỷ lệ sản phẩm, hàng hóa tồn kho vẫn ở mức cao; khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nhiều doanh nghiệp chưa dễ dàng; giá sản phẩm sản xuất ra tăng chậm… Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ ở mức trung bình thấp, nhiều lĩnh vực sản xuất gia công là chính hoặc mới chỉ lắp ráp đơn giản nên sức cạnh tranh còn hạn chế, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2013 là năm bản lề thực hiện nghị quyết Đại hội đảng các cấp và Kế hoạch nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Do đó ngành Công Thương tỉnh xác định phải tích cực hỗ trợ sản xuất, tận dụng mọi cơ hội để công nghiệp sớm phục hồi và phát triển. Sở Công Thương đã triển khai thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực công nghiệp đã được phê duyệt; Tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổng hợp những khó khăn vướng mắc đề xuất các giải pháp cụ thể tháo gỡ hoặc tham mưu cho tỉnh có biện pháp tháo gỡ; Tích cực triển khai các đề án khuyến công, tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các chương trình hỗ trợ về khuyến công; Đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo thị trường, định hướng kịp thời để khai thác tối đa năng lực sản xuất của các doanh nghiệp; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại… Bên cạnh đó Sở cùng các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh bằng việc cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời thực hiện các giải pháp về tài chính, trợ giúp cho doanh nghiệp như: miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho hàng trăm doanh nghiệp...
|
Sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô tại Công ty Hamaden (KCN Thăng Long II) |
Những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự sát cánh, hỗ trợ của tỉnh đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 69,74 nghìn tỷ đồng, tăng 7,31% so với năm 2012. Dẫu chưa đạt mục tiêu như mong muốn nhưng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn gần 2% so với mức bình quân chung của cả nước. Nhiều lĩnh vực sản xuất, sản phẩm tăng trưởng mạnh như: Dây điện tăng 13,55%; Thức ăn gia súc gia cầm tăng 12,66%; Sản phẩm bằng kim loại tăng 11,1%... Các ngành nghề và nhóm hàng sản xuất công nghiệp ngày càng đa dạng hơn so với trước từ công nghiệp nặng như: cơ khí, luyện kim cho đến các ngành công nghiệp nhẹ như: dệt may, chế biến thực phẩm, chế tạo linh kiện điện tử. Hình thành một số nhóm sản phẩm, ngành công nghiệp được coi là thế mạnh như: dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất linh kiện điện tử, sắt thép và chế biến thực phẩm.
Trong bối cảnh khó khăn, toàn tỉnh vẫn thu hút thêm 84 dự án mới đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ với tổng vốn đăng ký 2,98 nghìn tỷ đồng và 129 triệu USD. Hiện nay tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh là 1.095 dự án gồm: 836 dự án trong nước và 259 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 58,29 nghìn tỷ đồng và hơn 2,31 tỷ USD. Trong năm có thêm 75 dự án mới đi vào hoạt động, đưa tổng số dự án đã đi vào hoạt động lên 675 dự án tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 vạn lao động. Bên cạnh đó có thêm 398 doanh nghiệp thành lập mới, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lên 5.200 doanh nghiệp, 3.200 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh và 1.435 doanh nghiệp kê khai phát sinh nghĩa vụ thuế.
Với những thành quả này, công nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh. Trong cơ cấu kinh tế (GDP) của tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 48,21% góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp cũng đóng góp quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng mạnh đạt 1,7 tỷ USD, vượt 36,3% so với kế hoạch năm, đồng thời tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước tỉnh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Vững bước vào năm mới
Theo dự báo của Trung ương và của tỉnh, kinh tế trong nước đang có sự phục hồi nhưng chậm và chưa vững chắc. Bước sang năm 2014, hoạt động công nghiệp cũng như các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Nguy cơ lạm phát vẫn rình rập; Nợ xấu tín dụng, sức mua thị trường yếu, tỷ lệ hàng tồn kho cao vẫn là điểm nghẽn đối với sản xuất, kinh doanh… Song thành quả đạt được trong việc kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chính phủ và tỉnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường, giúp doanh nghiệp phục hồi thời gian qua đã mang lại những tín hiệu tích cực mở ra cơ hội phát triển cho những doanh nghiệp “vững tay chèo”, chủ động, sáng tạo tận dụng kịp thời những yếu tố thuận lợi đẩy mạnh sản xuất kinh doanh...
Nhìn rõ thách thức cũng như thời cơ và với quyết tâm cao vượt qua khó khăn, ngành Công thương tỉnh tự tin, vững bước vào năm mới. Mục tiêu phấn đấu năm 2014 được đề ra khá cao với mức tăng trưởng công nghiệp 9%, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, Sở Công Thương nỗ lực hơn nữa tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đã đạt được, cụ thể hóa và triển khai tích cực, sáng tạo các giải pháp của ngành Công thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là các giải pháp về tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Sở bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ hiệu quả với các sở ngành liên quan và các địa phương để tháo gỡ hoặc tham mưu, đề xuất các biện pháp giải quyết với UBND tỉnh, Bộ Công Thương nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp nắm bắt và phát huy được cơ hội sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin thị trường xuất khẩu, làm đầu mối kết nối các doanh nghiệp lớn của tỉnh với các đơn vị và người tiêu dùng để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; Đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm tại các địa phương, tạo điều kiện để các doanh nghiệp của tỉnh tham gia Hội chợ thương mại - công nghiệp để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết, tìm kiếm thị trường mới.
Hoạt động khuyến công, chú trọng các nội dung: Tư vấn, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, các hoạt động nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; Triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển TTCN và ngành nghề, phát triển xuất khẩu; Khuyến khích các dự án đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; Kịp thời tiếp cận và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động của các doanh nghiệp, dự án mới đi vào sản xuất nhằm khẩn trương phát huy hiệu quả đầu tư, tăng năng lực sản xuất cho toàn ngành; Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn tín dụng bằng các hình thức cung cấp thông tin, trợ giúp hoàn thiện thủ tục vay vốn. Bên cạnh đó sở đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí nhất định hỗ trợ bình ổn giá đối với các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu góp phần giảm bớt khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh và ổn định thị trường, đời sống nhân dân; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh. Tin tưởng rằng những giải pháp toàn diện, quyết liệt của tỉnh và các ngành chức năng cùng sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp sẽ đưa công nghiệp tỉnh ta sớm phục hồi và phát triển vững chắc.