Thứ năm, 13/11/2014 10:47 (GMT+7)
(ĐCSVN)- Trong khi có không ít làng nghề đang dần bị mai một thì làng đúc đồng thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên vẫn tồn tại và ngày càng phát triển. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của những thanh niên tại địa phương đã kiên trì giữ lửa, không để nghề truyền thống bị mai một lãng quên.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống 4 đời làm nghề đúc đồng, năm 10 tuổi, anh Dương Văn Tập, thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm đã theo bố và ông nội học nghề đúc đồng. Nhờ tích cực học hỏi, nên mới ngoài 30 tuổi anh Tập đã là một thợ đúc đồng có tiếng, được nhiều người biết đến. Có những khách từ Thái Nguyên, Hải Phòng,… đến tận nơi để tìm mua và đặt hàng. Trung bình mỗi năm, xưởng đồng của gia đình Anh cho ra thị trường từ 500 đến 700 bộ lư đỉnh, tượng thờ,… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Cũng giống như anh anh Dương Văn Tập với phương châm “Ruộng nương đề huề không bằng có nghề trong tay”, ngay từ những ngày còn bé anh Trịnh Văn Thương đã chú tâm theo học nghề truyền thống. Dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, làng nghề cũng có lúc thăng trầm, nhưng với tình yêu, lòng say mê, anh Thương vẫn kiên trì giữ lấy nghề, lập nghiệp từ số vốn 4 triệu đồng ít ỏi và dụng cụ từ đời ông, đời cha để lại. Đến nay, mỗi năm gia đình anh Thương thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ nghề cổ truyền. Không chỉ vậy, xưởng đúc đồng của gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương.
Đối với người dân Lộng Thượng, đúc đồng không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là một nét đẹp không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Người dân nơi đây từ đời này sang đời khác đều nhắc nhở nhau phải giữ lửa cho nghề truyền thống, không để mai một. Bởi vậy Toàn thôn có 40 đoàn viên, thanh niên thì có tới 30 người đang lập nghiệp từ nghề truyền thống. Người trẻ nhất chỉ khoảng 15, 16 tuổi. Ngọn lửa đam mê của tuổi trẻ Lộng Thượng vẫn cháy thì nghề đúc đồng truyền thống nơi đây còn tiếp tục phát triển bền vững.